Sự xuất hiện của Covid-19 nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác dự đoán và chuẩn bị phương án ứng phó với những kịch bản có thể xảy ra trong tương lai. Đây cũng là mục tiêu của nghiên cứu “Rà soát toàn diện năm 2021 về các vấn đề bảo tồn sinh học toàn cầu mới nổi” vừa được công bố trên tạp chí “Trends in Ecology & Evolution”.
Nghiên cứu do nhà sinh học bảo tồn William Sutherland thuộc Đại học Cambridge cùng 24 nhà bảo tồn, nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới thực hiện, đưa ra 15 xu hướng có khả năng tác động lớn đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Dưới đây là những vấn đề nổi bật được đề cập.
Những rạn san hô nghẹt thở
Trong những thập kỷ gần đây, các rạn san hô bị bao vây bởi nhiều mối đe dọa, từ các loài xâm lấn, tình trạng nước ấm lên đến các hoạt động đánh bắt gây nguy hại. Thêm điểm đáng lo ngại là tình trạng san hô chết ngạt vì thiếu oxy do dòng chảy chất dinh dưỡng từ đất liền hoặc các cơ sở nuôi trồng thủy sản xả ra biển. Nước ấm vốn chứa ít oxy hơn nước lạnh nên các nhà khoa học lo ngại biến đổi khí hậu sẽ khiến vấn đề này trở nên tệ hơn.
Quá trình khử oxy của nước biển cũng gây hại cho san hô trong các không gian khá nhỏ như vịnh và đầm phá. Mặc dù chúng ta biết tương đối ít về khả năng phục hồi của san hô khi thiếu oxy nhưng trong một số trường hợp, tình trạng này trở thành giọt nước tràn ly, ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái rạn san hô.
Những bờ biển sắt kiên cố
Ven bờ đại dương là nơi sinh sống của nhiều loài động, thực vật và xu hướng này tiếp tục gia tăng do sự tan chảy của băng (từ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu) có chứa một lượng sắt tương đối lớn. Thực vật cần sắt để quang hợp, vì vậy băng tan sẽ kích thích sự phát triển của chúng. Điều này làm tăng khả năng của các hệ sinh thái ven biển trong việc hấp thụ CO2 từ khí quyển và các chất dinh dưỡng có hại tiềm tàng từ đất liền, đồng thời tăng cường nguồn cung thực phẩm cho các sinh vật khác trong khu vực. Thế nhưng, khi xu hướng này tiếp tục gia tăng, ngay cả khi nó tăng cường khả năng giảm thiểu biến đổi khí hậu của các cộng đồng sinh vật thông qua hấp thụ carbon thì cũng có thể làm thay đổi đa dạng sinh học và cấu trúc hệ sinh thái cũng như sự phức tạp dọc các bờ biển vùng cực theo những cách chưa ai biết đến.
Làn sóng thay đổi
Xu hướng năng lượng toàn cầu sẽ mang đến những làn sóng thay đổi lớn. Nhiều giàn khoan dầu khí ngoài biển cũng như các tuabin gió ngoài khơi phiên bản cũ dự kiến sẽ ngừng hoạt động trong tương lai gần. Một loạt các chiến lược có thể được triển khai để thực hiện quá trình trên, từ việc tháo dỡ toàn bộ hoặc một phần công trình lắp đặt đến chuyển đổi các công trình này thành rạn san hô nhân tạo hay chỉ đơn thuần là không dùng đến nó nữa. Bên cạnh đó, các hệ thống lắp đặt năng lượng gió mới từ đại dương và các giếng khí đốt tự nhiên cũng sẽ được đưa vào hoạt động. Những thay đổi sắp tới đối với cơ sở hạ tầng dưới đại dương có thể tác động lớn đến môi trường sống ở vùng lân cận theo hướng tốt hơn, tệ hơn hoặc cả hai, tùy thuộc vào vị trí, mức độ mà cơ sở hạ tầng hiện tại bị sinh vật biển xâm chiếm cũng như các chiến lược thực thi cụ thể.
