Nhà đầu tư nước ngoài trông chờ gì ở Việt Nam sau Đại hội XIII?

Sự ổn định chính trị, đường lối chính sách chắc chắn và năng lực quản lý tốt các khủng hoảng như đại dịch Covid-19 khiến giới đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm Việt Nam.

Trao đổi với Zing, giáo sư Edmund Malesky cho rằng tầm nhìn phát triển của Việt Nam đến giai đoạn 2045 là tham vọng và có thể thực hiện được, cơ bản tập trung hai điểm cốt lõi là nâng cao năng suất và đẩy mạnh đột phá, sáng tạo.

Để tăng cường đón làn sóng đầu tư nước ngoài và sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, ông Malesky nói Việt Nam cần nỗ lực trong thời gian tới để cải thiện cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, và luật bảo vệ sở hữu trí tuệ hiệu quả.

– Sau mỗi kỳ đại hội Đảng, theo quan sát của giáo sư, kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài đối với nhóm lãnh đạo mới như nào, và với tình hình Việt Nam giai đoạn 5 năm tới?

Giáo sư Malesky: Tôi muốn nhấn mạnh một điều rằng Việt Nam có uy tín tốt đối với nhà đầu tư quốc tế. Những năm qua, Việt Nam đạt được tăng trưởng kinh tế khả quan. Đặc biệt là trong năm vừa qua 2020, Việt Nam là một trong số ít các nước vẫn có tăng trưởng dương, khoảng 2,9%.

Việc kiểm soát tình hình dịch Covid-19 hiệu quả cũng trở thành điểm cộng lớn. Nhiều nhà đầu tư khi chuyển hướng sang Việt Nam đều hài lòng với nguồn lao động, cơ sở hạ tầng, và quản trị công tại đây.

Giáo sư Edmund Malesky tại Đại học Duke (Mỹ) đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện hai bộ chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) ở Việt Nam mỗi năm. Ảnh: NVCC.

Để trả lời câu hỏi này trực tiếp hơn, tôi sẽ nhắc lại kết quả khảo sát Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) mà tôi tham gia nhiều năm qua.

Bắt đầu từ năm 2010, khảo sát lấy ý kiến những nhà đầu tư nước ngoài để tìm hiểu vì sao họ chọn Việt Nam thay vì những nước khác. Trước đây, các điểm đến quen thuộc chính là Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Bangladesh, Campuchia…

Việt Nam nổi trội hơn cả trong mắt nhà đầu tư nước ngoài là nhờ sự ổn định chính trị và sự chắc chắn về chính sách. Các nhà đầu tư rất hài lòng với sự tiếp nối trong ban lãnh đạo ở Việt Nam. Nên họ có thể dự đoán được phương hướng chính sách giai đoạn tới.

Có những dự thảo chính sách được lên kế hoạch, bàn thảo nhiều lần, và được tiếp tục để đạt mục tiêu đề ra, nên giới đầu tư có thể dựa vào đó mà lên kế hoạch.

Khảo sát mới nhất cho biết 90% nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn Việt Nam chính là vì sự ổn định chính trị, và 82% là vì sự chắc chắn về chính sách.

Câu chuyện nhân sự lãnh đạo cấp cao luôn thu hút sự chú ý. Nhưng câu hỏi thực sự đằng sau đó là khung chính sách sẽ như thế nào trong 5 năm tới, nó có giống những chính sách hiện hành hay không.

Một điểm khác thu hút nhà đầu tư là hiệu quả từ chiến dịch chống tham nhũng hiện nay ở Việt Nam.

Theo tôi được biết, nạn hối lộ ở nhiều lĩnh vực đã giảm gần một nửa kể từ năm 2016. Giới đầu tư cũng hài lòng với nỗ lực mở rộng cơ sở hạ tầng ở Việt Nam, và họ cho rằng vẫn còn nhiều việc phải làm trong giai đoạn tới.

Các nhà đầu tư cũng lựa chọn Việt Nam vì sự đầu tư mạnh mẽ vào nguồn nhân lực. Giáo dục được cải thiện đáng kể, đặc biệt ở khối tiểu học và phổ thông.

Nhà đầu tư cho rằng Việt Nam cần nỗ lực để cải tiến giáo dục đại học. Đây là điều vô cùng quan trọng, đặc biệt khi Việt Nam đang hướng đến một nền kinh tế phát triển dựa trên công nghệ.

Đến lúc những phát kiến mới xuất phát từ Việt Nam

– Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đến năm 2030 là nước có thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Ông nghĩ gì về những mục tiêu này?

Giáo sư Malesky: Tôi nghĩ đây là tầm nhìn tham vọng, nhưng có thể đạt được. Người Mỹ chúng tôi cũng có câu tương tự, “đặt Mặt Trăng vào tầm ngắm, nếu trượt, vẫn có thể trúng một vì sao”. Một kết quả tích cực vẫn có thể xảy ra trong quá trình cố gắng thực hiện mục tiêu. Quá trình hướng đến tầm nhìn cũng sẽ mang lại những điều tốt đẹp cho nền kinh tế.

Một số tranh luận để giải thích “quốc gia thu nhập cao” và “quốc gia thu nhập trung bình cao” là như thế nào. Nhiều con số có thể đưa ra, ví dụ như GDP đầu người 10.000 USD hay sức mua tương đương PPP 30.000 USD. Nhưng chúng không nói lên điều cốt lõi.

Theo tôi, hai điểm quan trọng nhất khi nói về phân loại nền kinh tế chính là năng suất và sự đột phá.

Nếu nền kinh tế hướng về đột phá và những ý tưởng mới, bạn sẽ muốn chào mời những người khởi nghiệp đến đây cùng các phát kiến, hiện thực hóa các ý tưởng, sau đó có thể bán những hàng hóa, dịch vụ này ra nước ngoài.

Về năng suất, cần sản xuất hàng hóa ở mức chi phí đầu vào thấp, và hướng đến đạt hiệu quả và chất lượng đầu ra cao.

Làm sao để Việt Nam hướng đến những điều này? Ngoài những vấn đề tôi đã nói về giáo dục và cơ sở hạ tầng, một số yếu tố khác rất cần được nhắc đến. Nổi bật trong số này là tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Những người tạo ra ý tưởng đột phá hoặc phát minh mới cần được hưởng thành quả từ công sức của họ. Trong quá khứ, Việt Nam chưa phải lo lắng nhiều về vấn đề này, do các bạn cơ bản là áp dụng lại các phát kiến.

Tuy nhiên, đây là lúc mà những phát minh, sáng kiến sẽ nảy sinh từ chính cộng đồng khởi nghiệp ở Việt Nam.

Việt Nam cũng cần bảo vệ những nhà đầu tư nước ngoài muốn mang công nghệ cao vào nước các bạn, khiến họ hài lòng về việc đưa công nghệ vào dây chuyền sản xuất tại đây; bảo đảm rằng công nghệ của họ sẽ không bị rò rỉ, và họ sẽ không phải cạnh tranh với chính công nghệ của mình nhưng được một công ty nào đó sao chép.


Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP). Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030, cả nước sẽ có khoảng 500 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao và 200 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Lê Quân.

Nói đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thì cần bàn đến luật. Do vậy, vấn đề thứ 2 mà tôi muốn nói là về chế định hợp đồng. Khi chúng ta nói Việt Nam cần gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu, nghĩa là nói về khu vực tư ở Việt Nam, hay các công ty Việt Nam bán hàng hóa và dịch vụ cho đối tác nước ngoài, để họ lại tiếp tục bán chúng sang các quốc gia khác.

Như vậy, chúng ta có mạng lưới rộng lớn của những sản phẩm được sản xuất từ khắp nơi trên thế giới. Điểm kết nối quan trọng chính là hợp đồng.

Do vậy, Việt Nam cần tìm cách khiến các nhà đầu tư, kể cả trong và ngoài nước, cảm thấy yên tâm rằng khi họ ký hợp đồng với bất kỳ ai, thì họ sẽ biết nó chắc chắn được thực thi.

Họ cần chắc chắn rằng nếu hàng hóa giao tới không đúng hạn, hoặc chất lượng không tốt, thì họ có thể kiện ra tòa và có thể thắng. Một số nhà đầu tư nước ngoài đến nay vẫn không tin là sẽ được đối xử công bằng nếu đưa ra tòa.

