Không ít nơi tại tỉnh Đồng Nai bỗng xuất hiện nhiều vực sâu vì tình trạng khai thác đất, đá một cách tràn lan, khiến dư luận bức xúc.
Bạn đọc Lê Văn Dục (ngụ ấp Lộ 25, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) phản ánh đến Báo Người Lao Động tình trạng khai thác đất, đá dưới “chiêu” cải tạo đất để sản xuất nông nghiệp đang diễn ra tràn lan ở huyện Thống Nhất. “Các nhà báo xuống, tôi dẫn đi khảo sát sẽ rõ trắng đen” – ông Dục nói.
“Xẻ thịt” đất đồi, nhà dân bên vực thẳm
Theo thông tin ông Dục cung cấp, trưa 21-1, từ ngã ba Dầu Giây, huyện Thống Nhất đi vào Tỉnh lộ 769 khoảng 3 km, chúng tôi chứng kiến một quả đồi rộng lớn bị “xẻ thịt” không thương tiếc. Theo xác minh, việc khai thác đất tại đồi này do doanh nghiệp (DN) của ông Nguyễn Xuân Th. thực hiện. Tại hiện trường, quả đồi đã được san phẳng thành các thửa đất nông nghiệp. Toàn bộ số lượng đất của quả đồi đã được ông Th. cho lấp một phần xuống bờ suối Sông Nhạn ở ấp Lộ 25, phần còn lại đem bán cho các chủ đất san lấp.
Dù ở mặt tiền Tỉnh lộ 769 nhưng nhà ông Dục một năm qua bỗng chênh vênh bên 3 bờ vực thẳm, nguyên nhân là do đất xung quanh bị DN của ông Th. múc hết. “Họ đào hết đất, khiến căn nhà gia đình tôi đang sinh sống nằm trên bờ vực thẳm với độ cao cả chục mét. Năm qua, miền Trung mưa lớn, lở đất liên tục làm tôi lo lắng vô cùng. Chưa kể, đất vườn của nhà tôi bây giờ do nằm bên bờ vực đã trở nên hoang hóa, cây cối trồng lâu năm như cây điều đang chết dần” – ông Dục rầu rĩ.
Theo ông Dục, người dân đã nhiều lần báo cho cơ quan chức năng huyện Thống Nhất về việc “xẻ thịt” quả đồi này. Các xe múc của DN ông Th. đã 2 lần bị công an huyện tạm giữ và xử phạt 40 triệu đồng. Thế nhưng, quả đồi hiện đã bị san phẳng và nhà dân theo đó cứ nằm cheo leo bên bờ vực.
Cách đó vài cây số, tại xã Đông Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, Công ty TNHH Đ.H.N được cấp phép cải tạo đất để sản xuất nông – lâm nghiệp có thu hồi làm vật liệu san lấp cho công trình khu tái định cư công viên văn hóa và công trình đường giao thông. Công văn của tỉnh ghi rõ tuyệt đối không được sử dụng vào mục đích khác. Tuy nhiên, khi thi công, Công ty Đ.H.N đã múc đất tại một quả đồi rộng hơn 2 ha, bán cho các chủ đất khác để san lấp mặt bằng.
Khi bị làm rõ sự việc, đại diện công ty này thanh minh trong quá trình khai thác, một số loại đất “không bảo đảm kỹ thuật” cho các công trình nên công ty mới tận dụng bán cho các hộ dân để làm vườn, trồng cây nhằm… tránh lãng phí (!?). Theo ghi nhận thực tế, việc múc đất của Công ty TNHH Đ.H.N tạo thành một “thung lũng”, các quả đồi bên cạnh cũng bị “xẻ thịt”.
Ngoài 2 huyện trên, tình trạng lợi dụng cải tạo đất sản xuất nông nghiệp để tận thu đất làm vật liệu san lấp của không ít cá nhân và DN còn diễn ra ở các huyện Vĩnh Cửu, Định Quán, Xuân Lộc…, khiến người dân sống xung quanh vô cùng bức xúc.
Sẽ giám sát chặt
Tại cuộc họp liên quan đến quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai mới đây, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho rằng để giải quyết nhu cầu vật liệu san lấp làm công trình xây dựng dân dụng, đường giao thông nông thôn mới, tỉnh cho phép một số trường hợp được cải tạo đất nông nghiệp có thu hồi vật liệu san lấp. Tuy nhiên, do công tác giám sát, kiểm tra chưa thường xuyên và chặt chẽ nên đã xảy ra tình trạng khai thác không phép, thu hồi khoáng sản đem bán không đúng với quy định của Luật Khoáng sản.
“Mục đích của cải tạo đất là làm tăng độ phì nhiêu, tăng năng suất cây trồng. Nhưng trên thực tế, cải tạo thì ít mà móc đất, đá bán thì nhiều. Cải tạo 2-3 năm chưa xong, có trường hợp đề xuất gia hạn 5 năm. Một số khu vực cải tạo đất xong trở thành hõm sâu, không trồng cây được” – đại diện Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai thừa nhận.
Theo Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai, cách đây 2 năm, tỉnh đã có chủ trương hạn chế việc cải tạo đất nông – lâm nghiệp làm vật liệu san lấp nhưng việc đào đất vẫn diễn ra nhiều nơi. Sở đã kiến nghị UBND tỉnh ban hành văn bản yêu cầu các huyện, TP đánh giá lại nhu cầu vật liệu san lấp để bỏ hoặc bổ sung vào quy hoạch khai thác.
Liên quan tình hình trên, ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, chỉ đạo trong quy hoạch khai thác vật liệu san lấp trong thời gian tới, phải làm kỹ hơn nhiều từ các công đoạn thăm dò đến khai thác. Theo ông Phi, Thủ tướng đã cho phép Đồng Nai chủ động đề xuất, bổ sung quy hoạch khai thác khoáng sản, tạo điều kiện cho dự án sân bay Long Thành và các dự án trọng điểm quốc gia, làm tốt thủ tục để hỗ trợ nhà đầu tư khai thác nhưng đồng thời phải tăng cường giám sát chặt chẽ. “Đến lúc này không thể chậm trễ, phải giám sát chặt việc cấp phép thăm dò, khai thác vật liệu san lấp” – ông nhấn mạnh.
Nhiều địa phương đã ở mức báo động
Tỉnh Đồng Nai hiện có tổng cộng 47 dự án khai thác khoáng sản còn hiệu lực. Trong đó, 46 dự án khai thác khoáng sản thuộc nhóm vật liệu xây dựng (đá xây dựng, đá ốp lát, đất xây dựng, sét gạch ngói, vật liệu san lấp). Nhiều huyện thừa nhận tình trạng khai thác đất tràn lan đã đến mức đáng báo động. Một lãnh đạo Phòng TN-MT huyện Trảng Bom cho biết: “Có khi làm thủ tục cải tạo đất nông nghiệp nhưng thực tế lại khai thác đá tảng; xin cải tạo đất làm tăng màu mỡ cho đất nhưng chỉ chú trọng việc san gạt, thu hồi vật liệu dôi dư…”. |