Rất nhiều nỗ lực đã được thực hiện, song theo đánh giá, những hoạt động cho đến thời điểm hiện tại vẫn chỉ dừng ở mức độ tạm thời; chưa có một nghiên cứu tổng thể, đề xuất được các giải pháp khả thi để giảm thiểu thiên tai, lũ quét tại khu vực miền Trung.
Nguyên nhân gây ra lũ quét, sạt lở đất, cơ sở quy hoạch dân cư, ứng dụng công nghệ cao trong dự báo lẫn các giải pháp công nghệ mới trong thiết kế xây dựng công trình dân dụng, nhà ở, giảm thiểu thiệt hại… là những nội dung được các nhà khoa học, chuyên gia, lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương đề cập tại hội thảo “Thiên tai lũ quét, sạt lở đất khu vực miền Trung, nguyên nhân và giải pháp giảm thiểu” diễn ra tại Hội An cuối tuần qua.
Không chỉ là các nghiên cứu mang tính khoa học đơn thuần, nhiều ý kiến thảo luận tại hội thảo đã cho thấy cái nhìn toàn diện, đa chiều, là cơ sở quan trọng cho việc hình thành và ứng dụng nhiều giải pháp mới trong bối cảnh cần gấp rút thích nghi với thiên tai và biến đổi khí hậu. Quảng Nam Cuối tuần ghi nhận một số ý kiến đáng chú ý về vấn đề trên.
Ông Nguyễn Văn Vỹ – Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống thiên tai miền Trung – Tây Nguyên: Nhiều nguyên nhân gia tăng rủi ro thiên tai
Thiên tai đã và đang diễn ra ngày càng khốc liệt, bất thường và vượt các mốc lịch sử cả về số lượng, cường độ, phạm vi… Điển hình như mưa cường độ lớn, tập trung trong thời gian ngắn. Địa hình đồi núi khu vực miền Trung có độ dốc cao, chia cắt mạnh, kết cấu đất vùng núi phần lớn là bở rời, dễ sạt trượt kết hợp với mưa vượt mức lịch sử đã khiến lũ tập trung nhanh, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét. Nhiều thung lũng bao quanh là đồi núi, mưa lũ dồn về trong thời gian ngắn, dân số một số khu vực gia tăng nhanh dẫn đến nguy cơ mất an toàn rất cao.
Về nguyên nhân chủ quan, vì nhận thức và mức độ quan tâm của chính quyền và người dân một số nơi còn hạn chế nên chưa đầu tư cho công tác phòng chống thiên tai, thậm chí một số nơi trong quá trình xây dựng hạ tầng, sinh sống, sản xuất còn làm gia tăng rủi ro, gây thiệt hại lớn sau thiên tai.
Hệ thống tổ chức bộ máy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm nhiệm, hoạt động thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu trang thiết bị, cơ sở vật chất, ứng dụng khoa học – công nghệ, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu còn hạn chế dẫn đến lúng túng, bị động trong ứng phó, khắc phục hậu quả với tình huống thiên tai lớn, trên diện rộng. Phương châm “4 tại chỗ” còn hạn chế, chưa sát thực tế, một số nơi còn mang tính hình thức dẫn đến hiệu quả chưa cao. Công tác phục hồi, tái thiết sau thiên tai hiện còn ít được quan tâm kể cả sau đợt thiên tai lớn, quá trình phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng công trình chưa lồng ghép yếu tố phòng chống thiên tai…
TS. Hoàng Ngọc Tuấn – Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Trung – Tây Nguyên: Thiếu bài bản trong khai thác rừng trồng
Sạt lở đất là sự dịch chuyển của khối đá, các mảnh vụn hay đất xuống mái dốc, do tổ hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, trong đó các yếu tố độ dốc, địa mạo, lượng mưa, địa chất công trình, thảm phủ thực vật rừng, xây dựng cơ sở hạ tầng là các yếu tố chính.
Theo tôi, bên cạnh đánh giá mức độ an toàn trong quy hoạch, bố trí dân cư, quy hoạch giữa các ngành xây dựng, giao thông, thủy lợi, cần có sự rà soát và đánh giá để đưa ra tỷ lệ các loại rừng trồng, rừng tự nhiên cũng như phương thức khai thác hợp lý, nâng cao chất lượng thảm phủ rừng nhằm hạn chế tối đa các nguy cơ gia tăng lũ lụt, sạt lở đất và lũ quét. Bởi vì rừng có vai trò hết sức quan trọng trong điều hòa dòng chảy mặt, dòng chảy ngầm cũng như ổn định của các mái dốc, sườn đồi. Những năm qua rừng trồng rất nhiều, tuy nhiên quá trình khai thác chưa được bài bản, cần phải có sự chuyển đổi, xen canh để tăng thêm mật độ che phủ rừng, tăng thêm tỷ lệ rừng tự nhiên, phòng hộ. Cũng cần có cơ chế chia sẻ lợi ích giữa người dân với các nhà đầu tư khai thác tài nguyên trên khu vực một cách hợp lý để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.
Về giải pháp công trình, cần phác thảo mẫu nhà phù hợp, an toàn như nhà cộng đồng để người dân có thể tránh trú trong mùa mưa bão. Công trình giao thông cần có sự tính toán hệ thống thoát nước, nhất là các cầu vượt sông cần tính đủ khẩu độ thoát lũ, hạn chế tối đa sự cản trở của mố trụ cầu.
PGS-TS. Hoàng Hà – Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam: Né tránh, thích nghi mang tính bền vững hơn là đối đầu
Thiên tai luôn là điều ngoài mong đợi, diễn biến ngày càng phức tạp, việc phòng chống và giảm thiểu tác hại luôn rất khó khăn. Thế giới nói chung, trong đó có Việt Nam đang tìm cách phát triển hệ thống công nghệ hiện đại, nhận biết, tìm các biểu hiện sẽ xảy ra để dự báo mức độ nguy hiểm, lập kế hoạch phòng tránh. Đồng thời phải nghiên cứu giải pháp công trình, phi công trình để giảm thiểu mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai.
Việc xác định một địa điểm an toàn trước thiên tai đã là khó, việc xác định một tuyến dài liên quan đến giao thông, càng khó hơn. Đối với những công trình cầu đường, chúng tôi đã khảo sát kỹ địa chất, thủy văn, khí hậu, so chiếu bản đồ sạt trượt đất được cảnh báo của những cơ quan chuyên môn để tìm tuyến mà khả năng xảy ra tác động là ít nhất. Thế giới đã từng có xu hướng tăng độ vững chắc của công trình để chống lại thiên tai, song việc này vừa rất tốn kém, vừa thực chứng ít khả thi vì thiên tai diễn ra càng ngày càng phức tạp. Xu hướng hiện tại là tìm cách né tránh.
Về mặt ứng phó, không thể chạy theo diễn biến từng năm. Các nước phát triển hiện nay có quan điểm “né tránh”, thích nghi, đường sá không bám sát sườn núi, chi phí ban đầu có tốn kém song bền vững hơn. Nhiều nước như Nhật Bản, ngày xưa tìm cách chống lại động đất, song bây giờ đã quay lại hướng thiết kế an toàn, kinh tế, thích nghi hơn là tìm cách chống lại. Có thể phải đi vòng xa hơn một chút, nhưng lại đi vào chỗ ổn định hơn là các tuyến ngắn nhưng nguy cơ cao. Đi liền với đó, làm tới đâu, phải kiên cố hóa đến đấy, ví dụ gia cố mái dốc, trồng thảm thực vật bảo vệ… Ứng phó thảm họa thiên tai, ở góc độ giao thông phải sẵn sàng phương tiện nhân lực, xử lý kịp thời. Ngoài ra, ý thức trách nhiệm phải luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng đối phó với thiên tai phải được nêu cao trong toàn xã hội.
TS. Đặng Việt Dũng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam: Công nghệ tiên tiến hỗ trợ dự báo lũ quét, sạt lở đất
Ứng dụng công nghệ trong dự báo, theo dõi, giám sát và đưa ra cảnh báo đối với lũ quét, sạt lở đất là một trong những giải pháp quan trọng để ứng phó với thiên tai. Các chuyên gia đã giới thiệu nhiều công nghệ mới bao gồm công nghệ thông tin địa lý (GIS) và trí tuệ nhân tạo (AI) để dự báo sạt lở đất; công nghệ IOT và WSN nhằm cảnh báo sớm sạt lở đất và lũ quét; công nghệ ảnh vệ tinh không ảnh kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc theo dõi giám sát và phòng, chống lũ quét, sạt lở đất; và phương pháp cảnh báo lũ quét theo thời gian thực áp dụng cho khu vực miền Trung. Đây là những công nghệ mới do chính người Việt Nam nghiên cứu và đã được áp dụng thí điểm có kết quả ở một số địa phương, rất cần sự quan tâm cho phép ứng dụng vào thực tiễn để kịp thời cảnh báo cho địa phương di dời dân, giảm thiểu tổn thất.
