Biến thể của SARS-CoV-2 kháng vaccine?

Theo tạp chí Nature, 3 nghiên cứu công bố liên tiếp trong tuần qua ghi nhận biến thể của SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 còn có khả năng lẩn tránh phản ứng miễn dịch tạo ra do vaccine và lần nhiễm bệnh COVID-19 trước (gây ra do chủng virus cũ).

Biến thể 501Y.V2 của SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu ở Nam Phi vào tháng 10/2020, đến nay đã xuất hiện ở hàng chục quốc gia trên toàn cầu. Khả năng lây lan nhanh là điều đáng lo nhưng có vẻ mọi thứ chưa dừng lại ở đó.

Trong nghiên cứu mới nhất, nhóm các nhà khoa học Nam Phi đã lấy kháng thể của 6 bệnh nhân COVID-19 từng nhập viện trước khi biến thể 501Y.V2 xuất hiện. Họ nhận thấy ở các mức độ khác nhau, cả 6 mẫu đều không thể kháng cự lại biến thể mới.

Ảnh minh họa

“Tôi nghĩ ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy những kiểu biến thể này sẽ xuất hiện thêm trên toàn cầu – thậm chí chúng đã xuất hiện rồi – với khả năng lẩn tránh kháng thể của những lần nhiễm bệnh trước”, ông Alex Sigel, nhà virus học thuộc Viện Nghiên cứu sức khoẻ châu Phi, nhận định trên Đài CNN.

Phát hiện của nhóm ông Sigal tương tự với nghiên cứu công bố ngày 19/1 của Viện Quốc gia về bệnh truyền nhiễm ở Nam Phi.

Theo kết quả, kháng thể của một nửa trong số 44 người từng nhiễm COVID-19 hoàn toàn bất lực trước biến thể mới, số còn lại phản ứng yếu và chỉ duy nhất một người có phản ứng tốt.

Còn trong nghiên cứu thứ 3 do Đại học Rockefeller (Mỹ) tiến hành, cũng công bố ngày 19/1, nhóm nghiên cứu lấy mẫu máu của 20 người được tiêm vaccine của Pfizer và Moderna để thử nghiệm với biến thể ở Nam Phi.

Họ quan sát thấy những đột biến của virus quả thật giúp nó lẩn tránh kháng thể do vaccine kích hoạt nhưng không hoàn toàn. Tuy nhiên, nghiên cứu này không đầy đủ bằng 2 nghiên cứu của Nam Phi do số lượng đột biến được theo dõi ít hơn (3 so với 8).

Cả 3 nghiên cứu trên đều được tiến hành trong môi trường phòng thí nghiệm, thế nên các nhà khoa học vẫn cẩn trọng với kết quả vì những gì diễn ra trong cơ thể người phức tạp hơn nhiều.

Trang web khoa học Futura (Pháp) cho biết, hiện các công ty khởi nghiệp đang chạy đua để nghiên cứu một loại vaccine đa năng có thể tạo phản ứng miễn dịch bất kể các chủng virus đột biến như thế nào. Trong số đó phải kể đến vaccine của công ty công nghệ sinh học Osivax ở Lyon (Pháp) sử dụng công nghệ oligoDOM nhắm tới kháng nguyên vỏ bọc nhân (nucleocapsid) của virus; vaccine của công ty Phylex BioSciences ở California (Mỹ) khai thác protein S của SARS-CoV-2.

Ngoài ra, công ty công nghệ sinh học eTheRNA ở Bỉ đang phát triển dự án vaccine đa năng theo công nghệ tương tự Phylex Bioscience, tức là khai thác phần protein S được bảo tồn vốn là phần giống hệt nhau trong mọi chủng virus Corona.

Kháng thể giúp giảm 80% nguy cơ mắc COVID-19

Trong một diễn biến liên quan, kết quả nghiên cứu vừa được công bố cho thấy kháng thể tổng hợp Bamlanivimab do hãng dược phẩm Eli Lilly phát triển có thể giúp giảm 80% nguy cơ mắc bệnh COVID-19. Tuy đây mới chỉ là kết quả sơ bộ và vẫn đang chờ ý kiến đánh giá của các chuyên gia nhưng phát hiện này vẫn được các chuyên gia đánh giá cao, mở ra triển vọng về liệu pháp phòng ngừa mới bổ sung cho vaccine.

Kết quả trên được đưa ra sau cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối do Chính phủ Mỹ tài trợ, trong đó 299 cụ ông và cụ bà cùng 666 nhân viên làm việc tại các viện dưỡng lão đã tham gia tiêm kháng thể như một cơ chế phòng ngừa. Những người tham gia thử nghiệm được lựa chọn ngẫu nhiên, theo đó họ sẽ được tiêm 4,2 g kháng thể Bamlanivimab/người hoặc giả dược.

Sau 8 tuần theo dõi, kết quả cho thấy nguy cơ phát triển các triệu chứng bệnh COVID-19 về tổng thể đã giảm 57% đối với những người tham gia thử nghiệm. Đặc biệt, những người được tiêm Bamlanivimab có nguy cơ mắc bệnh COVID-19 thấp hơn tới 80% so với những người còn lại. Trong số 299 cụ tham gia, có 4 trường hợp đã tử vong sau đó do mắc COVID-19 và họ đều nằm trong nhóm sử dụng giả dược.

Bà Eleanor Riley, Giáo sư về miễn dịch học thuộc Đại học Edinburgh (Anh), cho biết liệu pháp kháng thể có thể được sử dụng để bổ sung cho việc tiêm vaccine. Bà nêu rõ: “Sẽ luôn có một tỷ lệ nhỏ dân số không thể tiêm chủng hoặc không đáp ứng tốt với tiêm chủng do tình trạng sức khỏe tiềm ẩn nhiều vấn đề như suy giảm miễn dịch hoặc các liệu pháp ức chế miễn dịch”.

Liệu pháp Bamlanivimab dựa trên kháng thể trung hòa hiệu quả mà hãng dược phẩm Lilly phát hiện ở một bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh COVID-19. Bamlanivimab liên kết với một protein bề mặt của virus SARS-CoV-2 để ngăn chặn virus này xâm nhập các tế bào của con người.

Nguồn: