Ngày 25/1, báo cáo của tổ chức nghiên cứu Ember và Agora Energiewende cho biết năng lượng tái tạo đã vượt qua nhiên liệu hóa thạch để trở thành nguồn điện chính của Liên minh châu Âu (EU) lần đầu tiên vào năm 2020 trong bối cảnh sản lượng điện than thu hẹp.
Theo báo cáo trên, các nguồn năng lượng tái tạo như gió và năng lượng mặt trời đã tạo ra 38% điện năng của EU trong năm 2020, trong khi nhiên liệu hóa thạch như than và khí đốt chiếm 37%.
Trong số 27 quốc gia thành viên của EU, Đan Mạch đạt tỷ trọng điện gió và điện mặt trời cao nhất, đóng góp 61% nhu cầu điện của quốc gia này vào năm 2020. Ireland chiếm 35% và Đức đạt 33%. Trong khi đó, Slovakia và Cộng hòa Séc là các quốc gia có tỷ trọng năng lượng tái tạo thấp nhất, chưa đến 5%.
Báo cáo cũng cho biết các biện pháp hạn chế đối với gia đình và cơ sở kinh doanh trong thời điểm dịch COVID-19 đã làm giảm 4% nhu cầu điện tổng thể ở EU vào năm ngoái. Tuy nhiên, các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch chịu tác động rõ rệt bởi đại dịch. Cụ thể, sản lượng điện từ than giảm 20% vào năm 2020, và giảm 1/2 kể từ năm 2015.
Ngoài ra, nhằm đáp ứng mục tiêu giảm phát thải, nhiều nước ở châu Âu cũng đang loại bỏ dần các nhà máy điện than gây ô nhiễm. Tuy vậy, trong thời gian đại dịch, giá điện thấp đã khiến một số nhà máy điện than hoạt động kém năng suất so với các nhà máy điện tái tạo rẻ hơn.
“Năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục tăng, bởi vì chúng tôi đang tiếp tục lắp đặt ngày càng nhiều hơn”, ông Dave Jones, nhà phân tích cao cấp về điện thuộc Ember cho biết.