Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, vừa quyết định rút tờ trình đề nghị chuyển mục đích sử dụng hơn 1ha rừng dừa nước ở xã Cẩm Thanh để phát triển dự án Khu đô thị Cồn Tiến ở TP.Hội An.
Thận trọng khi đụng đến rừng
Tờ trình (số 7003) do ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – ký tháng 11.2020, gửi HĐND tỉnh Quảng Nam, đề nghị thông qua nghị quyết cho chuyển đổi hơn 1ha rừng dừa nước ở xã Cẩm Thanh, Hội An, giao cho Công ty CP Đạt Phương Hội An lập hồ sơ, thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, phát triển dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị Cồn Tiến.
Trong tờ trình, ông Bửu ký nêu việc chuyển đổi đất rừng này là “không ảnh hưởng đến độ che phủ chung về rừng của tỉnh Quảng Nam. Bởi theo viện giải của ông Bửu, thì “chỉ tiêu về độ che phủ rừng đến năm 2020 của tỉnh Quảng Nam là 54%. Nhưng đến 12.2019, tỉnh này đã che phủ được 628.573ha chiếm 59,44%…”.
Trao đổi với Lao Động, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – Lê Trí Thanh cho biết, quyết định xin rút Tờ trình 7003 nói trên vừa mới đưa ra trước kỳ họp thứ 13 của HĐND tỉnh hôm 13.1.2021. Theo ông Thanh, tỉnh tạm dừng đề nghị này là để cân nhắc kỹ hơn về những tác động đến cảnh quan, môi trường khi triển khai dự án Khu đô thị Cồn Tiến. “Mặc dù chỉ chuyển đổi hơn 1ha rừng dừa nước, phân tán, nhưng phải hết sức cân nhắc những tác động tiêu cực đến môi trường, cảnh quan khi khu đô thị đi vào hoạt động” – ông Thanh nói.
“Trả nợ” dự án BT bằng đất rừng
Dự án đầu tư xây dựng nhà ở Khu đô thị Cồn Tiến, do Cty CP Đạt Phương Hội An làm chủ đầu tư, có diện tích 311.073,73m2, tổng đầu tư 518 tỉ đồng, quy mô dân số 2.000 người.
Dự án này đã được HĐND tỉnh Quảng Nam chấp thuận đầu tư từ năm 2018. UBND tỉnh cũng chủ trương cho đầu tư xây dựng khu đô thị Cồn Tiến, dùng nguồn thu từ mức thu tiền sử dụng đất của dự án để hoàn vốn dự án BT – xây cầu Đế Võng, trên tuyến dẫn phía Bắc cầu Cửa Đại mà Cty Đạt Phương đã thực hiện trước đó.
Được biết, tổng diện tích rừng phòng hộ có trong ranh giới dự án khu đô là 32.205,23m2, trong đó rừng tập trung 2ha và hơn 1ha phân tán, được đề nghị chuyển đổi.
Xin nhắc lại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – ông Hồ Quang Bửu – cũng vừa ký Quyết định về việc cho Cty Cổ phần Tư vấn và Phát triển điện Cửu Long thuê đất để xây dựng Thủy điện Đắk Di 2 tại xã Trà Don và Trà Nam của huyện Nam Trà My hồi tháng 11.2020. Ngay lập tức, quyết định gặp phải sự phản ứng dữ dội của cộng đồng, người dân khi hàng trăm vụ sạt lở núi nghiêm trọng vừa liên tiếp xảy ra ở các huyện miền núi Quảng Nam. Đặc biệt, riêng huyện Nam Trà My – nơi cấp phép xây Thủy điện Đắk Di2 đã có đến 2 vụ sạt núi, vùi lấp hàng chục hộ dân khiến 32 người chết và mất tích – hiện vẫn chưa tìm được thi thể 13 người…
Giải thích với Báo Lao Động, ông Hồ Quang Bửu cho hay, Thủy điện Đắk Di 2 triển khai, xây dựng là vì không ảnh hưởng đến rừng phòng hộ, rừng tự nhiên, thủy điện chỉ có công suất 20MW, chiếm tổng cộng 10,53ha và quá trình xây dựng không phải di dời dân…
Tuy nhiên sau khi báo đăng, Quảng Nam cũng đã lập tức thu hồi quyết định cho thuê đất rừng xây Thủy điện Đắk Di 2 của ông Bửu. Lần này, dù cho rằng diện tích che phủ rừng ở Quảng Nam đã đạt, vượt chỉ tiêu, nhưng rừng dừa nước nằm ven đô Hội An, sát biển, có vai trò quan trọng trong việc chống xói lở, bảo vệ môi sinh, tạo kế sinh nhai cho người dân. Đây cũng là khu rừng được công nhận trong quần thể Khu sinh quyển thế giới. Không thể chia bình quân diện tích che phủ rừng trên toàn tỉnh để rồi lý giải chỉ 1ha rừng là không đáng kể và đề xuất thu hồi, xây khu đô thị.
Việc quyết định rút tờ trình xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng dừa nước Cẩm Thanh lần này đã khẳng định cam kết về chủ trương phát triển bền vững của Quảng Nam như tuyên bố trước đó của Chủ tịch UBND tỉnh – Lê Trí Thanh. Hy vọng không chỉ rừng dừa nước ở Cẩm Thanh mà cả dải đất sinh thái tự nhiên ven 2 bờ sông Cổ Cò cũng sẽ được bảo vệ khi dòng sông này triển khai dự án khơi thông.