Tuần tra chim biển
Các tàu biển đánh bắt bất hợp pháp đều có cách che dấu hành vi của mình, từ việc ngừng hệ thống theo dõi điện tử đến việc tránh sử dụng đèn vào ban đêm. Khó khăn trong việc tìm kiếm những chiếc thuyền hoạt động bí mật trên vùng biển rộng lớn có thể là một trở ngại đối với những nỗ lực ngăn chặn hoạt động trái phép dẫn đến tình trạng đánh bắt quá mức và suy giảm đa dạng sinh học. Trong một bước ngoặt thú vị về công tác giám sát, các nhà khoa học đang xem xét việc tận dụng chim hải âu và các loài chim biển khác để giúp truy tìm những kẻ gây rối. Theo đó, những loài chim vốn thường bám theo các tàu cá với hy vọng săn được miếng mồi ngon có thể được gắn thiết bị truyền tín hiệu để báo cho các quan chức năng vị trí của chúng. Nhiều nỗ lực đang được thực hiện để đánh giá hiệu quả của phương pháp này, bao gồm cả việc xem xét mức độ nguy hiểm mà chúng có thể gây hại đối với các loài chim.
Giả mạo vị trí
Hiện nay có thể xác định chính xác vị trí của hầu hết tàu thuyền bằng cách sử dụng Hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (GNSS) và Hệ thống nhận dạng tự động (AIS). Tuy nhiên, các thiết bị công nghệ mới nổi này cũng cho phép đối tượng vi phạm làm gián đoạn khả năng nhận diện và xác định tọa độ của chúng. Theo dự đoán của nhiều nhà sinh học bảo tồn, các công nghệ trên có thể khiến hành vi vận chuyển động vật hoặc các bộ phận của động vật bất hợp pháp, khai thác trái phép hoặc tiến hành các hoạt động bí mật khác một cách dễ dàng hơn. Nhiều nỗ lực đã được thực hiện để phát triển các công nghệ có tác dụng ngăn chặn hành vi lừa đảo nhưng mục tiêu này có thể mất một thập kỷ để hoàn thiện trước áp dụng trong thực tiễn.
Hormone dài hạn
Các chất ô nhiễm có thể gây hại cho các loài động vật tiếp xúc với chúng. Đã có bằng chứng cho thấy một số hóa chất gây ô nhiễm nguồn nước làm thay đổi hệ thống nội tiết ở cá có thể di truyền sang thế hệ tương lai. Bằng cách mô phỏng hoặc ngăn chặn chức năng thích hợp của hormone, các hợp chất nguy hại trên bao gồm những loại được sử dụng trong các hộ gia đình và trang trại có thể gây ra dị tật và các vấn đề liên quan đến khả năng sinh sản. Ở một số loài hiện nay, bố mẹ có thể truyền những gián đoạn trong cơ thể sang thế hệ sau. Ngày càng có nhiều lo ngại rằng tác động dài hạn của vấn đề này cũng sẽ được phát hiện ở nhiều loài động vật khác.
Mây tầng thấp
Một trong những “nạn nhân” tiềm năng ít được biết đến của biến đổi khí hậu chính là những đám mây thấp lơ lửng trên các đại dương ven biển gần đường xích đạo vốn giúp làm mát không khí. Bản chất và mức độ của những đám mây này phụ thuộc vào nhiều điều kiện có thể thay đổi khi khí hậu ấm lên, bao gồm nhiệt độ đại dương, chuyển động của không khí trong khí quyển và kết cấu của các vùng đất ven biển. Do đó, những thay đổi về độ bao phủ của mây có thể ảnh hưởng đến khả năng chúng ứng phó với hiện tượng nóng lên toàn cầu, duy trì những điều kiện mà các khu dân cư và hệ sinh thái đã phát triển và làm trầm trọng thêm nguy cơ hỏa hoạn trong khu vực.
Cây nghìn tỷ rắc rối?
Nhiều nhóm đã bắt đầu thúc đẩy việc trồng rộng rãi các loại cây hấp thụ CO2 để ứng phó với biến đổi khí hậu, tuy nhiên vẫn tồn tại một số quan ngại xoay quanh những nỗ lực trồng cây ồ ạt như hiện nay. Ngay cả khi có những người đề xuất cách tiếp cận theo hướng giảm thiểu biến đổi khí hậu thì một số khác vẫn lo ngại và cảnh báo về những nguy cơ tiềm ẩn. Thứ nhất, những đồn điền được xây dựng ở vị trí bất lợi có thể thay thế các hệ sinh thái khi hấp thụ nhiều carbon hơn so với cây cối. Mặt khác, đa dạng sinh học có thể bị ảnh hưởng trong quá trình này vì môi trường sống bản địa phong phú về loài đã bị thay thế bởi các đồn điền độc canh với mục tiêu chính là dự trữ carbon. Do đó, một kế hoạch thận trọng cần được thiết lập để đảm bảo những sáng kiến trồng cây mang lại lợi ích lâu dài thay vì gây hại nhiều hơn.
