Cần coi thiên nhiên là nguồn vốn nền tảng nhất

Vốn tự nhiên đang nổi lên như một hình thức đầu tư mới, ít carbon và công nhận giá trị nội tại của hệ sinh thái toàn cầu.

Khi tốc độ của quá trình chuyển đổi sang carbon thấp trên toàn cầu diễn ra nhanh chóng, những sản phẩm đầu tư quy mô lớn thân thiện với thiên nhiên cũng xuất hiện, mang đến cơ hội mới cho các nhà đầu tư trong việc đa dạng hóa rủi ro đầu tư, đồng thời vẫn duy trì lợi nhuận dài hạn hấp dẫn.

Cuộc khủng hoảng Covid-19 tiếp diễn buộc các chính phủ nỗ lực ngăn chặn một cuộc suy thoái kinh tế trên diện rộng. Tuy nhiên, những gì chúng ta đang thấy khác với những cuộc khủng hoảng kinh tế trong quá khứ. Những mối quan tâm về môi trường và khí hậu hiện được đặt lên hàng đầu trong tư duy kinh tế sáng tạo.

Trong khi còn quá ít quốc gia nắm bắt lấy cơ hội này, các nhà lãnh đạo thế giới đang hứa hẹn hàng trăm tỷ đô la tiền công quỹ cho các dự án kích thích phát triển xanh. Ví dụ, Liên minh châu Âu dự kiến dành hơn 1/3 trong số 750 tỷ Euro của gói khôi phục “Thế hệ tiếp theo của EU” cho các sáng kiến xanh, bao gồm các biện pháp giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, tăng cường hiệu quả năng lượng, đầu tư vào bảo tồn và khôi phục vốn tự nhiên.

Tái trồng rừng ngập mặn ở Satun, miền nam Thái Lan. (Ảnh: Alamy)

Với tổng vốn ngày càng tăng và đang cần được phân bổ lại, nhu cầu về cơ hội đầu tư mới, ít hoặc không có carbon mang lại dòng tiền mạnh và lợi nhuận lâu dài, đáng tin cậy là hiển nhiên. Cho đến nay, một phần nguyên nhân các dự án năng lượng tái tạo chiếm ưu thế là do thiếu các giải pháp thay thế. Tuy nhiên, vốn tự nhiên hiện đang nổi lên như một chủ đề đầu tư mới.

Mở rộng cơ hội đầu tư

Đầu tư vốn tự nhiên công nhận giá trị nội tại của các hệ sinh thái (chẳng hạn như đất ngập nước, đất trồng và rừng) cùng những lợi ích chúng mang lại cho con người, bao gồm nước sử dụng được, thụ phấn cho cây trồng, kiểm soát sâu bệnh và cô lập carbon. Nếu chúng ta muốn duy trì cách sống thì phải coi trọng chất lượng nước, tầm quan trọng của đa dạng sinh học, sức khỏe của đất và đại dương cũng như nhu cầu ngăn chặn các tác động thảm khốc từ biến đổi khí hậu.

Ví dụ về các tài sản vốn tự nhiên có thể đầu tư là nông nghiệp bền vững và tái tạo, quản lý đất rừng bền vững, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nước bền vững và bảo tồn nước, bảo vệ và phục hồi đa dạng sinh học, động vật hoang dã và các khoản đầu tư liên quan đến đại dương như thủy sản bền vững, phục hồi bờ biển và carbon xanh.

Trong nhiều trường hợp, những tài sản này thu được lợi nhuận cơ bản từ các hoạt động hiện tại, chẳng hạn như thực phẩm, chất xơ và gỗ. Là một sản phẩm đầu tư vốn tự nhiên, chúng cũng có tiềm năng tạo ra lợi nhuận bổ sung thông qua hấp thụ carbon và phục hồi đất. Khi được tái tạo, tài nguyên mang lại tiềm năng cho năng suất cao hơn và đầu ra giá trị hơn.

Trong trường hợp cô lập carbon, nhiều chính phủ và công ty định giá và thanh toán cho các tài sản carbon phát sinh từ việc giảm phát thải khí nhà kính, chẳng hạn như thay thế cho carbon được giao dịch trên thị trường carbon tự nguyện và có quy định.

Theo thời gian, chúng ta sẽ tăng nguồn thu từ các khoản đầu tư vào đa dạng sinh học, động vật hoang dã và tài sản tự nhiên như rạn san hô, đại dương, rừng ngập mặn và rừng mưa nhiệt đới. Ví dụ, chính quyền bang Queensland ở Úc thông qua Quỹ Phục hồi Đất đai đã chi trả cho các đồng lợi ích dựa trên thiên nhiên. Hoặc việc trồng lại rừng ngập mặn làm giảm mức độ nghiêm trọng của thiệt hại do bão gây ra, cung cấp nơi sinh sản cho các loài cá và được coi là một trong những cách hấp thụ carbon hiệu quả nhất hiện có.

