Chuỗi hoạt động ‘Hội Xuân Cúc Phương – Thêm xanh cho cánh rừng già’ xuyên tết sẽ đem đến không khí ấn tượng, vui tươi và mang thông điệp giáo dục môi trường sâu sắc.
Còn gần 1 tháng nữa mới đến Tết cổ truyền, cái lạnh chính đông không đủ làm cho tiết trời núi rừng Cúc Phương tê buốt, bởi không khí rộn ràng chuẩn bị cho những sự kiện đặc biệt lần đầu tiên được tổ chức tại đây.
Hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia 2021 do tỉnh Ninh Bình đăng cai và Tuần lễ “Cúc Phương đại ngàn”; hướng tới kỉ niệm 60 năm ngày thành lập Vườn; với kì vọng xây dựng Cúc Phương thành một vườn quốc gia kiểu mẫu, trường học lớn về giáo dục trải nghiệm thiên nhiên; tạo dấu ấn trong dịp Tết Nguyên Đán Tân Sửu, ban lãnh đạo Vườn quốc gia Cúc Phương cho biết sẽ có nhiều hoạt động kỳ thú được tổ chức xuyên suốt những ngày tết.
Lấy cảm hứng mùa xuân, với sức vươn xanh của vạn vật để gửi tới du khách thông điệp du lịch sinh thái, gắn với nghỉ dưỡng, chuỗi hoạt động có tên “Hội Xuân Cúc Phương – Thêm xanh cho cánh rừng già” sẽ đem đến không khí hội xuân ấn tượng, vui tươi và mang thông điệp giáo dục môi trường sâu sắc.
Trung tâm của các sự kiện là khuôn viên hồ Mạc – nơi trong chiến lược, sẽ hình thành một không gian văn hóa Mường, nhằm tôn vinh và phát huy giá trị di sản văn hóa của cộng đồng người Mường bản địa – một thành tố quan trọng, làm nên giá trị của di sản thiên nhiên Cúc Phương.
Đồng thời, các hoạt động phục vụ tham quan, trải nghiệm của du khách sẽ diễn ra tại các điểm tham quan nổi tiếng của Vườn quốc gia Cúc Phương, như Trung tâm Du khách, Chương trình Cứu hộ Linh trưởng nguy cấp, Chương trình Bảo tồn Tê tê và Thú ăn thịt nhỏ, Chương trình Bảo tồn Rùa, Bảo tàng Cúc Phương, Vườn thực vật Cúc Phương, động Người Xưa…
Từ ngày 3/2 đến 26/2 (tức từ 22 tháng chạp năm Canh Tý đến 15 tháng Giêng năm Tân Sửu), các hoạt động văn hóa được tổ chức với phương châm nhất quán nhấn mạnh vào sự tương tác của công chúng.
Theo Ban tổ chức, ngày 4/2 (23 tháng Chạp) sẽ diễn ra đồng loạt nhiều sự kiện trong chủ đề “Nhóm Xuân”, như khai trương mê cung “Kì thú Cúc Phương” với diện tích gần 3.000m2 tại sân vận động hồ Mạc. Mê cung được làm bằng vật liệu tự nhiên (tre, luồng…) tận dụng, các vật liệu tái chế, thân thiện. Khám phá mê cung cũng là hành trình du khách tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên của Cúc Phương.
Cũng tại khu vực hồ Mạc sẽ có các không gian trò chơi dân gian độc đáo, mang bản sắc dân tộc, như ném còn, đu tiên, bập bênh, đi cà kheo… Nét đặc sắc trong văn hóa Mường cũng được tái hiện tại đây là dựng cây nêu ngày tết, do chính du khách chung tay thực hiện.
Một sáng kiến độc đáo của Vườn quốc gia Cúc Phương là mời du khách cùng khởi bút “Cây ước nguyện”. Mỗi người sẽ viết một ước nguyện, một lời chúc, một lời cam kết cho Cúc Phương và treo lên cây. Sau dịp tết, cây mang những dòng ước nguyện ấy sẽ được đặt tại Trung tâm Du khách của Vườn – nơi sau đó, mỗi ngày, du khách trong nước và quốc tế đến với rừng, sẽ viết tiếp, cho Cúc Phương mãi là di sản thiên nhiên tươi đẹp của Việt Nam, xứng đáng với danh hiệu “Vườn quốc gia hàng đầu châu Á” hai năm liền (2019, 2020) do World Travel Awards bình chọn.
Tạm nghỉ 3 ngày để đón tết cùng gia đình, từ 14 – 15/2 (mùng 3 và 4 tết), các sự kiện văn hóa được tiếp nối, khởi đầu bằng workshop mỹ thuật cộng đồng “Vạn sắc màu – Một tình yêu”. Nhóm “Kí họa di sản đô thị Hà Nội” (Urban Sketchers Hanoi) và những người bạn, cùng Vườn sẽ sáng tác chung 1 bức tranh khổ lớn (12m2), chất liệu Acrylic với chủ đề mang thông điệp bảo vệ mẹ thiên Cúc Phương. Đồng thời, khoảng 100 thành viên (là họa sĩ chuyên và không chuyên) của Nhóm sẽ sáng tác kí họa về phong cảnh thiên nhiên, con người Cúc Phương. Các tác phẩm sẽ được trao lại cho Vườn sử dụng, phục vụ cho hoạt động giáo dục môi trường, nâng cao nhận thức bảo tồn thiên nhiên.
Ông Nguyễn Văn Chính – Giám đốc Vườn quốc gia Cúc Phương chia sẻ, workshop mỹ thuật cộng đồng “Vạn sắc màu – Một tình yêu” là điểm khởi động cho ý tưởng lâu dài, kiến thiến để Cúc Phương trở thành mái nhà chung cho các nghệ sĩ sáng tạo và gới thiệu các tác phẩm về thiên nhiên, môi trường, ở nhiều ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau như mỹ thuật, âm nhạc, văn học…
“Thêm xanh cho cánh rừng già” là chủ đề của ngày mùng 5 tết. Năm nay, Vườn quốc gia Cúc Phương không chỉ duy chỉ hoạt động “Tết trồng cây” truyền thống. Phối hợp với nhiều cơ quan, tổ chức, Vườn sẽ chào đón du khách cùng chung tay xây dựng khu bảo tồn thiên nhiên tích cực, hưởng ứng đề xuất của Thủ tướng Chính phủ về “trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới”.
Ngày 26/2 (15 tháng Giêng) sẽ chính thức khép lại chuỗi sự kiện xuân tại Cúc Phương với lễ hạ cây nêu.
Du khách đến Cúc Phương những ngày cận tết sẽ được mời tham gia gói 500 chiếc bánh chưng làm quà tết tặng 13 trạm kiểm lâm của Vườn và một số gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Cúc Phương (Ngo Quan, Ninh Bình). |