Nhật ký phòng cháy rừng
Khi khí hậu và các điều kiện khác thay đổi, cường độ và mức độ nghiêm trọng của các trận cháy rừng ngày càng tăng ở Bắc Mỹ, Úc, Trung Phi và nhiều nơi khác trên thế giới. Một chiến lược giảm thiểu rủi ro được đưa ra nhằm giảm số lượng cây có thể bị đốt. Một số nghiên cứu cho rằng chiến lược như vậy có thể giúp giảm khả năng gây hại cho con người và tài sản nhưng trong một số trường hợp vẫn có thể làm tăng nguy cơ thiệt hại. Tuy nhiên, với áp lực mạnh mẽ từ dư luận về vấn đề bức thiết này, nhiều khả năng các nhà hoạch định chính sách sẽ chuyển sang kỹ thuật tỉa thưa cây rừng để phòng chống cháy rừng. Phương pháp này mang lại những ảnh hưởng nhất định, song chưa rõ ràng đối với hệ sinh thái và ngôi nhà chung của nhiều loài sinh vật.
Canh tác siêu bền vững
Một cuộc cách mạng âm thầm đang diễn ra ở Ấn Độ: Áp dụng phương pháp thâm canh bền vững trên quy mô lớn. Trên khắp quốc gia đông dân thứ hai thế giới này, các chính sách cấp nhà nước đang khuyến khích nông dân áp dụng một loạt các phương pháp làm giảm tác động xấu của nông nghiệp đến môi trường, đồng thời tăng năng suất cây trồng, thu nhập, sức khỏe và hạnh phúc.
Cho đến nay, hơn một phần tư triệu nông dân đã áp dụng cách phương pháp nông nghiệp mới, bao gồm loại bỏ nguồn đầu vào có tính tổng hợp, nâng cao sự đa dạng của cây trồng, luân canh mùa vụ… Hàng triệu người khác dự kiến làm theo phương pháp này vốn được gọi theo những tên gọi khác nhau như canh tác tự nhiên, canh tác dựa vào cộng đồng hoặc canh tác không ngân sách. Khi những câu chuyện thành công xuất hiện, các sáng kiến có thể tạo ra hiệu ứng quả cầu tuyết khiến các quốc gia và nông dân khác làm theo.
Lỗi điều hướng?
Nếu bạn đã từng nhầm một vệ tinh với một ngôi sao trên bầu trời đêm, bạn đã nếm trải sự nhầm lẫn mà các nhà khoa học lo ngại có thể xảy ra với một số loài chim, động vật có vú và côn trùng trong tương lai? Khoảng 2.600 vệ tinh nhân tạo hiện đang bao quanh hành tinh của chúng ta. Sự bùng nổ của các công nghệ truyền thông dự kiến sẽ thúc đẩy việc triển khai thêm hàng nghìn vệ tinh. Những điểm ánh sáng phong phú này có ý nghĩa gì đối với những động vật sử dụng các vì sao để làm tín hiệu định hướng? Không ai biết chắc câu trả lời nhưng đó là một câu hỏi đáng để nghiên cứu trước khi xảy ra thiệt hại vĩnh viễn đối với các quần thể bị bao vây bởi những tác động của con người lên bề mặt trái đất.
Năng lượng bị mắc kẹt gặp bitcoin
Tại những thời điểm và khu vực nhất định trên thế giới, khả năng tạo ra điện sẽ vượt quá nhu cầu khi bị giới hạn bởi ngành kinh tế hoặc hậu cần. Công suất dư thừa – cho dù là sản phẩm phụ của khí mê-tan từ việc khoan dầu, năng lượng gió hay năng lượng mặt trời vượt quá nhu cầu địa phương – đều có thể gây ra sự lãng phí do hậu cần thị trường. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu một nhu cầu bất ngờ xuất hiện để sử dụng “năng lượng bị mắc kẹt” này khi cần thiết với mức giá ưu đãi?
Gần đây, khai thác bitcoin – một quy trình đòi hỏi nhiều năng lượng để giữ cho các giao dịch được công bằng – đã nổi lên như một hoạt động tiềm năng. Khai thác bitcoin tương đối linh hoạt về thời gian và địa điểm, vì vậy nó có thể tạo ra một khoản chi trả thấp thay vì không sử dụng gì đến những tài nguyên này. Những người hướng tới giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến đa dạng sinh học quan ngại việc sử dụng bitcoin để xóa bỏ khoảng cách công suất tiêu thụ có thể thúc đẩy việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Thế nhưng cũng có quan điểm lạc quan cho rằng khai thác bitcoin có thể giúp các nguồn năng lượng tái tạo trở nên hấp dẫn hơn trên thương trường.
