Kinh phí thực hiện Đề án xác định chủ yếu từ nguồn vốn xã hội hóa và lồng ghép thông qua các chương trình, dự án đầu tư công quốc gia giai đoạn 2021- 2025.
Đến năm 2025, cả nước phấn đấu trồng ít nhất một tỷ cây xanh nhằm cải thiện chất lượng rừng, tăng tỷ lệ che phủ rừng, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai.
Đây là một trong những nội dung quan trọng tại tờ trình số 619 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 27/1/2021.
Trong số một tỷ cây xanh nói trên, có 690 triệu cây xanh trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây xanh trồng tập trung tại các rừng phòng hộ, đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.
Đối tượng thực hiện chủ yếu là trồng cây xanh phân tán (bao gồm khu vực đô thị và nông thôn) và một phần diện tích trồng cây xanh trong rừng tập trung (gồm trồng rừng phòng hộ, đặc dụng; trồng mới rừng sản xuất, không tính diện tích trồng rừng thay thế và trồng lại rừng sản xuất sau khai thác gỗ).
Kinh phí thực hiện Đề án xác định chủ yếu từ nguồn vốn xã hội hóa và lồng ghép thông qua các chương trình, dự án đầu tư công quốc gia giai đoạn 2021- 2025; kêu gọi các nhà tài trợ, hợp tác quốc tế, triển khai có hiệu quả các Dự án ODA đầu tư cho bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng, trồng cây xanh; ngoài ra có sử dụng một phần ngân sách nhà nước cho hỗ trợ cây giống, công tác triển khai, hướng dẫn, tuyên truyền, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát, đánh giá,…
Với Đề án này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng tới nâng cao tỷ lệ cây xanh trên đầu người, tạo thêm cảnh quan, bóng mát, điều hòa khí hậu, bảo vệ sức khỏe con người. Đồng thời cải thiện chất lượng rừng, tăng tỷ lệ che phủ rừng, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai.
Ngoài ra, Đề án đặt mục tiêu tạo thu nhập tăng thêm từ lâm sản ngoài gỗ phục vụ cho tiêu dùng thông qua các mô hình nông lâm ngư kết hợp cho người dân tham gia trồng và bảo vệ cây xanh. Cụ thể: 150.000ha rừng trồng sản xuất, ước tính tạo ra được 15 triệu m3 gỗ, củi phục vụ cho tiêu dùng và chế biến.
Kết quả thực hiện của Đề án trong giai đoạn 2021-2025 sẽ góp phần thực hiện thành công Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030; Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Chiến lược tăng trưởng xanh…