Một nhóm do các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Oxford và Đại học Bath ở Anh dẫn đầu đã phát triển một phương pháp đếm số lượng voi châu Phi bằng hình ảnh từ vệ tinh Maxar, mở ra một phương pháp mới để theo dõi các loài động vật dễ bị tổn thương và có nguy cơ tuyệt chủng.
Ngày 19-1, Đại học Bath cho biết: “Lần đầu tiên, các nhà khoa học đã sử dụng thành công camera vệ tinh kết hợp với thuật toán máy tính để đếm động vật trong các cảnh quan địa lý phức tạp”.
Trước đây, đếm voi thường do con người thực hiện bằng cách giám sát trên máy bay, nhưng cách đếm voi này tốn kém và đầy thách thức. Các hình ảnh vệ tinh có thể cung cấp một giải pháp thay thế hiệu quả công việc này.
Theo một tuyên bố của Maxar, phương pháp đếm voi từ không gian có “độ chính xác tương đương với khả năng phát hiện của con người”. Các vệ tinh cũng có thể dễ dàng bao phủ diện tích lớn trên mặt đất.
Nhóm nghiên cứu đã xuất bản một bài báo về công trình phát hiện voi trên tạp chí Viễn thám trong Sinh thái và Bảo tồn vào cuối tháng 12.
Trước đây, các nhà nghiên cứu đã sử dụng vệ tinh cho các dự án giám sát động vật hoang dã, chẳng hạn NASA xác định vị trí một đàn chim cánh cụt. Vệ tinh cũng đã được sử dụng để thu thập dữ liệu về cá voi, vì chúng khá dễ phát hiện trên nền nước xanh. Điều sáng tạo của dự án đếm voi là phương pháp này có thể chọn ra những con voi từ những cảnh quan đa dạng của cỏ và rừng.
Ước tính có khoảng 40.000 đến 50.000 con voi châu Phi còn lại trong tự nhiên và chúng được xếp vào loài “dễ bị tổn thương” trong Sách đỏ của IUCN. Voi đang chịu áp lực từ việc mất môi trường sống và săn bắt trộm.
Nhà khoa học máy tính Olga Isupov, Đại học Bath cho biết: “Việc giám sát chính xác là bước cần thiết để chúng ta cứu được loài này. Chúng ta cần biết những con voi ở đâu và có bao nhiêu con”.
Nhóm nghiên cứu hy vọng hệ thống này sẽ thích ứng được với các loài động vật nhỏ hơn khi độ phân giải vệ tinh tiếp tục được cải thiện. Phương pháp này có thể chưa sẵn sàng để theo dõi chuột, nhưng voi là một khởi đầu tuyệt vời.