Là loại tài sản không bị ảnh hưởng bởi sự vận động của thị trường tài chính nói chung, đầu tư vốn vào tự nhiên mang lại sự đa dạng hóa trong việc chuyển đổi nhằm giảm lượng khí thải carbon của nền kinh tế và vẫn thu được lợi nhuận lành mạnh. Các quỹ hưu trí và quỹ tài sản có thể đầu tư vào vốn tự nhiên để có được lợi tức bắt buộc mà không những ít gây hại hơn đồng thời có tiềm năng phục hồi môi trường.

Các sản phẩm đầu tư có thể được điều chỉnh từ công cụ tài chính truyền thống. Chẳng hạn, chúng ta đã thấy những sáng kiến tài chính mới với trái phiếu Reef Credits, trái phiếu Rainforest và trái phiếu Rhino Impact được tung ra thành công thị trường, xây dựng nên một thị trường phát triển nhanh chóng về trái phiếu liên quan đến hoạt động môi trường như hoàn thành các mục tiêu năng lượng tái tạo.

Thiên nhiên cần những hành động ở quy mô lớn

Chúng ta biết rằng đó là cơ hội. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) gần đây lưu ý chuyển đổi ba lĩnh vực chính của nền kinh tế theo cách “tích cực với tự nhiên” có thể tạo ra 10 nghìn tỷ USD tăng trưởng và 395 triệu việc làm vào năm 2030. Tổng vốn đầu tư cần thiết hàng năm để nắm bắt tất cả các cơ hội ở ba lĩnh vực ước tính khoảng 2,7 nghìn tỷ đô la.

Nhu cầu chính sách công đối với các dự án cụ thể là có. Ủy ban châu Âu đang kêu gọi 22 tỷ USD mỗi năm trong thập kỷ tới để đầu tư vào trồng hơn 3 tỷ cây xanh, khôi phục 25.000 km sông, giảm 20% lượng phân bón và tăng 25% diện tích đất nông nghiệp được quản lý theo phương thức canh tác hữu cơ.

Ngoài tìm kiếm lợi nhuận tài chính, chúng ta cũng tìm cách phát triển các thị trường mới cho vốn tự nhiên thông qua các khoản đầu tư. Cơ hội cho lĩnh vực này từ nông nghiệp tái tạo ở Úc với các lợi ích chung như cô lập carbon trong đất có thể kiếm tiền từ những chương trình khu vực, những dự án lâm nghiệp thương mại với lợi ích bảo tồn ở Hoa Kỳ cho tới các dự án cảnh quan tổng hợp ở Mỹ Latinh và châu Âu với nhiều nguồn thu từ lâm nghiệp, nông nghiệp, tín chỉ carbon và du lịch sinh thái. Mỗi cơ hội đầu tư sẽ được đánh giá dựa trên các tiêu chuẩn môi trường cao và cần chứng minh tiềm năng mang lại tác động tích cực đến môi trường trong suốt thời gian tồn tại.

Tiềm năng tạo ra giá trị vốn tự nhiên sẽ được định lượng khi bắt đầu mỗi khoản đầu tư và các mục tiêu tác động tích cực sẽ được phát triển trên 6 lĩnh vực tác động. Tiến độ thực hiện các mục tiêu này sẽ được theo dõi và báo cáo, sử dụng công cụ đo lường tác động hàng đầu trong ngành – thiết lập một tiêu chuẩn mới để đo lường tác động khi nói đến vốn tự nhiên.

Chúng ta biết rằng mối quan hệ kinh tế với tự nhiên phải thay đổi. Chúng ta đang nhanh chóng đạt tới điểm giới hạn về môi trường, bao gồm cả sự mất mát nhanh chóng và ngày càng tăng về động vật hoang dã, sinh cảnh và thậm chí toàn bộ các loài bởi chúng ta không thể định lượng hoặc đánh giá đúng tầm quan trọng của các hệ sinh thái.

Đã đến lúc lấy lại sự cân bằng cho thiên nhiên. Vào thời điểm hàng nghìn tỷ nguồn vốn mới được tạo ra đang tìm kiếm nơi để rót vào thì ngôi nhà của chúng ta – Trái đất – là khoản đầu tư sinh lợi nhất mà chúng ta có.

Thế Anh (Theo chinadialogue)

Nguồn: