Australia vừa công bố lộ trình chi tiết xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, trong đó nhấn mạnh đến sự cần thiết phải chuyển đổi sâu sắc văn hóa quốc gia sang coi trọng việc tái chế.
CSIRO- Cơ quan khoa học quốc gia Australia vừa công bố một lộ trình chi tiết cho việc xây dựng nền kinh tế tuần hoàn ở nước này, trong đó nhấn mạnh đến sự cần thiết phải chuyển đổi sâu sắc văn hóa quốc gia sang coi trọng việc tái chế.
Lộ trình được soạn thảo dựa trên việc đánh giá các công nghệ hiện tại và mới nổi và tham khảo ý kiến của các bên liên quan bao gồm doanh nghiệp, các cơ quan chính phủ và học viện.
Về thực trạng, lộ trình cho biết Australia hiện chỉ tái chế khoảng 4% nhựa, 33% thủy tinh và 36% giấy. Năm 2019 nước này đã xuất khẩu 1,4 triệu tấn các vật liệu trên dưới dạng “chất thải”.
Một khối lượng đáng kể thủy tinh, giấy và nhựa bị chôn tại các bãi rác thải do các vật liệu này bị nhiễm bẩn và không thể phân loại được, hoặc khó tách rời khỏi các sản phẩm bị loại bỏ.
Chỉ 14% lốp xe được tái chế hoặc tái sử dụng, 55% lốp xe đã qua sử dụng được xuất khẩu và 31% được đưa đi chôn lấp. Lộ trình xác định những thách thức lớn cho việc xây dựng nền kinh tế tuần hoàn ở Australia, bao gồm sự không nhất quán giữa các địa phương, thiếu năng lực tái chế và tình trạng nhiều vật liệu không thể tái chế được mà phải đưa đi chôn lấp.
Lộ trình khẳng định, những thách thức này chỉ có thể được vượt qua với nỗ lực chung để xây dựng một nền văn hóa quốc gia coi trọng việc tái sử dụng các vật liệu thứ cấp trước khi nghĩ đến việc “vứt bỏ” và mọi người cần hành động theo hướng suy nghĩ đó.
Lộ trình cũng nhấn mạnh, quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn đòi hỏi những thay đổi sâu sắc đối với các hoạt động công nghiệp, thể chế, kinh tế, xã hội và tiêu dùng.
Các giải pháp cụ thể được nêu ra trong lộ trình bao gồm tạo ra những cải tiến lớn để có thể sử dụng lại các tài nguyên trong các sản phẩm, đổi mới hơn nữa các cơ sở tái chế, và thiết kế sản phẩm tốt hơn.
Các thị trường mới cần được phát triển và các tiêu chuẩn cần được áp dụng nhất quán trên khắp các bang.
Theo Tiến sĩ Heinz Schandl, người phụ trách xây dựng lộ trình, để mang lại một sự thay đổi cơ bản trong các số liệu về tái chế, các ngành cung cấp sản phẩm và vật liệu cần có “trách nhiệm sâu sắc hơn đối với sản phẩm của mình” và về các nguyên liệu chính được sử dụng trong các sản phẩm.
Trong năm ngoái, chính phủ Australia đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu thủy tinh phế thải, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, và các lệnh cấm xuất khẩu nhựa phế thải, giấy và lốp xe sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn từ tháng 7/2021 đến tháng 7/2024.
Bộ trưởng Môi trường Sussan Ley mô tả các lệnh cấm xuất khẩu là “cơ hội ngàn năm có một” để cải thiện việc quản lý và tái chế chất thải ở quốc gia này.
Để tránh việc chôn lấp nhiều hơn do lệnh cấm xuất khẩu nhựa, lộ trình xác định công suất chế biến của Australia sẽ phải tăng 150%.
Theo các kết quả nghiên cứu từ trước được nêu trong lộ trình, chỉ cần tăng 5% tỷ lệ tái chế, GDP của Australia sẽ tăng thêm 1 tỷ AUD (768 triệu USD).
Việc xây dựng thêm cơ sở hạ tầng cho việc thu gom và xử lý pin lithium, vốn được sử dụng trong nhiều loại sản phẩm từ điện thoại di động, máy tính xách tay đến xe điện, có thể đem lại 2,5 tỷ AUD/năm cho nền kinh tế Australia vào năm 2036.
Vào tháng 7/2020, Chính phủ Australia đã công bố một quỹ mới trị giá 190 triệu AUD để hiện đại hóa ngành công nghiệp tái chế, bên cạnh việc thu hút được 600 triệu AUD đầu tư.
Ngoài ra, một quỹ trị khác của chính phủ trị giá 1,3 tỷ AUD nhằm hiện đại hóa khu vực sản xuất cũng bao gồm cả các khoản hỗ trợ cho hoạt động tái chế và năng lượng sạch.