Lãnh thổ phía Bắc của Australia đã đưa ra lệnh cấm khai khoáng dưới đáy biển ở vùng biển của khu vực này vào ngày 5/2 do lo ngại ảnh hưởng đến môi trường, các di tích của người dân bản địa và ngành công nghiệp biển.
Lệnh cấm trên được đưa ra trong bối cảnh giá kim loại như đồng tăng cao, làm gia tăng các phương pháp khai thác tài nguyên mới. Lệnh cấm đã ảnh hưởng đến 17,5% lãnh thổ biển rộng lớn của Australia dọc bờ biển phía Bắc của quốc gia này.
Chính quyền Lãnh thổ phía Bắc Australia cho biết họ đã cân nhắc quyết định ban hành lệnh cấm mới này để thay thế lệnh cấm khai khoáng dưới đáy biển hiện tại chuẩn bị hết hạn vào tháng 3/2021.
“Hiện nay có rất ít các dự án khai thác dưới đáy biển và cũng không có nhiều thông tin để xác định rõ biện pháp quản lý và phục hồi môi trường biển. Tình hình này rất đáng chú ý ở Lãnh thổ, nơi có vùng biển nông, sạch và môi trường biển và ven biển hầu như còn nguyên vẹn”, Chính quyền Lãnh thổ phía Bắc Australia cho biết thêm.
Trong thời gian gần đây, Greenpeace, tổ chức tăng cường vận động chống khai thác dưới đáy biển, đã hoan nghênh và nhấn mạnh tầm qua trọng của lệnh cấm này. Theo tổ chức này, các vùng biển xung quanh Lãnh thổ phía Bắc là nơi sinh sống của các rạn san hô, đồng cỏ biển và rừng ngập mặn – tất cả đều rất quan trọng để hỗ trợ động vật hoang dã biển như rùa, cá voi và cá heo.
Bên cạnh đó, Greenpeace kêu gọi các quốc gia trên thế giới không tài trợ cho bất kỳ hoạt động khai khoáng dưới đáy biển sâu nào, cũng như nghiên cứu hoặc thăm dò có liên quan, đồng thời dừng phát triển quy định khai thác của Cơ quan đáy biển quốc tế.
Mai Đan (tổng hợp từ CNA)