Việt Nam đã thành lập nhiều trung tâm trọng tài, như Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam. Sắp tới có thể nhiều vụ việc sẽ được ra đây để phân xử.

Theo tôi, có nhiều mảnh ghép để xây dựng một nền kinh tế thu nhập trung bình hiệu quả và một nền kinh tế thu nhập trung bình cao. Và hình mẫu phổ biến trên thế giới là xây dựng những chế định pháp luật và thực thi hợp đồng mạnh mẽ.

Giáo sư Malesky phát biểu tại một sự kiện do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức. Ảnh: NVCC.

Ba khuyến nghị để Việt Nam trở thành điểm đầu tư hàng đầu

– Trong giai đoạn hậu dịch Covid-19, Việt Nam cần làm gì để tận dụng cơ hội trở thành điểm đến thu hút mới ở Đông Nam Á?

Giáo sư Malesky: Tôi nghĩ Việt Nam chắc chắn sẽ là một trung tâm (hub) mới. Tôi được biết Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) vừa thực hiện khảo sát cho thấy giới đầu tư nước này xem Việt Nam là điểm đến hàng đầu. Nhiều nhà đầu tư ở các nước khác cũng bày tỏ tương tự.

Lý do đầu tiên là tình hình thế giới (cạnh tranh Mỹ – Trung) khiến các công ty di chuyển một phần trong chuỗi cung ứng sang Việt Nam để tăng cường xuất khẩu. Lý do thứ hai chính là năng lực của Việt Nam trong việc quản lý, kiểm soát khủng hoảng khó khăn như dịch Covid-19.

Tôi nghĩ 3 vấn đề chính cần lưu ý để tận dụng xu thế này. Đầu tiên, Việt Nam cần cải thiện giáo dục đại học vì đây sẽ là điều rất quan trọng để đón đầu các nhà đầu tư. Khi đến Việt Nam lần này, họ sẽ tìm kiếm những người làm quản lý, chuyên viên kỹ thuật.

Đó là xu hướng khác hẳn so với quá khứ, khi các công ty không có nhu cầu tuyển nhiều lao động tay nghề cao, vì công việc đơn thuần là lắp ráp.

Bây giờ, khi chuỗi cung ứng được nâng cao thì họ sẽ tìm kiếm nguồn lao động chất lượng hơn ở Việt Nam. Và nền giáo dục Việt Nam cần đáp ứng được nhu cầu này. Trên thực tế, Việt Nam đã nhìn nhận xu hướng này, thể hiện qua việc thông qua Luật Giáo dục sửa đổi năm 2018.

Nhưng tôi cho rằng hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam vẫn cần một sự thay đổi thật sự. Bởi vì khi nguồn nhân lực ở bậc quản lý và tay nghề trình độ cao chưa đủ nhiều để đáp ứng nhu cầu thị trường, thì các công ty sẽ phải cạnh tranh để chiêu mộ nhóm này. Từ đó dẫn đến chi phí cho nhà tuyển dụng gia tăng.

Điều đó sẽ tạo ra sức ép với các công ty trong nước với việc giữ chân nhân sự quản lý, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ. Nên Việt Nam càng sớm cải thiện chất lượng nguồn nhân lực sẽ sớm giúp giải quyết tình thế này.

Một vấn đề liên quan nằm ở giáo dục dạy nghề. Nhiều trường nghề chưa đáp ứng các kỹ năng mà nhà đầu tư muốn. Tôi cho rằng ví dụ tích cực nhất chính là tỉnh Bắc Ninh, khi họ điều chỉnh chương trình dạy nghề đúng với nhu cầu của nhà đầu tư. Tôi nghĩ cách làm này có thể nhân rộng ở những địa phương khác.

Về cơ sở hạ tầng, điều quan trọng nhất đối với nhà đầu tư chính là khả năng kết nối. Họ sẽ muốn việc vận chuyển hàng hóa đường bộ, đường hàng không, đường sắt thuận tiện hơn. Tuy nhiên, tính kết nối là điều mà nhà đầu tư kỳ vọng Việt Nam sẽ cải thiện hơn nữa.

