Ngày 20-1, chỉ vài giờ sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố đưa Mỹ quay trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Đây là trọng tâm của một loạt các biện pháp nhằm khôi phục vai trò của Mỹ trong việc chống lại sự nóng lên toàn cầu.
Trên trang web của Nhà trắng, một danh sách ưu tiên trong nhiệm kỳ Tổng thống mới đã đặt khủng hoảng khí hậu chỉ đứng sau đại dịch Covid-19.
Trước đó, cuối năm ngoái, cựu Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris vì cho rằng nó quá tốn kém đối với nền kinh tế Mỹ.
Cùng với tuyên bố tái gia nhập Hiệp định Paris năm 2015, Tổng thống Mỹ Joe Biden còn thu hồi giấy phép quan trọng đối với dự án đường ống dẫn dầu Keystone XL của TC Energy đưa một lượng dầu lớn từ Canada đến Mỹ để tinh chế. Đồng thời, ông Biden ban hành lệnh ngừng khoan dầu và khí đốt tại Bears Ears và Grand Staircase-Escalante, hai di tích quốc gia rộng lớn ở Utah, và tại Khu bảo tồn Động vật hoang dã quốc gia Bắc Cực ở Alaska.
Lệnh của Tổng thống Biden cũng yêu cầu các cơ quan chính phủ xem xét sửa đổi các tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu cho xe cộ và hạn chế phát thải khí mê-tan, đồng thời nghiên cứu khả năng mở rộng lại ranh giới của các di tích quốc gia hoang dã đã bị chính quyền Trump giảm bớt diện tích.
Bước tái gia nhập quan trọng
Ông Todd Stern, nhà đàm phán hàng đầu của Mỹ tại Hiệp định Paris cho biết: “Đây quả là một ngày tuyệt vời. Tái gia nhập Hiệp định Paris chỉ là bước đầu tiên, nhưng đó là bước đầu tiên quan trọng”.
Tổng thống Biden dự kiến sẽ triệu tập một hội nghị thượng đỉnh quốc tế về khí hậu vào mùa xuân để giúp đẩy nhanh việc cắt giảm khí thải và có thể sẽ đệ trình mục tiêu giảm phát thải mới của Mỹ để giúp nước này đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Mục tiêu này phù hợp với việc cắt giảm nhanh chóng trên toàn cầu việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đầu tư lớn vào năng lượng sạch mà các nhà khoa học khuyến cáo là cần thiết để tránh những tác động tàn phá của sự nóng lên toàn cầu.
Bà Gina McCarthy, cố vấn khí hậu hàng đầu của Tổng thống Biden cho biết, tân Tổng thống sẽ đảo ngược “hơn 100” chính sách liên quan đến khí hậu do cựu Tổng thống Trump ban hành.
Bà McCarthy cho biết, biến đổi khí hậu đặt ra một “mối đe dọa hiện hữu” và hành động mở đầu của chính quyền tổng thống mới “sẽ bắt đầu đưa Mỹ trở lại đúng chỗ, để khôi phục vai trò lãnh đạo của Mỹ, giúp đưa quốc gia của chúng ta trở thành nước dẫn đầu toàn cầu về năng lượng sạch và việc làm”.
Sự phản đối và ủng hộ
Trước động thái mới của tân Tổng thống Mỹ, những người ủng hộ môi trường vui mừng, còn các nhóm công nghiệp và những người bảo thủ thì chỉ trích.
Thống đốc bang Alaska, ông Mike Dunleavy, thuộc Đảng Cộng hòa đã chế nhạo quyết định của ông Biden về việc đóng cửa việc khai thác dầu và khí đốt tại Khu bảo tồn Động vật Hoang dã Quốc gia Bắc Cực, và nói rằng tổng thống mới dường như đang “biến Alaska thành một công viên quốc gia lớn”.
Trong khi đó, Viện Dầu khí Mỹ (API), nhóm vận động hành lang ngành dầu khí hàng đầu của Mỹ cho rằng, việc chặn đường ống dẫn dầu Keystone XL là một “bước lùi”.
“Động thái sai lầm này sẽ cản trở sự phục hồi kinh tế của Mỹ, phá hoại an ninh năng lượng Bắc Mỹ và làm căng thẳng quan hệ với một trong những đồng minh lớn nhất của Mỹ”, Chủ tịch API Mike Sommers nói.
Ngược lại, các đối tác toàn cầu và những người ủng hộ khí hậu hoan nghênh việc Mỹ quay lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Ông Brian Deese, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia của Tổng thống Biden, nói với Reuters rằng, Mỹ hy vọng sẽ khuyến khích các nhà sản xuất lớn khác cũng “thúc đẩy tham vọng của họ, ngay cả khi chúng tôi phải chứng tỏ khả năng trở lại sân khấu và thể hiện vai trò lãnh đạo”.
Ông Pete Betts, một cộng sự tại tổ chức tư vấn Chatham House có trụ sở tại London, người dẫn đầu các cuộc đàm phán về khí hậu cho Liên minh châu Âu khi thỏa thuận Paris được ký kết cho rằng, Mỹ cũng cần phải thực hiện các lời hứa của mình với các cam kết tài chính.
Dưới thời Obama, Mỹ cam kết cung cấp 3 tỷ USD cho Quỹ Khí hậu Xanh để giúp các nước dễ bị tổn thương chống lại biến đổi khí hậu. Cho đến nay, nước này mới chỉ chuyển giao được 1 tỷ USD.
Ông nói: “Mỹ sẽ cần phải đặt một số tiền lên bàn, và cũng khuyến khích những nước khác làm điều tương tự”.
Ông Leah Stokes, chuyên gia về chính sách môi trường tại Đại học California nhận định: “Ngay cả khi chúng ta không thể có được luật mới về khí hậu, nhánh hành pháp của chúng ta đã có nhiều công cụ để hành động. Thời điểm tốt nhất để cắt giảm khí thải là nhiều thập kỷ trước; thời điểm tốt thứ hai là hôm nay”.