Những năm gần đây, Quảng Ngãi đã tập trung triển khai nhiều dự án khôi phục và trồng mới rừng ngập mặn nhằm giảm tình trạng xâm thực, tăng cường khả năng phòng hộ, điều hòa khí hậu, bảo vệ hệ sinh thái ven bờ biển và tạo sinh kế cho người dân.
Sau hơn 2 năm dự án trồng rừng Bàu Cá Cái được triển khai thực hiện, người dân ở thôn Thuận Phước, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi hiểu hơn ai hết về lợi ích của rừng ngập mặn.
Theo bà Nguyễn Thị Hải, người dân ở thôn Thuận Phước, xã Bình Thuận, từ khi rừng ngập mặn Bàu Cá Cái được “hồi sinh”, nhiều loại thủy sản cùng những đàn chim, cò, vạc cũng tấp nập kéo về đây trú ngụ. Từ năm 2019 đến nay, gia đình bà bắt đầu mở thêm dịch vụ chở khách du lịch tham quan rừng ngập mặn. Hiện, gia đình có 3 chiếc ghe, mỗi chuyến chở 3 khách tham quan thu được 200.000 đồng/chuyến, 2 khách tham quan mức phí là 150.000 đồng/chuyến.
“Do dịch vụ này mới bắt đầu được triển khai nên thu nhập từ việc chở khách chưa nhiều. Chúng tôi mong muốn du lịch phát triển hơn để có thể tạo thêm nhiều công ăn, việc làm hơn cho bà con”, bà Hải chia sẻ.
Anh Phạm Duy Nghĩa, thôn Thuận Phước, xã Bình Thuận cho biết, vùng quê này được bao bọc bởi sông nước vây quanh. Mỗi lần mưa bão xuất hiện là ruộng đồng bị bồi lấp, nhà cửa bị sạt lở. Những năm gần đây, nhờ có rừng ngập mặn che chắn nên tác hại của bão đã giảm đi đáng kể. Nhà và cây cối của anh không bị ảnh hưởng nhiều.
Không chỉ góp phần hỗ trợ phòng chống bão, rừng ngập mặn còn đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, cho người dân. Ngoài việc khai thác nguồn lợi thủy sản từ trong đầm, gia đình anh đang hướng đến việc nuôi thả cua xanh để tăng thu nhập.
“Với mỗi 2 vạn con cua giống, trừ tiền vốn đầu tư khoảng 1,2 triệu đồng thì sau 3 tháng, nếu suôn sẻ cũng cho lợi nhuận khoảng 15-20 triệu đồng”, anh Nghĩa cho biết.
Trước thực trạng rừng ngập mặn đang ngày một suy kiệt khiến tình trạng nước biển xâm thực diễn ra ngày một nghiêm trọng, những năm gần đây, Quảng Ngãi đã tập trung triển khai nhiều dự án khôi phục và trồng mới rừng ngập mặn nhằm tăng cường khả năng phòng hộ, điều hòa khí hậu, bảo vệ hệ sinh thái ven bờ biển và tạo ra sinh kế cho người dân.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm kỹ thuật nông-lâm nghiệp Dung Quất cho biết: Thời gian qua, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu của Trung ương, Quảng Ngãi đã phối hợp với các tổ chức quốc tế thực hiện các dự án trồng rừng ngập mặn ven biển gồm trồng mới và phục hồi hơn 80 ha rừng ngập mặn ven biển xã Bình Thuận (Bình Sơn); trồng hơn 45 ha rừng ngập mặn ven biển các xã Bình Phước, Bình Đông, Bình Dương (Bình Sơn)….
Những dự án này đều đã được nghiệm thu, được Sở TN&MT giao lại cho Trung tâm Kỹ thuật nông-lâm nghiệp Dung Quất quản lý. Sau đó, Trung tâm bàn giao lại người dân tham gia quản lý, đồng thời có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ diện tích rừng ngập mặn này.
Cây trồng rừng ngập mặn của các dự án chủ yếu là cóc, bần, dừa nước… Từ đó, sẽ hạn chế dòng chảy của triều cường, giảm mất đất ở, đất sản xuất; giảm sự xói lở do sóng biển gây ra và nhiễm mặn vào mạch nước ngầm…
Để bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, nhất là việc khai thác du lịch sinh thái thì chính quyền các địa phương nghiên cứu thành lập hợp tác xã hoặc tổ quản lý, với sự tham gia của các hộ dân trong khu vực. Các hợp tác xã chịu trách nhiệm xây dựng cơ chế bảo vệ và quản lý, hạn mức khai thác, đồng thời kết nối với các đơn vị lữ hành thiết kế các tour du lịch, hướng dẫn các hộ tham gia thực hiện… Riêng việc nuôi trồng và khai thác thủy sản, người dân phải theo quy định về loài, kích cỡ mắc lưới khai thác, thời gian khai thác.
“Do ý thức được vai trò và ý nghĩa của rừng ngập mặn nên người dân và chính quyền địa phương đã khá nỗ lực trong công tác bảo vệ rừng. Hầu hết các làng đều đưa vào nội dung giữ gìn, bảo vệ rừng ngập mặn vào hương ước làng”, ông Trần Anh Tuấn cho biết.