Tổng Hội Xây dựng Việt Nam sẽ tiếp tục cùng với các địa phương từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi vận dụng các kết quả nghiên cứu, triển khai công tác phòng, chống mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất theo 7 nhiệm vụ lâu dài trong phòng, chống thiên tai của Chính phủ. Trong đó, Tổng Hội sẽ phối hợp với bộ chuyên ngành xây dựng các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể để đầu tư các công trình hạ tầng như đường giao thông, các công sở, nhà ở… đảm bảo phù hợp, an toàn trước thiên tai. Đồng thời phối hợp với các tỉnh xây dựng, lập các bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, bản đồ ngập lụt hạ du các hồ chứa với tỷ lệ phù hợp, xây dựng bản tiêu chí phân loại nguy cơ, hỗ trợ các địa phương lập đề án rà soát các khu dân cư, điểm dân cư có nguy cơ và xây dựng phương án phòng tránh.
Ông Trần Phước Hiền – Phó Chủ tịch UBND Quảng Ngãi: Không nên “thí nghiệm”, gây tốn kém và thiếu hiệu quả
Ở góc độ chính quyền, chúng tôi rất mong chờ các nội dung từ hội thảo này. Quảng Ngãi nói riêng, các địa phương miền Trung nói chung đang cố gắng tìm ra giải pháp tối ưu, phù hợp điều kiện thực tiễn trong bối cảnh đang phải đối diện nhiều nguy cơ từ thảm họa thiên tai. Điều này, phải đáp ứng hài hòa hai yếu tố là điều kiện kinh tế, xã hội, khả năng đáp ứng nguồn lực đầu tư đối với các giải pháp tức thời và phương án cho câu chuyện lâu dài, căn cơ. Vấn đề quan trọng mà phía địa phương hết sức quan tâm là phải hình thành một cách làm bài bản từ quy hoạch, kết nối được tất cả các cấp, ngành, địa phương để từ đó đề ra giải pháp cụ thể cho việc ứng phó của từng ngành, địa phương không lúng túng, bị động. Đây là yêu cầu hết sức quan trọng đối với các địa phương.
Giải pháp công nghệ phục vụ công tác dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai là hết sức quan trọng cho công tác lãnh đạo, điều hành của địa phương. Quảng Ngãi cũng như các địa phương khác đang đối diện cùng một khó khăn chung, là vấn đề kinh phí đầu tư. Câu chuyện giảm thiểu tác động của thiên tai gắn liền với quan trắc, dự báo, kết hợp thông tin của người dân địa phương, phải mang tính thực tiễn và phải đáp ứng nhanh nhạy, chính xác để hỗ trợ cho chính quyền, nhà quản lý. Bộ NN&PTNT, các ban ngành, đơn vị nên đưa ra hướng dẫn cụ thể các giải pháp công nghệ, để địa phương không phải loay hoay tìm kiếm, không nên “thí nghiệm”, mất tính hiệu quả và tốn kém kinh phí. Đồng thời các địa phương ở miền Trung đang rất cần giải pháp khắc phục, xử lý ngay hậu quả do thiên tai, phù hợp với khả năng tài chính, kinh phí đầu tư của địa phương.
Ông Nguyễn Đức Quang – Cục trưởng Cục ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai: “Dự báo nhân dân” là nguồn thông tin quan trọng
Phòng chống thiên tai là vấn đề hết sức khó khăn, không chỉ với Việt Nam mà cả thế giới, trong đó có công tác cảnh báo, ứng phó, khắc phục hậu quả. Đặc biệt, dự báo lũ quét, sạt lở đất càng có nhiều khó khăn, vì xảy ra trong tích tắc. Thống kê cho thấy 67% các vụ sạt lở đất, lũ quét lại xảy ra vào ban đêm nên ảnh hưởng lớn đến công tác cảnh báo.
Khắc phục hậu quả cũng là vấn đề nan giải với việc bố trí nơi ở, phục hồi sinh kế người dân bị ảnh hưởng, nhiều ruộng đồng mất, bị phủ sỏi đá, bào mòn không thể sản xuất được. Việc bố trí nơi ở rất quan trọng, nếu đánh giá không kỹ, khi dân đã vào ở sẽ phát sinh nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn.
Cần sớm có những giải pháp phù hợp nhất để áp dụng sớm nhất, vừa phải áp dụng giải pháp công trình lẫn phi công trình, vừa ứng dụng khoa học kỹ thuật kết hợp khôi phục những kinh nghiệm truyền thống từ người dân bản địa. Trong đó, “dự báo nhân dân” có vai trò quan trọng. Người dân kết hợp kinh nghiệm vốn có của mình có thể góp thêm thông tin, phục vụ cho công tác dự báo, cảnh báo. Sự chủ động của người dân, nhận thức đầy đủ về thiên tai, phát huy tốt “4 tại chỗ” được xem là yếu tố hàng đầu trong việc giảm thiểu thiệt hại khi có thiên tai xảy ra.
Ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: Nâng tầm hệ thống cảnh báo mưa lũ
Đây là một hội thảo mang tính khoa học cao, quy tụ nhiều cơ quan nghiên cứu, chuyên gia, nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực. 15 địa phương trong toàn khu vực đã về dự hội thảo, với mong muốn lắng nghe ý kiến nhà khoa học, nhà quản lý để tìm giải pháp phù hợp, thiết thực nhất, phục vụ ứng phó trước mắt và lâu dài trên cơ sở nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến và nền tảng kinh nghiệm, hướng tới giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.
“Hội thảo khuyến nghị các giải pháp phòng trách và giảm thiểu thiên tai lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền Trung: rà soát lại kịch bản biến đổi khí hậu, xây dựng phương án chủ động ứng phó trong chiến lược phòng chống thiên tai trong giai đoạn mới; xây dựng tiêu chí phân loại nguy cơ, lập đề án rà soát các khu, điểm dân cư vùng núi, tiến hành phân loại và xây dựng phương án xử lý căn cứ vào nguồn lực, từng mức độ nguy cơ để đảm bảo tính khả thi hiệu quả và an toàn tuyệt đối cho người dân; nâng cao năng lực cho lực lượng tham gia phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; lập kế hoạch đầu tư các trạm đo mưa trên cơ sở tính toán lựa chọn các vị trí đặt trạm phù hợp, công nghệ tiên tiến, xây dựng cơ sở dữ liệu đo mưa, lũ, bên cạnh việc ứng dụng các công nghệ mới trong cảnh báo, dự báo. Ngoài ra, cần kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư công trình gắn với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; phổ biến các địa phương áp dụng kết cấu nhà có khả năng phòng, chống lũ, lũ quét sạt lở đất vào xây dựng, nâng cao mức độ an toàn cho các mái dốc…”.(TS.Đặng Việt Dũng) |
Đặc điểm của khu vực miền núi các tỉnh miền Trung có sự khác nhau với miền núi phía Bắc, ngay cả các tỉnh trong khu vực cũng khác nhau. Đối với Quảng Nam, đặc thù lượng mưa lớn, tập trung cục bộ, địa hình bị chia cắt bởi nhiều sông suối nhỏ, địa hình dốc đứng khiến việc tìm điểm bố trí dân cư vô cùng khó khăn. Các công trình giao thông giải quyết tốt nhiều vấn đề dân sinh miền núi song lại có tác động đến tính ổn định của các sườn dốc. Hệ thống thủy điện, trồng rừng phần nào tác động tính bền vững của tự nhiên. Các giải pháp phòng chống thiên tai dựa trên đặc thù vừa nêu đang được áp dụng, song mang tính sử dụng kinh nghiệm là chính. Yêu cầu ứng dụng khoa học công nghệ nhanh, kịp thời ở tất cả khâu dự báo, cảnh báo, giải quyết tình huống khi thiên tai lẫn khắc phục hậu quả chưa nhiều. Các địa phương dù triển khai phòng tránh mỗi năm song chưa hiệu quả.
Một vấn đề khó khăn nữa trong việc áp dụng các giải pháp, là nguồn lực đầu tư. Một số cơ quan nghiên cứu khoa học có nghiên cứu, sản xuất thiết bị công nghệ để ứng dụng trong phòng chống lũ quét, sạt lở đất, song nó có phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, của từng khu vực hay không là vấn đề. Ngoài ra, tính bền vững giữa việc lắp đặt, áp dụng và duy trì hiệu quả thiết bị trong thời gian dài như thế nào cũng là điều phải cân nhắc. Địa phương nào cũng phải tính toán kỹ lưỡng đối với vấn đề kinh phí, từ nguồn lực ngân sách, nguồn xã hội hóa, cộng đồng tham gia, phải tổng hòa để phục vụ đắc lực cho công tác triển khai các giải pháp, kết hợp giữa khoa học công nghệ và kinh nghiệm địa phương.
Quảng Nam đang chi trả kinh phí hàng năm cho các đơn vị trong việc cung cấp thông tin, dữ liệu từ hệ thống đo mưa tự động tại các khu vực có nguy cơ cao. Thời gian qua, hệ thống này cơ bản giúp cho lãnh đạo chính quyền các cấp, cơ quan chức năng nắm bắt diễn biến mưa trên từng địa bàn. Chúng tôi mong muốn nâng lên tầm cao hơn, từ dữ liệu cảnh báo mưa, phải có ngưỡng cảnh báo về nguy cơ sạt lở. Hiện công nghệ này vẫn được tiếp tục nghiên cứu, kết hợp hệ thống cảm biến tích hợp trong hệ thống đo mưa để truyền dữ liệu về trung tâm điều hành chung, từ đó cung cấp cho cơ quan phòng chống thiên tai các cấp, cho các địa phương. Chúng tôi cũng đang giao các đơn vị nghiên cứu và đề xuất với tỉnh để có thể tính toán, áp dụng trong thời gian tới.