Cộng đồng địa phương là những người bảo vệ đầu tiên, cũng là những người đang thực hiện việc quảng bá di sản. Có thể khẳng định rằng cộng đồng địa phương là nguồn cội của văn hóa.
Đó là chia sẻ của ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam với Báo Điện tử Chính phủ.
Đánh giá về nỗ lực của Việt Nam trong việc gìn giữ, bảo vệ và phát huy di sản, ông Michael Croft cho rằng di sản văn hóa là nền tảng của quốc gia, dẫn dắt dân tộc Việt Nam phát triển và tồn tại trong nhiều thế kỷ bị chiếm đóng, sau đó là cuộc đấu tranh cho tự do và độc lập.
“Chúng ta thấy rõ rằng ngay từ khi bắt đầu xây dựng đất nước Việt Nam hiện đại vào năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký một trong những sắc lệnh đầu tiên nhằm bảo vệ và phát huy di sản văn hóa. Những yếu tố quyết liệt trong thể chế tại Việt Nam tạo nên khuôn khổ hành động cũng như những chính sách mạnh mẽ nhằm bảo vệ, phát triển di sản văn hóa và tạo ra sự khác biệt. Ví dụ, việc thúc đẩy sự đa dạng văn hóa và quyết định cho phép giáo dục di sản bằng tiếng mẹ đẻ ở lứa tuổi mầm non, tiểu học đã giúp bảo vệ và phát triển sự đa dạng văn hóa ở Việt Nam”, ông Michael Croft nói.
Theo ông Michael Croft, rất nhiều khách du lịch lựa chọn đến Việt Nam, có những rung cảm thú vị khi du lịch tại nơi đây bởi họ đều biết tới hoặc mong đợi sẽ trải nghiệm một nền văn hóa và một di sản độc đáo. Đó là cơ hội cũng như thách thức cho Việt Nam bởi phải tạo ra ranh giới giữa bảo tồn và phát triển di sản văn hóa.
Cần huy động sự tham gia của cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch và bảo tồn du lịch bền vững. Du lịch ồ ạt không phải là mô hình bền vững nhất hiện nay. Cội nguồn của di sản văn hóa và sự đa dạng văn hóa của Việt Nam là làng xã, là cộng đồng địa phương. Các cộng đồng địa phương là nơi khởi nguồn cho sự phát triển các di sản văn hóa phi vật thể. Họ là những người bảo vệ đầu tiên, cũng là những người đang thực hiện việc quảng bá di sản, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam nhận xét.
Ông Michael Croft khuyến nghị, cần phải đảm bảo có một phương pháp tiếp cận mang tính quốc gia cho sự phát triển di sản văn hóa, trong đó chú trọng tới việc thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương trong việc thảo luận về cách phát triển và cách sử dụng các nguồn tài nguyên văn hóa.
“Tôi có thể lấy ví dụ điển hình nhất là những hoat động được thực hiện ở tỉnh Quảng Nam trước khi khu di sản Mỹ Sơn và Hội An được đề cử. Lãnh đạo tỉnh này đã ngồi lại với các doanh nghiệp địa phương và cộng đồng địa phương để nói về loại hình phát triển mà tỉnh mong muốn. Giờ chúng ta có thể thấy, khi đến Hội An, có rất nhiều doanh nghiệp địa phương cũng như khu nhà dân đều được hưởng lợi. Nhờ đó duy trì tăng trưởng du lịch thông qua cộng đồng bền vững hơn”, ông Michael Croft nói.