Cây cối hấp thụ và lưu trữ CO2 nên rất quan trọng đối với sự tồn tại lâu dài của chúng ta. Nhưng chúng ta không biết có bao nhiêu cây trên hành tinh. Phần lớn trái đất không thể tiếp cận được vì chiến tranh, quyền sở hữu hoặc yếu tố địa lý nhưng giờ đây, giới khoa học, nghiên cứu và các nhà vận động đã có nhiều nguồn lực hơn để theo dõi số lượng cây trên toàn hành tinh.
Khi một nhóm các nhà khoa học quốc tế bắt đầu đếm từng cây trong một vùng rộng lớn ở Tây Phi bằng cách sử dụng AI cùng hình ảnh vệ tinh và một trong những siêu máy tính mạnh nhất thế giới, kỳ vọng của họ rất khiêm tốn. Trước đây, khu vực này được coi là có rất ít hoặc không có cây che phủ.
Phó giáo sư địa lý Martin Brandt thuộc Đại học Copenhagen cho biết điều ngạc nhiên lớn nhất là phần sa mạc Sahara mà nghiên cứu bao quát (khoảng 10%) vốn là “nơi không ai mong đợi tìm thấy nhiều cây” thì thực sự có tới “vài trăm triệu cây”.
Hình ảnh vệ tinh trở thành công cụ thiết thực nhất để đếm số lượng cây trên thế giới nhưng trong khi các khu vực có rừng tương đối dễ dàng phát hiện từ không gian thì những cây không được tập hợp gọn gàng trong các khóm xanh rậm rạp thường bị bỏ sót. Brandt cho biết đó là lý do các đánh giá cho đến nay “vẫn còn cách rất xa con số thực. Những đánh giá này dựa trên các phép nội suy, ước tính và dự phóng”.
Nỗ lực gần đây nhất kiểm đếm cây trên toàn cầu là năm 2015 khi giới nghiên cứu kết hợp dữ liệu vệ tinh và đo đếm thực địa, ước tính chỉ có hơn 3 nghìn tỷ cây. Đây là mức tăng đáng kể so với ước tính trước đó là 400 tỷ vào năm 2009 vốn chỉ dựa trên hình ảnh vệ tinh.
Nghiên cứu do nhóm của Brandt thực hiện ở Tây Phi hứa hẹn đưa ra bức tranh chính xác hơn trong tương lai. Hợp tác với Trung tâm vũ trụ Goddard của Nasa, họ có thể sử dụng hình ảnh vệ tinh từ DigitalGlobe (trước đây chỉ phục vụ các đơn vị thương mại) có độ phân giải đủ cao để phân biệt từng cây và đo kích thước ngọn của chúng.
Sử dụng công nghệ học sâu AI và một trong những siêu máy tính Blue Waters của Đại học Illinois, lần đầu tiên nhóm có thể đếm từng cây từ không gian. Nhóm đánh dấu thủ công gần 90.000 cây trên nhiều địa hình khác nhau, vì vậy máy tính có thể “học” hình dạng và bóng râm nào chỉ ra sự hiện diện của cây cối. Điều này cho phép nhóm đếm mọi cây có kích thước ngọn ít nhất 3 m2 trong khu vực 1,3 km2 bao trùm phần lớn là Sahara cũng như khu vực Sahel bán khô cằn dọc theo rìa phía nam sa mạc và một phần vùng cận ẩm mé dưới. Tổng thể, nhóm phát hiện ra hơn 1,8 tỷ cây.
Cây ở Sahara có xu hướng tập trung xung quanh các khu có con người định cư. Các khu vực khô cằn có trung bình 9,9 cây/ha, tăng lên mức 30,1 cây ở vùng bán khô hạn và 47 cây ở vùng cận ẩm cực nam của khu vực đang được nghiên cứu. Chỉ có 0,7 cây/ha ở những khu vực được phân loại “siêu khô cằn”.
“Hầu hết các bản đồ cho thấy những khu vực này về cơ bản là trống rỗng”, Brandt nói. “Nhưng thật ra lại không hề trống rỗng. Đánh giá của chúng tôi gợi ý cách để giám sát những cây nằm ngoài rừng ở cấp độ toàn cầu và khám phá vai trò của chúng trong việc giảm thiểu suy thoái, biến đổi khí hậu và nghèo đói”.
Giữ gìn thực vật trên hành tinh là chìa khóa để hiểu được tác động của cây xanh đối với sức khỏe hành tinh. Nếu có thể được lập bản đồ về số lượng cây thì cũng có thể được lập bản đồ về lượng carbon chúng lưu trữ.
Bản đồ cây thế giới uy ín nhất hiện nay do Global Forest Watch phát hành hàng năm. Được Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) trình làng vào năm 2014, bản đồ này sử dụng dữ liệu từ các vệ tinh Nasa Landsat (không có độ phân giải cao như các vệ tinh thương mại) để theo dõi cái được gọi một cách ngoại giao là “mất độ che phủ cây”.
Trước đây, thông tin về sự thay đổi hình dạng của các khu rừng được Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc đối chiếu 5 năm một lần và số liệu này phải trông chờ vào niềm tin với các quốc gia. Mục đích của WRI là làm cho việc đánh giá dữ liệu về phá rừng trở nên minh bạch.
Cảnh báo hàng tuần được đưa ra về việc giảm quy mô rừng ở các vùng nhiệt đới. Phó giám đốc chương trình rừng Fred Stolle thuộc WRI cho biết: “Campuchia thường tuyên bố rằng họ không có nạn phá rừng nhưng phá rừng ở đó khá tràn lan. Ngành công nghiệp xe hơi ngày càng phát triển và chúng ta cần lốp xe. Cao su phát triển tốt ở nhiệt đới, vì vậy Campuchia phá rừng để trồng thêm cây cao su”.
Các cảnh báo cũng được đưa ra với Ghana, nơi diện tích rừng nguyên sinh bị tàn phá tăng 60% trong khảng thời gian 2017 – 2018. Đây là mức tăng lớn nhất ở vùng nhiệt đới.
Tuy nhiên, có một khía cạnh của bản đồ WRI mà Stolle thừa nhận là bức tranh đưa ra chưa hoàn chỉnh. Trong khi các vệ tinh dễ dàng hiển thị những nơi cây đã bị chặt, “sự phát triển của cây mới khó thấy được hơn nhiều. Vì vậy, dù Global Forest Watch thấy được vụ phá rừng nhưng lại không thấy nhiều vụ tái trồng rừng”.
Brandt hy vọng rằng công nghệ có độ phân giải cao hơn do các vệ tinh thương mại cung cấp sẽ được phổ biến rộng rãi trong những năm tới và sẽ rút ngắn khoảng cách này.
Một tổ chức khác theo dõi nạn phá rừng là Canopy, tổ chức NGO về môi trường được CEO Nicole Rycroft thành lập năm 1999. Tổ chức này theo dõi chuỗi cung ứng cho các công ty vì theo Rycroft, “không cần phải chặt những cây cổ thụ 100 năm tuổi để làm hộp bánh pizza hoặc áo phông hoặc lấy cây từ đất đai của các cộng đồng bản địa”.
Sử dụng thông tin từ nhiều nguồn tin khoa học, Canopy đóng gói dữ liệu thô và hình ảnh vệ tinh thành một công cụ tương tác có tên ForestMapper nhằm hỗ trợ các công ty chuyển sang chuỗi cung ứng bền vững. Người dùng có thể quét bản đồ để lấy thông tin về mật độ carbon của rừng, các loài nguy cấp, tình trạng mất cây cho đến thời điểm đó và nạn phá rừng được dự báo trong thập kỷ tới. Rycroft khẳng định: “Chúng tôi thiên về khoa học ứng dụng nên dữ liệu rất thân thiện với người dùng”.
Ngoài việc nêu bật những chuỗi cung ứng rủi ro, Canopy giúp các nhà sản xuất tìm ra nguồn bền vững hơn bao gồm cả sợi tái chế, “vì vậy chúng tôi không chuyển vấn đề từ chỗ này sang chỗ khác”.
“Chúng tôi hợp tác với 320 thương hiệu thời trang, trong đó có những công ty như H&M, Zara và Uniqlo cho đến những nhà thiết kế sang trọng như Stella McCartney. Và như bạn có thể tưởng tượng, rất nhiều động lực trong các công ty đó nhưng tất cả đều cam kết thực hiện”, Rycroft chia sẻ.
Cách đây 7 năm, thậm chí rất ít người trong ngành biết rằng “mỗi năm 200 triệu cây xanh đang bị biến thành tơ sợi nhân tạo, cả những cây bị khai thác từ sinh cảnh của đười ươi và gấu xám – những hệ sinh thái rừng có hàm lượng carbon thực sự cao”. Giờ đây, “52% sản lượng sợi trên toàn cầu được chúng tôi xác minh có nguy cơ không cao về xuất xứ từ các khu rừng có hàm lượng carbon cao hoặc đa dạng sinh học cao. Vẫn còn 48% chuỗi cung ứng phải xác minh nhưng trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, chúng tôi thấy được chuỗi cung ứng toàn cầu về cơ bản bắt đầu chuyển đổi cách cung cấp.”
Các điểm nóng trên bản đồ bao gồm Đông Nam Á, Indonesia, Việt Nam, Lào và Brazil. Hợp tác với các tổ chức NGO và giới vận động địa phương, Canopy đi sâu vào chi tiết từng khu vực. Ví dụ, một số khu ở Indonesia trồng bạch đàn trên vùng đất than bùn có hàm lượng carbon cao cần được phục hồi. Rycroft nói: “Và gần đây chúng tôi phát hiện ra rằng sinh cảnh của gấu túi ở Úc bị khai thác để sản xuất sợi vải”.
Sự giám sát tương tự cũng áp dụng cho các chuỗi cung ứng khác, chẳng hạn như bìa cứng. “Đâu là những khu rừng có tới 3 tỷ cây biến mất thành bao bì thực phẩm, hộp bánh pizza hoặc bao bì mà các nhà bán lẻ trực tuyến đặt trước cửa nhà chúng ta? Bao bì đó xuất xứ từ một đồn điền được quản lý bền vững? Có tái chế được không? Hay xuất xứ từ một khu rừng có giá trị carbon cao?”
Điều khó theo dõi nhất là việc chặt phá trái phép một số lượng lớn những cây còn tồn tại ngoài rừng. Nhóm của Brandt sắp trình làng một nghiên cứu khác mà họ đã rà soát diện tích gấp 10 lần trong nghiên cứu ban đầu của họ. Brandt cho biết cũng như rừng, các cây riêng lẻ “cũng có giá trị trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu, cung cấp nhiều hệ sinh thái và dịch vụ cho con người và cho đến nay vẫn chưa thể lập bản đồ được”.
Nhật Anh (Theo Guardian)