Vấn đề phát triển bền vững được đặt ra khi thế giới nhận thức được tài nguyên đang sử dụng là có hạn.
Ở Việt Nam, phần lớn nguồn tài nguyên khoáng sản đều có quy mô nhỏ hoặc điều kiện khai thác khó khăn, tính cạnh tranh và giá trị kinh tế kém so với các mỏ trên thế giới. Trên thực tế do tính địa phương, cục bộ ngành và cả những thúc ép về kinh tế mà những nguốn tài nguyên như (sắt, Bauxite) vẫn đưa vào khai thác bất chấp hậu quả lâu dài. Vì thế, khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản cũng phải cân đối và tổng hợp ở quy mô lớn, không chi trong phạm vi địa phương hay quốc gia.
Ngày nay, sự phát triển của các công ty đa quốc gia đang tạo cơ hội để khai thác các lợi thế tài nguyên ở mỗi nước. Tài nguyên là của chung, sự lãng phí của nước này đồng nghĩa với sự mất mát chung về tài nguyên trở thành xu thế chủ đạo trong chính sách của nhiều nước, trong đó có vai trò và đóng góp rất lớn của các công ty đa quốc gia.
Ngay với nguồn tài nguyên nước, quá trình khai thác đang làm tăng nguy cơ ô nhiễm và cạn kiệt nguồn là rất lớn. Theo Báo cáo của Liên Hợp Quốc, hiện khoảng 12.000 km3 nước sạch bị ô nhiễm do quá trình sản xuất không được kiểm soát.
Việt Nam cũng nằm trong số các nước có nguy cơ khan hiếm và kiệt cạn nguồn nước do ảnh hưởng của phát triển công nghiệp. Hơn nữa, nguy cơ tiềm tàng còn xuất phát từ 2/3 lưu vực các sông Việt Nam đều do các nước lân cận kiểm soát. Sự phát triển mang tính cục bộ của từng nước, thiếu một cơ chế điều tiết hiệu quả là sự tham gia của các nước nằm ở thượng nguồn có ảnh hưởng trực tiếp tới cân bằng nước Việt Nam. Đây là vấn đề hết sức nhạy cảm trở thành thách thức rất lớn trong chiến lược sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên này.
Hay như với đất đai – đầu vào quan trọng của mọi quá trình sản xuất, hiện nay việc sử dụng đất cho công nghiệp đang có nhiều bất cập thiếu bền vững. Mỗi năm, hàng vạn ha đất canh tác nông nghiệp bị mất đi do chiếm dụng công nghiệp, quỹ đất nông nghiệp bình quân ở Việt Nam đã thấp nay còn thấp hơn.
Công nghiệp Việt Nam do phân bố chưa hợp lý, yếu kém trong quy hoạch, chạy theo thành tích, đang làm mất đi các diện tích đất châu thổ quý giá ở 2 vựa lúa chính của cả nước.
Trên lý thuyết, việc phát triển các khu công nghiệp và khu chế xuất có thể mang lại rất nhiều lợi ích, gắn phát triển với bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, chính sách đó đang bị chi phối bởi các nhà đầu tư, tính địa phương, và cả quá trình điều tiết vĩ mô kém hiệu quả. Kết quả, phát triển khu công nghiệp trên thực tế trở thành điểm nóng ô nhiễm, nguốn phát sinh chất thải chính tại nhiều địa phương. Nhiều diện tích đất của khu công nghiệp đã bị biến đổi, ô nhiễm trong quá trình sử dụng khó có khả năng phục hồi.
Một nguyên nhân nữa đang làm trầm trọng thêm vấn đề tiêu dùng đất đai, đó là nhận thức chưa đầy đủ về giá trị thật của đất nông nghiệp. Một giá trị gắn kết với hệ sinh thái nhưng mới chỉ được định giá về sản phẩm nông nghiệp thuần túy. Đây là một sai lầm hết sức nghiêm trọng. Đất nông nghiệp bên cạnh chức năng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, còn có tư cách là một hệ sinh thái. Giữ đất nông nghiệp, chính là giữ hệ sinh thái, duy trì sự cân bằng giữa môi trường và phát triển.
Ở quy mô rộng hơn, công nghiệp và nông nghiệp cần phải được cân đối và phân bố hợp lý ở quy mô toàn cầu.
Thế giới một mặt kêu gọi phát tiển bền vững, song mặt khác lại tự phá vỡ chúng bằng sự tôn vinh giàu có vật chất một cách thái quá. An ninh lương thực trên thực tế chỉ có lợi cho các nước công nghiệp, dành sự nghèo nàn cho các nước nông nghiệp.
Tất cả những vấn đề đó cho thấy, nếu không thay đổi cách thức tiêu dùng theo hướng bền vững, thế giới sẽ dần tiến gần đến giới hạn của sự tăng trưởng do cạn kiệt tài nguyên.