Vương quốc Anh bị cáo buộc không thực hiện lời hứa hạn chế vận chuyển rác thải nhựa đến các nước đang phát triển sau khi nước này ban hành các luật lệ mới thời hậu Brexit ít nghiêm ngặt hơn so với các quy định EU đặt ra.
Từ ngày 1/1/2021, các lô rác thải nhựa chưa phân loại từ EU đến các nước không thuộc OECD chính thức bị cấm. Nhưng Anh tiếp tục cho phép xuất khẩu phế thải nhựa sang các nước đang phát triển dù đảng cầm quyền cam kết cấm hoạt động này và hứa hẹn sẽ không giảm bớt các tiêu chuẩn môi trường hậu Brexit.
Các mặt hàng xuất khẩu của Vương quốc Anh giờ đây sẽ được thực hiện theo một hệ thống mới về “đồng thuận được thông báo trước” mà theo đó bên nhập khẩu phải đồng ý chấp nhận rác thải và có cơ hội từ chối.
Anh là một trong những nước sản xuất rác thải nhựa lớn nhất thế giới, chỉ sau Mỹ, và xuất khẩu khoảng 2/3 lượng rác thải nhựa.
Lệnh cấm của EU và các quy định mới của Anh được thúc đẩy bởi các quy tắc quốc tế, theo công ước Basel, nhằm giải quyết hoạt động buôn bán nhựa toàn cầu vốn là nguồn cơn các quốc gia giàu có đổ rác thải nhựa ô nhiễm sang những nước nghèo hơn. Các quy định có hiệu lực ngay trong tháng 1/2021.
Theo Giám đốc Mạng lưới Hành động Basel Jim Puckett, đầu tháng 4/2019, EU đã lên kế hoạch cấm xuất khẩu rác thải nhựa bẩn và không được phân loại.
“Chúng tôi cho rằng ít nhất Anh sẽ theo bước EU và thật bất ngờ khi thấy họ đưa ra quy trình kiểm soát lỏng lẻo hơn nhiều tức vẫn có thể cho phép xuất khẩu nhựa bị ô nhiễm và khó tái chế sang các nước đang phát triển. Họ nói nhiều nhưng không thực hiện”.
Puckett cho biết khoảng 90% rác thải nhựa xuất khẩu thuộc nhóm nhựa bẩn và không được phân loại, theo công ước Basel. “Đây là phần ruột của việc sửa đổi. Đây là những thứ mà chúng tôi thấy bị vứt bỏ và đốt ở Đông Nam Á”.
Anh đã chuyển 7.133 tấn rác thải đến các nước không thuộc OECD, bao gồm Malaysia, Pakistan, Việt Nam, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trong tháng 9/2020, theo dữ liệu HMRC được tổ chức Last Beach Clean Up phân tích.
Nhà hoạt động Yuyun Ismawati thuộc nhóm môi trường Indonesia Nexus3 Foundation chỉ rõ: “Thật đáng lo ngại khi Anh muốn tiếp tục kiểu quản lý rác thải tệ hại và sử dụng các nước đang phát triển làm bãi thải. Tại Indonesia, chúng tôi ghi nhận một lượng lớn rác thải nhựa nhập khẩu từ Anh bị những người tái chế không đạt chuẩn chôn lấp và đốt trong các cộng đồng nông nghiệp, họ chỉ có thể thực sự tái chế một phần nhỏ rác thải”.
Năm 2020, Indonesia là một trong 7 quốc gia yêu cầu trả lại các công-ten-nơ rác thải nhựa từ Anh.
Bộ trưởng phụ trách môi trường, lương thực và các vấn đề nông thôn của phe đối lập Luke Pollard cho biết đã đến lúc chính phủ thực hiện các cam kết: “Chính phủ đã đưa ra những lời hứa to tát để phù hợp với các tiêu chuẩn môi trường từ châu Âu và cấm xuất khẩu rác thải nhựa. Không thể có chuyện trì hoãn. Người dân Anh mong đợi thấy những mặt hàng xuất khẩu này bị cấm, tái chế nhiều vật liệu hơn ở trong nước và hành động nhanh hơn đối với khủng hoảng khí hậu. Các bộ trưởng phải nhanh chóng thực hiện lời hứa, nhưng tình hình có vẻ không ổn”.
Rác thải không thể tái chế thường được đốt hoặc đổ bất hợp pháp vào các bãi chôn lấp hoặc xuống sông ngòi rồi theo dòng chảy ra đại dương.
Tháng 12/2020, trưởng nhóm về chất thải xuyên biên giới thuộc Liên hợp quốc bày tỏ hy vọng sẽ thấy lượng nhựa đại dương giảm trong vòng 5 năm sau khi các quy tắc quốc tế mới được áp dụng.
Luật sư môi trường Tim Grabiel thuộc EIA thẳng thắn: “Chúng tôi muốn thấy Anh thể hiện vai trò lãnh đạo và hợp tác với EU trong việc tiến thêm một bước và cấm đưa nhựa đến các nước không thuộc OECD. Nếu 27 quốc gia của EU có thể làm được thì chắc chắn Anh cũng có thể. Chúng tôi hy vọng Anh sẽ kịp thời cân nhắc vai trò của mình”.
Các nhà môi trường cho biết trong khi Anh đề xuất đồng thuận có thông báo trước về việc xuất khẩu rác thải nhựa sẽ làm tăng tính minh bạch trong hoạt động thương mại xuyên biên giới vốn khét tiếng phi pháp này thì hệ thống này vẫn rất dễ bị lạm dụng.
Nhà vận động chính trị Sam Chetan-Welsh thuộc Greenpeace cho biết: “Chính phủ đã hứa hậu Brexit sẽ duy trì hoặc thậm chí áp các tiêu chuẩn môi trường cao hơn EU nhưng việc tạo ra kẽ hở để cho phép việc đổ rác nhựa của chúng ta vào môi trường và cộng đồng là rất tệ. Đây không phải là sự lãnh đạo bởi không làm được điều tối thiểu nhất”.
Người phát ngôn của Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn cho hay chính phủ “cam kết cấm xuất khẩu tất cả rác thải nhựa sang các nước không thuộc OECD” nhưng không đưa ra thời gian hành động. Bộ cho biết đã ủy quyền nghiên cứu để hiểu rõ hơn về năng lực tái chế rác thải nhựa hiện có của Anh và sẽ tham khảo ý kiến về cách thực hiện các cam kết trong tuyên ngôn.
Nhật Anh (Theo Guardian)