Trong bối cảnh nông nghiệp Việt Nam ngày càng chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, cần nghiên cứu, ban hành và triển khai khung dịch vụ thông tin khí hậu quốc gia nhằm giúp người sử dụng có căn cứ đưa ra các quyết sách phù hợp trong sản xuất nông nghiệp. Đó là nhận định của PGS.TS Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu tại hội thảo “Dịch vụ thông tin khí hậu nông nghiệp: Nhu cầu và cơ hội”, diễn ra ngày 28/1 tại Hà Nội.
Hội thảo do Viện Khoa học KTTV&BĐKH phối hợp cùngTổ chức CARE Việt Nam tổ chức, với sự tham dự của các nhà khoa học, các cán bộ nghiên cứu và các chuyên gia về khí hậu, dịch vụ khí hậu, nông nghiệp, nhà sản xuất nông nghiệp trong nước và quốc tế.
Thông tin khí hậu đóng vai trò là số liệu đầu vào then chốt cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp như quy hoạch, lập kế hoạch sản xuất, điều chỉnh thời vụ, phòng chống thiên tai, chăm sóc cây trồng… Điều này càng quan trọng ở Việt Nam, với hơn 70% dân số tham gia hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Trên phạm vi toàn cầu, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã công bố “Khung dịch vụ khí hậu toàn cầu-GFCS” từ năm 2009 với 5 mục tiêu chính: Giảm tổn thương của xã hội do nguy cơ liên quan đến khí hậu thông qua cung cấp thông tin và dịch vụ khí hậu tốt hơn; thúc đẩy các mục tiêu phát triển toàn cầu quan trọng; sử dụng thông tin và dịch vụ toàn cầu xuyên suốt quá trình ra quyết định; tăng cường sự tham gia của các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng; tối đa hóa cơ sở hạ tầng dịch vụ hiện có.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thắng, WMO đưa ra GFCS cũng nhằm giúp các nước xây dựng “Khung dịch vụ khí hậu quốc gia – NFCS” và phát triển dịch vụ khí hậu, đặc biệt là dịch vụ khí hậu nông nghiệp. Năm 2018, WMO đã công bố tài liệu hướng dẫn xây dựng “Khung dịch vụ khí hậu quốc gia”, trong đó hướng dẫn chi tiết phương pháp phát triển dịch vụ khí hậu theo “Chuỗi giá trị đến người dùng cuối cùng”, nhấn mạnh vai trò của người dùng, sự tham gia của các bên liên quan trong NFCS và triển khai dịch vụ, cũng như việc duy trì tương tác hai chiều giữa người cung cấp dịch vụ – người sử dụng dịch vụ. Từ đó, nhiều dự án/chương trình nghiên cứu và triển khai thực tế mô hình cung cấp dịch vụ khí hậu nông nghiệp thông minh đã được triển khai trên thế giới và ở Việt Nam.
“Để các hoạt động dịch vụ khí hậu được hiệu quả và bền vững, “Khung dịch vụ khí hậu quốc gia” cần được nghiên cứu, ban hành và triển khai thực hiện theo hướng dẫn của WMO. Ngày nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội rất tốt để kế thừa thành quả công nghệ trong triển khai thực hiện Khung dịch vụ khí hậu quốc gia và phát triển các dịch vụ khí hậu”, Viện trưởng nhấn mạnh.
Theo TS. Nguyễn Đăng Mậu, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng nông nghiệp, Viện KH KTTV&BĐKH, nông nghiệp phát triển dẫn đến nhu cầu thông tin khí hậu tăng. Tuy vậy, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp chưa cao, đặc biệt là vùng núi. Hệ thống canh tác nông nghiệp hộ gia đình nhỏ lẻ, diện tích đất sản xuất có xu thế giảm do đô thị hóa; thông tin khí hậu nông nghiệp chưa đa dạng và gần gũi với người sử dụng. Bên cạnh đó, các nghiên cứu và triển khai mô hình dịch vụ khí hậu nông nghiệp thông minh (CSA) đã bắt đầu được triển khai nhưng chưa phát triển như kỳ vọng…
Viện cũng đề xuất lộ trình xây dựng NFCS cho Việt Nam. Bước đầu cần đánh giá hiện trạng dịch vụ khí hậu, chuẩn bị hạ tầng, xác định nhu cầu sử dụng thông tin, xây dựng cơ chế chính sách… Từ đó, xây dựng và ban hành NFCS và thử nghiệm cung cấp dịch vụ, tiến tới chuyên nghiệp hóa, nâng cao năng lực.
Hiện nay, Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN&MT) chịu trách nhiệm cung cấp dịch vụ dự báo thời tiết công, quản lý hệ thống quan trắc thủy văn quốc gia. Tổng cục đề xuất có thể tập trung vào một số nội dung cộng đồng đang quan tâm. Cụ thể là nghiên cứu xu thế biến đổi nhiệt độ giai đoạn 2021-2100 theo kịch bản biến đổi khí hậu; nghiên cứu, cung cấp các thông tin dự báo khí hậu hạn mùa, năm tích hợp với thông tin hướng đối tượng (phụ thuộc vào ngành nghệ cụ thể) giúp xây dựng kết hoạchphát triển kinh tế xã hội; mối tương quan giữa các cơ chế khí hậu với sự phát triển của nông nghiệp và an ninh lương thực; Khai thác thông tin khí hậu quá khứ (số liệu quan trắc lịch sử) để phục vụ cung cấp thông tin vi khí hậu cho các ngành nghề trong xã hội (xây dựng, qui hoạch đô thị, nông nghiệp…; Tư vấn, cung cấp thông tin về các tài nguyên khí hậu tiềm năng (năng lượng gió, bức xạ, nước,…) ở các khu vực cụ thể để phục vụ việc khai thác, phát triển hiệu quả chocác ngành nghề phù hợp…
Theo đại diện tổ chức CARE Việt Nam, Khung quốc gia về dịch vụ khí hậu hiện không nằm trong chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn hiện có. Trong thời gian tới, Việt Nam cần đưa nội dung này vào Kế hoạch hành động ứng phó BĐKH của ngành nông nghiệp và Kế hoạch thích ứng quốc gia giai đoạn 2020 – 2030 và các văn bản chính sách có liên quan; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành trong quá trình xây dựng khung và nghiên cứu bài học kinh nghiệm quốc tế và rà soát, đánh giá các mô hình về dịch vụ khí hậu đã thực hiện tại một số địa phương.
Tại Hội thảo, đại diện Viện Khoa học KTTV&BĐKH, Tổng cục Khí tượng thủy văn, Tổng cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) và một số tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã chia sẻ các bài trình bày về Khung dịch vụ khí hậu toàn cầu GFCS và một số mô hình dịch vụ khí hậu nông nghiệp; triển khai dịch vụ khí hậu nông nghiệp tại Việt Nam; nhu cầu sử dụng thông tin khí hậu của ngành nông nghiệp ở Việt Nam và một số mô hình khai thác thông tin khí hậu phục vụ nông nghiệp hiện nay; chuỗi giá trị hướng đến người sử dụng cuối cùng…
Các đại biểu đã thảo luận xung quanh nội dung phát triển dịch vụ khí hậu nông nghiệp, triển khai thực hiện khung dịch vụ khí hậu quốc gia tại Việt Nam.