Tất cả chúng ta đều là thám tử môi trường
Nếu các quan chức không nhận thấy hoặc phản ứng về các vấn đề môi trường, liệu đó có còn là vấn đề? Chất lượng môi trường ở nhiều khu vực trên thế giới bị hạn chế do thiếu giám sát, phát hiện, phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm hoặc các hành vi tấn công khác. Nhờ các công nghệ mới nổi, tình trạng trên có thể thay đổi.
Do việc sử dụng điện thoại thông minh và kết nối internet ngày càng tăng, mỗi công dân trên thế giới đều được trao quyền để hoạt động như những thám tử môi trường, từ đó phát hiện và chỉ ra các vấn đề mà họ xác định được trên mạng xã hội. Phương pháp này đã được sử dụng để ghi lại các đàn châu chấu ở Đông Phi. Khi ngày càng có nhiều người kết nối với nhau, phương thức này có thể được áp dụng trên khắp thế giới để phát hiện và khuyến khích phản hồi trước các hành vi tấn công môi trường dưới mọi hình thức, từ ô nhiễm nguồn nước đến săn trộm động vật hoang dã.
Tòa nhà tự phục hồi
Sự phát triển của vật liệu xây dựng tự phục hồi tạo ra một làn gió mới trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học theo nhiều cách khác nhau. Những vật liệu trên dựa trên nhiều loại nguyên liệu đầu vào, bao gồm cả hóa chất và vi khuẩn nhằm nâng cao khả năng phục hồi của các cấu trúc xây dựng khỏi sự hư hỏng mà không cần sửa chữa hoặc thay thế.
Chúng có thể mang lại lợi ích theo nhiều cách. Thứ nhất, chúng có thể giảm phát thải khí nhà kính bằng việc giảm nhu cầu sản xuất bê tông và thực hiện các dự án xây dựng để sửa chữa hoặc thay thế cấu trúc bị hư hỏng. Mặt khác, chúng có thể làm giảm nhu cầu khai thác vật liệu mới, các quy trình liên quan đến việc phá hủy môi trường của thực vật, động vật và các sinh vật khác. Ngoài ra, chúng có thể làm giảm việc sản xuất các mảnh vụn xây dựng, đi kèm với đó là nhu cầu tăng cao về không gian bãi chôn lấp.
Kết nối biển Baltic và biển Đen
Một hệ thống sông và kênh dài 2.000 km sẽ có tác động đến môi trường trong bất kỳ trường hợp nào. Các nhà sinh vật học bảo tồn đặc biệt lo ngại về công trình kết nối giữa biển Baltic và biển Đen ở châu Âu. Được biết đến với tên gọi Đường thủy E40, công trình này sẽ băng qua khu vực hoang dã Polesia, một trong những khu vực lớn nhất trên lục địa và có khả năng ảnh hưởng đến hơn 70 khu bảo tồn và dự trữ động vật hoang dã.
Đường thủy E40 cũng sẽ đi qua và có khả năng làm gián đoạn Khu vực Cấm Chernobyl cũng như các vật liệu phóng xạ trong khu vực. Dự án đã được khởi động, dự kiến mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường. Tuy nhiên, nó cũng ẩn chứa nguy cơ gây hại đối với đa dạng sinh học khi hệ sinh thái và thủy văn bị phá vỡ, đồng thời tăng cường sự phân tán của các loài xâm lấn không chủ đích.
“Những đánh giá toàn cầu gần đây về đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu cho thấy các xu hướng tiêu cực và cơ hội hành động ngày càng mong manh để đảo ngược tình thế này. Chúng tôi tin rằng việc xác định các vấn đề mới nổi trong lĩnh vực bảo tồn sinh học toàn cầu có thể cung cấp thông tin cho việc hoạch định chính sách trong bối cảnh Khung Đa dạng sinh học Toàn cầu hậu 2020, khuyến khích nghiên cứu, thảo luận và phân bổ ngân sách để tiếp tục theo dõi, cung cấp những thay đổi về chính sách và quản lý” – Nhóm nghiên cứu chia sẻ. |
Ngoài việc đưa ra dự đoán trong năm tới, nhóm nghiên cứu cũng xem xét các vấn đề được lựa chọn từ bản nghiên cứu đầu tiên được xuất bản vào năm 2009. Họ nhận thấy rằng một phần ba các vấn đề được xác định trong nghiên cứu trên “đã phát triển thành các vấn đề lớn hoặc gây ra tác động môi trường nghiêm trọng”.
Ngọc Hiền (Theo eco-business.com)