Vấn đề thứ 3 mà tôi muốn nói là Việt Nam đã nỗ lực để cải cách thủ tục hải quan, giảm thiểu đáng kể khả năng tham nhũng. Thuế phí hải quan cũng được giảm theo.

Việt Nam cũng đưa quy trình khai báo hải quan lên mạng. Đó đều là những tiền đề tốt để phát triển chuỗi cung ứng ở Việt Nam.

Nhưng việc khai báo trực tuyến vẫn chưa được thực hiện toàn diện, và doanh nghiệp vẫn phải hoàn thành nhiều thủ tục khác bằng giấy. Tôi nghĩ rằng nếu đã quyết tâm thực hiện trực tuyến thì cần quyết liệt, không nên để các công ty phải thực hiện cùng một việc nhưng theo hai cách khác nhau.

Tập đoàn Intel được TP.HCM cấp phép thành lập Intel Products Việt Nam vào năm 2006 với tổng vốn đầu tư hiện đến 1 tỷ USD. Nhà máy này đảm nhận vai trò sản xuất 80% sản lượng chip máy tính trên toàn cầu của tập đoàn. Ảnh: Lê Quân.

Đóng góp của khu vực tư

– Vai trò khu vực tư đối với nền kinh tế đang phát triển là như thế nào? Ông chia sẻ gì khi Việt Nam đặt mục tiêu mở rộng quy mô khu vực tư?

– Giáo sư Malesky: Tôi nghĩ khu vực tư ở Việt Nam thực sự là câu chuyện chưa được kể rộng rãi. Nhiều nhà quan sát có thể không nhận ra rằng sau Luật Doanh nghiệp năm 2000, quy mô khu vực tư trong nước tăng nhanh đáng kể. Việt Nam có khoảng 600.000 công ty tư nhân và gần 5 triệu hình thức kinh doanh phi chính thức. Quả là đáng ngạc nhiên.

Đây cũng là nhóm năng động nhất trong việc tạo tăng trưởng việc làm. Nên tôi nghĩ bất kỳ thành công nào với kinh tế Việt Nam cũng phụ thuộc vào khu vực tư này. Giới lãnh đạo Việt Nam cũng nhìn ra điều này rất rõ.

Nhưng hiện tại, quy mô khu vực tư vẫn còn khiêm tốn. Rất ít công ty có thể mở rộng và tăng trưởng. Tôi đoán là khoảng 85% doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam có chưa tới 10 nhân viên – đó là con số rất nhỏ. Vì sao khu vực này không thể tăng trưởng?

Một doanh nhân khởi nghiệp có thể có 4-5 công ty, nhưng họ sẽ không phát triển một trong số này đến quy mô lớn để có thể cạnh tranh trên quốc tế.

Việc nhìn ra vấn đề và giải quyết điều này rất quan trọng với tăng trưởng của những nền kinh tế đang phát triển. Liệu có vấn đề gì về quản trị công? Có những vấn đề quy định nào khiến các công ty tư nhân không thể tăng trưởng hợp lý?

Trong số những công ty tư nhân, tôi nghĩ có một số đơn vị không muốn phát triển quá lớn. Vì rầm rộ quá thì sẽ bị chú ý, kéo theo những chuyến thăm của các cơ quan thuế hay thanh tra về thủ tục.

Nên Việt Nam cần hình dung về cách quản trị để khuyến khích khu vực tư tăng trưởng. Việt Nam có lực lượng lao động gia tăng khoảng 1,2 triệu người mỗi năm. Khu vực nước ngoài thì khá hẹp, còn khu vực công thì cũng không thể sử dụng được hết nguồn lực này. Những người đó sẽ đi về đâu, ngoài khu vực tư?

Đó là vấn đề đầu tiên, về quy trình thủ tục. Vấn đề thứ 2 nằm ở nỗ lực kết nối khu vực tư với chuỗi giá trị toàn cầu.

Đã có một số nỗ lực cho việc này, như khi Việt Nam cố gắng kết nối những công ty tư nhân với Samsung, và khuyến khích Samsung mua sản phẩm từ các nhà sản xuất trong nước. Đó thực sự là một ý tưởng tốt.

Tôi nghĩ việc tổ chức các hội chợ thương mại và công nghiệp, để doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu thực sự là bước đi thông minh.