Những năm qua, công tác an toàn vệ sinh lao động trong khai thác, sản xuất và chế biến đá trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã được triển khai hiệu quả. Song, thực tế cho thấy, vẫn còn một số đơn vị, doanh nghiệp có dấu hiệu của sự “chủ quan, lơ là” trong công tác này làm xảy ra những vụ tai nạn lao động gây thiệt hại về người, ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp.
Có mặt tại mỏ khai thác đá của HTX SXVLXD Thanh Nhật, tại thị trấn Thanh Nhật, huyện Hạ Lang (Cao Bằng), phóng viên ghi nhận các công nhân đang khai thác đá, khoan đục những tảng đá lớn nhưng không hề có thiết bị bảo hộ lao động nào. Bên cạnh đó, quá trình chế biến, nghiền đá đơn vị không có hệ thống phun sương dập bụi nên khi làm bụi bay mù mịt cả một vùng.
Một số người dân sống xung quanh mỏ đá cho biết, các mỏ đá hoạt động khai thác để lại nhiều hệ lụy, mỗi lần công nhân, máy móc hoạt động, đặc biệt quá trình nghiền, xẻ đá mà không có biện pháp dập bụi là chúng tôi phải sống chung với bụi mù mịt và tiếng ồn. Mặc dù, gia đình đã chủ động đóng kín cửa nhưng bụi vẫn cứ bay vào nhà, ảnh hưởng đến sức khỏe của người già và trẻ nhỏ.
Tại một số mỏ đá trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, phóng viên ghi nhận đa số các mỏ đá mặt gương khai thác không được cắt tầng theo quy định, vách đá thẳng đứng rất nguy hiểm khi tiến hành khai thác; hoạt động khai thác, nghiền, xẻ đá còn để xảy ra tình trạng khói bụi, tiếng ồn ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của người dân. Bà L.T.H, xã Nguyễn Huệ, huyện Hòa An (người dân sinh sống cạnh mỏ đá Thâm Bốc và Thâm Bốc II) cho biết, mỗi ngày, khi 2 mỏ đá này nổ mìn “đinh tai, nhức óc” làm chấn động cả một vùng, bụi thì bay mù mịt, chúng tôi rất bức xúc. Bên cạnh đó, xe chở vật liệu từ lớn đến nhỏ cũng tấp nập ra vào mỏ lấy đá là ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ dân xung quanh.
Cao Bằng là tỉnh miền núi với tài nguyên khoáng sản khá phong phú, đa dạng, nhất là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường như đá vôi, được phân bố hầu hết ở các địa phương trong tỉnh, thuận lợi cho việc khai thác làm vật liệu xây dựng. Hiện, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có khoảng 30 mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng. Các mỏ đá hoạt động trên địa bàn tỉnh Cao Bằng sử dụng khoảng 120 người lao động.
Theo số liệu thống kê, từ năm 2018 – 2020, tỉnh Cao Bằng xảy ra 6 vụ tai nạn lao động liên quan đến hoạt động khai thác tại các mỏ đá, khiến 8 người chết, 2 người bị thương. Đây là những con số đáng báo động về công tác an toàn lao động trong khai thác, sản xuất và chế biến đá trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất an toàn lao động là do một số chủ mỏ đá còn chủ quan, chưa thực sự nâng cao ý thức chấp hành nghiêm túc các quy định khai thác theo đúng thiết kế được phê duyệt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người lao động. Chưa chú trọng tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động, người sử dụng lao động; trang bị phương tiện kỹ thuật, y tế phục vụ ứng cứu, sơ cứu khi xảy ra sự cố, tai nạn lao động. Bên cạnh đó, một số người lao động còn chủ quan, lơ là, không thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn lao động hoặc có thực hiện nhưng cũng chỉ là đối phó.
Có thể nói, các hoạt động khai thác, sản xuất và chế biến đá trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã và đang đáp ứng phần lớn nhu cầu xây dựng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Song, để hoạt động khai thác đá làm vật liệu xây dựng đạt hiệu quả cao, các cấp, ngành có liên quan của tỉnh Cao Bằng cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của nhà nước về an toàn vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp khai thác khoáng sản; kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người.