Chính quyền Tổng thống Biden quyết định khôi phục tài trợ 400 triệu USD cho Tổ chức Y tế Thế giới hàng năm và bày tỏ ý định tham gia Cơ chế phân phối vaccine toàn cầu COVAX.
Đài RT cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ khôi phục tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vài tháng sau khi cựu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi tổ chức này, đồng thời lên kế hoạch tham gia Cơ chế phân phối vaccine toàn cầu COVAX.
Vào ngày nhậm chức đầu tiên của mình, tân Tổng thống Biden đã đảo ngược quyết định của người tiền nhiệm và sẽ tiếp tục tài trợ 400 triệu USD hàng năm cho WHO, với tư cách là quốc gia đóng góp lớn nhất của cơ quan y tế này.
“Tôi rất vinh dự được thông báo rằng Mỹ vẫn sẽ là thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới” – Cố vấn y tế hàng đầu chính phủ Mỹ Anthony Fauci tuyên bố trong cuộc gọi trực tuyến với lãnh đạo WHO hôm 21-1.
Ông Fauci thay mặt chính quyền mới cảm ơn WHO vì đã dẫn dắt công tác ứng phó đại dịch toàn cầu COVID-19, khẳng định chính quyền Washington sẽ “hoàn thành các nghĩa vụ tài chính của mình” và làm việc với 193 quốc gia thành viên khác về việc cải tổ lại tổ chức.
Trước đó, vào tháng 7-2020, Tổng thống Trump đã quyết định dừng tài trợ cho WHO và thông báo xúc tiến quy trình rút khỏi tổ chức này, là một phần trong nỗ lực nhằm đưa Mỹ khỏi các tổ chức đa phương.
Phản hồi lại, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hoan nghênh thông báo gửi tới Ban điều hành WHO của ông Fauci, nhận định “đây là một ngày tốt cho WHO và một ngày tốt cho sức khỏe toàn cầu”.
“WHO là một đại gia đình và tất cả chúng tôi đều vui mừng vì Mỹ đã trở lại với đại gia đình này – ông Tedros nói.
Chính quyền ông Biden cũng bày tỏ ý định tham gia Cơ chế phân phối vaccine toàn cầu COVAX, một dự án toàn cầu do WHO và Liên minh vaccine toàn cầu (GAVI) đứng đầu, tạo điều kiện cho các quốc gia nghèo được tiếp cận với nguồn vaccine ngừa COVID-19.
Theo ông Fauci, Tổng thống Biden sẽ đưa ra một chỉ thị vào tối 21-1 (giờ địa phương), trong đó có việc Mỹ dự định tham gia cơ chế COVAX và hỗ trợ cho liên minh toàn cầu mang tên “Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19” (ACT-A).
Chính quyền Mỹ muốn hỗ trợ ACT-A là nhằm thúc đẩy nỗ lực đa phương trong việc phân phối vaccine, phương pháp điều trị, chẩn đoán bệnh cũng như cách tiếp cận công bằng, nghiên cứu và phát triển vaccine ngừa COVID-19, theo RT.
Tổng thống Biden trước đó đã đặt mục tiêu hoàn thành quá trình tiêm chủng cho 100 triệu người dân Mỹ trong 100 ngày tới. Tính đến thời điển hiện tại, Mỹ đã có tới 25.181.075 ca nhiễm COVID-19, trong đó gần 420.000 người tử vong, theo thống kê từ trang worldometers.info.
COVAX hôm 21-1 cũng cho hay tổ chức này đặt mục tiêu cung cấp 1,8 tỉ liều vaccine ngừa COVID-19 cho các nước nghèo trong năm nay, đồng thời hy vọng có thể hoàn tất các thỏa thuận giao vaccine cho các nước giàu trong nửa cuối năm 2021.
Theo COVAX, 1,8 tỉ liều vaccine trên sẽ được giao cho 92 quốc gia đủ điều kiện và số vaccine này sẽ đủ cho khoảng 27% dân số của các nước này, RT đưa tin.