Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thành phố Hải Dương có gần 300ha trồng đào nhưng đến thời điểm này, lượng bán ra mới chỉ đạt khoảng 40%.
Mọi năm, từ ngày 15 đến 20 tháng Chạp, phần lớn diện tích trồng đào Tết của người dân các phường Tân Hưng, Hải Tân, Thạch Khôi, xã Gia Xuyên và xã Liên Hồng của thành phố Hải Dương đã được bán hết. Số lượng đào giữ lại để bán cho người dân trong tỉnh là rất ít.
Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thành phố Hải Dương có gần 300ha trồng đào nhưng lượng bán ra chỉ khoảng 40%. Không những thế, giá bán đào năm nay chỉ còn bằng 1/3 so với mọi năm.
Ông Nguyễn Văn Lập ở khu Đông Quan, phường Tân Hưng, thành phố Hải Dương cho biết gia đình ông năm nay trồng gần 1.000 gốc đào để cung cấp cho thị trường Tết nhưng mới bán được 30-40 gốc. Năm nay, đào ra hoa nhiều và đẹp hơn mọi năm nhưng lại không bán được. Những gốc đào bán được chủ yếu là người dân ở trong thành phố đến tận ruộng để mua.
Cũng theo ông Lập, ngay từ đầu tháng 12 âm lịch, nhiều thương lái đã đến tận vườn đặt tiền để mua gần như toàn bộ vườn đào với giá như mọi năm. Khác với mọi năm, các thương lái khi đặt tiền mua đào đều ký thỏa thuận với chủ vườn đào là nếu do dịch COVID-19 mà không vận chuyển đi được thì họ sẽ không lấy đào và chủ vườn phải trả lại tiền đặt cọc.
Hiện do dịch COVID-19 bùng phát ở Hải Dương nên các thương lái ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh và nhiều địa phương khác không thể đưa xe vào để vận chuyển hàng. Xe vận tải trong tỉnh Hải Dương cũng không thể vận chuyển đào ra ngoài tỉnh được nên các thương lái đều hủy hợp đồng. Cực chẳng đã, gia đình nhà ông Lập đành phải trả lại tiền đặt cọc.
Cùng chung cảnh ngộ với nhà ông Nguyễn Văn Lập, gia đình ông Đỗ Đình Phiếu, khu Đông Quan, Phường Tân Hưng, thành phố Hải Dương trồng gần 6 sào đào với trên 700 gốc, đến nay vẫn chưa bán được gốc nào. Từ đầu tháng, đã có nhiều thương lái đến đặt tiền nhưng do không vận chuyển được nên gia đình ông phải trả lại toàn bộ tiền cọc cho thương lái mua đào.
“Các thương lái mua đào rất đông nhưng đến nay tất cả đều hủy hợp đồng và người trồng đào như tôi cũng phải thông cảm và trả lại tiền đặt cọc cho các thương lái,” ông Phiếu ngậm ngùi.
Bà Vũ Thị Hảo, Chủ tịch Hội Nông dân phường Tân Hưng, thành phố Hải Dương cho biết Tân Hưng là phường có diện tích trồng đào Tết lớn của thành phố Hải Dương với trên 100ha. Hiện, các vườn cũng đã có một số hộ tiêu thụ được đào tuy nhiên số này rất ít.
Với người dân vùng trồng đào, cây đào là nguồn thu nhập chính trong cả năm, các hộ gia đình phải dành nhiều công sức chăm sóc trong cả một năm với hy vọng có một cái Tết đủ đầy, sung túc. Nhưng năm nay do dịch COVID-19, đào không bán được, người dân phải đối mặt với một năm trắng tay.
Chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực để “giải cứu” đào. Mới đây, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Dương Trần Hồ Đăng đã có thư kêu gọi các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, thương lái và người dân trên địa bàn tỉnh Hải Dương hỗ trợ, mua đào để chia sẻ khó khăn với các hộ nông dân trồng đào.
Ttỉnh Hải Dương cũng đã đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, các tỉnh thành xung quanh tạo điều kiện để cho nông sản và hàng hóa phục vụ Tết của Hải Dương được thông thương.
Các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương cam kết kiểm soát chặt chẽ đối với con người, phương tiện cả nơi cung ứng và nơi thu mua, tiến hành khử trùng, xử lý an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo không để dịch bệnh lây lan ra ngoài.