Mực nước sông Mê Kông ở miền bắc Thái Lan và khu vực hạ nguồn vẫn tiếp tục giảm, sau khi Trung Quốc ngừng xả nước từ đập Cảnh Hồng ở tỉnh Vân Nam.
Theo tờ nhật báo Thái Lan The Nation, mực nước sông Mê Kông ở huyện Chiang Saen thuộc tỉnh Chiang Rai, miền Bắc Thái Lan đã giảm từ 2,5 mét xuống 1,84 mét trong tuần qua (10 đến 17 tháng 2).
Các quan chức Thái Lan nói với báo chí rằng, họ không nhận được bất kỳ cảnh báo nào về tình hình nguồn nước từ đập Cảnh Hồng ở Xishuangbanna, thuộc tỉnh Vân Nam, cách Chiang Saen khoảng 400 km về phía thượng nguồn.
Vào thứ Sáu tuần trước, Ủy hội sông Mê Kông (MRC) cho biết mực nước đã giảm mạnh kể từ đầu năm nay do lượng mưa thấp hơn, thay đổi dòng chảy ở thượng nguồn, cộng với sự hoạt động của các thủy điện ở các chi lưu sông Mê Kông và hạn chế dòng chảy từ đập Cảnh Hồng.
Ghi nhận từ ngày 2 đến mùng 4 tháng Giêng, mực nước tại trạm quan trắc Chiang Saen đã giảm khoảng 1 mét. Và kể từ đó đến nay, mực nước tại đây dao động dữ dội, thường xuyên lên xuống trong khoảng hơn nửa mét.
Còn ở phía hạ lưu, mực nước cũng dao động giữa khu vực Chiang Khan ở tỉnh Loei của Thái Lan và thủ đô Vientiane của Lào, thậm chí còn xuống tới mức nghiêm trọng hơn khi mực nước lên xuống trong phạm vi 0,82 mét.
Trước đó hôm 7/1, Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc ra thông báo đề cập đến việc nhà máy thủy điện Cảnh Hồng sẽ xả nước với tốc độ/lưu lượng dòng chảy 1.000 m3/s bắt đầu từ ngày 5 đến ngày 24/1 với lý do bảo dưỡng đường dây truyền tải điện. Sau khoảng thời gian trên, chế độ vận hành thủy điện Cảnh Hồng sẽ hoạt động bình thường trở lại.
Vào tháng 10 năm 2020, Bắc Kinh đã đồng ý chia sẻ dữ liệu nguồn nước với MRC, bao gồm các nước hạ nguồn sông Mê Kông là Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam về các vấn đề liên quan.