Khoảng 70% người được khảo sát nói “biến đổi khí hậu là tình trạng khẩn cấp toàn cầu”

Theo kết quả một cuộc khảo sát mới đây của Liên hợp quốc, gần 2/3 trong số hơn 1,2 triệu người được khảo sát trên toàn thế giới cho rằng biến đổi khí hậu là tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Điều này thúc giục hành động mạnh mẽ hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu.

Một nhà máy nhiệt điện ở Port Louis, Mauritius thải khí nhà kính trên đảo Ấn Độ Dương. Ảnh: UNDP Mauritius / Stéphane Bellero

Cuộc khảo sát có tên “Khảo sát về Khí hậu của Người dân” do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) thực hiện cho thấy người dân đã ủng hộ các chính sách khí hậu toàn diện hơn để ứng phó với những thách thức từ biến đổi khí hậu. Cuộc khảo sát tiến hành tại 50 quốc gia với hơn một nửa dân số thế giới. “Kết quả của cuộc khảo sát cho thấy mọi người trên toàn thế giới, ở các quốc gia, độ tuổi, giới tính và trình độ học vấn khác nhau đều ủng hộ hành động khẩn cấp về khí hậu”, ông Achim Steiner, Quản trị viên của UNDP cho biết.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy mọi người mong muốn các nhà hoạch định chính sách đưa ra các biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. “Từ nông nghiệp thân thiện với khí hậu đến bảo vệ thiên nhiên và đầu tư vào phục hồi xanh trong bối cảnh dịch COVID-19. Đó là những biện pháp thể hiện sự ủng hộ, hỗ trợ hết sức của công chúng để chúng ta cùng nhau giải quyết thách thức to lớn về biến đổi khí hậu”, ông Steiner nói thêm.

“Cuộc khảo sát lớn nhất từ ​​trước đến nay” về biến đổi khí hậu

UNDP cho biết đây là cuộc khảo sát ý kiến ​​công chúng về biến đổi khí hậu lớn nhất thế giới từ trước đến nay. Nó được tiến hành khi các quốc gia chuẩn bị cho các cuộc đàm phán tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc COP26 dự kiến diễn ra tại Glasgow vào tháng 11 nhưng bị hoãn lại.

Cuộc khảo sát đưa ra câu hỏi liệu biến đổi khí hậu có phải là tình trạng khẩn cấp toàn cầu hay không và liệu những người được khảo sát có ủng hộ 18 chính sách khí hậu quan trọng trên 6 lĩnh vực hành động: kinh tế, năng lượng, giao thông, lương thực và nông trại, thiên nhiên và bảo vệ con người hay không.

Đối tượng khảo sát là 1,2 triệu người, trong đó có hơn 500 người dưới 18 tuổi – những người thường không thể bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử. Theo UNDP, các chuyên gia tại Đại học Oxford (Anh) khảo sát số lượng lớn dựa trên độ tuổi, giới tính và trình độ giáo dục ở mỗi quốc gia trong cuộc khảo sát, kết quả có sai số nhỏ +/-2%.

Nhiều người muốn có chính sách khí hậu trên diện rộng

UNDP cho biết kết quả cho thấy người dân ủng hộ “các chính sách khí hậu được triển khai trên diện rộng”. Chẳng hạn, tại 8 trong số 10 quốc gia khảo sát có lượng khí thải cao nhất từ ngành năng lượng, phần lớn ủng hộ năng lượng tái tạo. Tại 4/5 quốc gia có lượng phát thải cao nhất do thay đổi sử dụng đất và có đủ dữ liệu về các ưu đãi chính sách, đa số ủng hộ việc bảo tồn rừng và đất. 9 trong số 10 quốc gia có đô thị hóa cao nhất lại ủng hộ việc sử dụng ô tô điện và xe buýt hoặc xe đạp.

Theo UNDP, cuộc khảo sát cũng cho thấy mối liên hệ trực tiếp giữa trình độ học vấn của một người và mong muốn của người đó đối với hành động vì khí hậu. Chẳng hạn, những người đã học đại học hoặc cao đẳng ở tất cả các nước, từ các nước có thu nhập thấp hơn như Bhutan (mong muốn 82%) và Cộng hòa Dân chủ Congo (82%) cho đến các nước giàu có như Pháp (87%) và Nhật Bản (82%).

Kết quả cũng cho thấy rằng trong khi những người trẻ hơn (dưới 18 tuổi) có xu hướng cho rằng biến đổi khí hậu là tình trạng khẩn cấp, các nhóm tuổi khác cũng đồng quan điểm nhưng tỷ lệ giảm hơn, với 65% ở độ tuổi 18-35; 66% ở độ tuổi 36-59 và 58% trên 60 tuổi. “Những con số này cho thấy “biến đổi khí hậu là tình trạng khẩn cấp toàn cầu” là quan điểm phổ biến trên toàn cầu”, UNDP nói.