Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2021, ngành phấn đấu thu từ dịch vụ môi trường rừng đạt 2.800 tỷ đồng.
Theo ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, thời gian tới sẽ có thêm nguồn thu từ dịch vụ hấp thụ cacbon và giảm phát thải của rừng. Như vậy, mỗi năm có thể tăng thêm từ 300 – 500 tỷ đồng từ các dịch vụ môi trường rừng.
Năm vừa qua, cả nước thu được trên 2.566 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, đạt 91% kế hoạch; trong đó, Trung ương thu trên 1.604 tỷ đồng; địa phương thu trên 962 tỷ đồng.
Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, việc thu tiền dịch vụ môi trường rừng không đạt kế hoạch bởi, tình hình thủy văn quý IV/2019 đến quý II/2020 diễn ra tình trạng thiếu nước nghiêm trọng tại một số hồ thủy điện lớn như: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu.
Điều này dẫn đến các hồ thủy điện không đạt mực nước dâng bình thường, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của các công ty thủy điện.
Ngoài ra, năm 2020 cũng là năm có diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam và trên toàn thế giới, đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu dịch vụ môi trường rừng.
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cho biết, số tiền dịch vụ môi trường rừng trên đã góp phần hỗ trợ cho 226 ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng; hơn 138.000 chủ rừng là cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng có kinh phí quản lý bảo vệ rừng; tạo nguồn thu cho 81 công ty lâm nghiệp để duy trì hoạt động khi không còn khai thác gỗ rừng tự nhiên và hỗ trợ sinh kế cho hơn 172.000 hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng người dân miền núi bảo vệ rừng, góp phần nâng cao đời sống trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang khó khăn.
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã trở thành nguồn tài chính bền vững, huy động nguồn vốn từ xã hội, góp phần vào gia tăng giá trị của ngành lâm nghiệp cũng như tăng trưởng GDP.
Nhờ có nguồn tài chính này đã góp phần trong việc quản lý rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, tạo việc làm, sinh kế bền vững cũng như nâng cao nhận thức cho người dân.
Ông Phạm Văn Điển cho rằng, nguồn tiền này thu được là nhờ giá trị ích lợi thu được từ rừng do đó cần nhớ rằng việc thu này luôn gắn với việc tái đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng.
Chúng ta làm việc này để cho rừng phát triển tốt hơn và người dân bảo vệ rừng cũng có thêm được nguồn thu. Thu từ giá trị dịch vụ rừng luôn phải gắn liền với trách nhiệm bảo vệ rừng và cải thiện sinh kế.
Theo ông Phạm Văn Điển, số tiền thu được trên chưa phản ánh đầy đủ giá trị dịch vụ của hệ sinh thái rừng mang lại.
Còn có những hoạt động khác có thể tạo ra nguồn thu như dịch vụ du lịch sinh thái. Hiện nay, nguồn thu dịch vụ môi trường rừng chủ yếu là từ các nhà máy thủy điện, công ty nước sạch.
Các chuyên gia cho rằng, thời gian tới cần mở rộng đối tượng thu như dịch vụ kinh doanh du lịch sinh thái; cơ sở sản xuất công nghiệp; cơ sở nuôi trồng thủy sản như nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng ngập mặn, nuôi cá nước lạnh, nuôi cá lồng trên sông, hồ…; dịch vụ hấp thụ và lưu trữ cacbon trong nước và bán tín chỉ cacbon ra thị trường thế giới.