Bảo vệ tài nguyên nước bằng môi trường ảo là một sáng kiến bền vững thu hút nhiều sự quan tâm.
Sử dụng môi trường ảo để tạo ra các sáng kiến bền vững liên quan đến bảo vệ tài nguyên nước đang được nhiều tổ chức quốc tế khuyến khích nhằm tối ưu hóa năng lực đổi mới trong cả phạm vi doanh nghiệp và quốc gia.
Thế giới ngày nay đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước trầm trọng. Theo thống kê từ Liên Hiệp Quốc, cứ 3 người, có 1 người không được tiếp cận nguồn nước uống an toàn, 2 trong 5 người không có phương tiện rửa tay cơ bản với xà phòng và đến năm 2030 sẽ có ít nhất 40% dân số thế giới không đủ nguồn nước sạch phục vụ cho cuộc sống.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp vẫn cần đến 7.000 lít nước để sản xuất ra một chiếc quần jeans, 2.700 lít nước để làm ra một chiếc áo thun và 39.090 gallon (tương đương 147.956 lít nước) để sản xuất một chiếc ô tô mới, theo Tập đoàn công nghệ Dassault Systèmes Pháp (DS). Sự tiêu dùng thiếu kiểm soát của con người đang trực tiếp tác động đến nguồn nước.
Đã tới lúc ngành công nghiệp phải đối mặt để tìm ra giải pháp sử dụng nguồn nước thông minh hơn và mọi chuyện sẽ bớt phức tạp nếu các sáng kiến được thử nghiệm bằng môi trường ảo, ông Bernard Charlès, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Dassault Systèmes chia sẻ trong buổi ra mắt chiến dịch Water for Life, vào ngày 8.12.2020. Đây là bước thứ 2 trong chuỗi 10 hành động hỗ trợ Các mục tiêu Phát triển bền vững Liên Hiệp Quốc của Dassault Systèmes.
Thông qua nền tảng 3DExperience có khả năng mô phỏng tất cả trải nghiệm của thế giới thực, khi một phương án thiết kế giảm thiểu nguồn nước sử dụng của doanh nghiệp được đề xuất sẽ nhận được những đóng góp ý kiến từ các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực như nhà khoa học, kỹ sư… trong hệ sinh thái Dassault Systèmes. Sau đó hệ thống sẽ tích hợp các giải pháp công nghệ để cung cấp dữ liệu về lượng nước tiêu thụ dựa trên kinh nghiệm thực mà họ đang tạo ra cũng như nhiều tác động khác nhau của các phương án thiết kế.
“Các môi trường ảo là nhân tố chính giúp chủ dự án mường tượng, thiết kế, thử nghiệm các sản phẩm, vật liệu hoàn toàn mới, mà không bị giới hạn tốc độ phát triển sản phẩm, quản trị chất lượng cũng như quy trình sản xuất, từ đó tiết kiệm thời gian, chi phí đáng kể”, ông Bernard Charlès chia sẻ thêm.
Ở Việt Nam, nền tảng 3DExperience gần đây đã được sự công nhận từ nhiều tập đoàn lớn. Giữa tháng 12.2020, Vingroup đã chính thức hợp tác với Dassault Systèmes để ứng dụng nền tảng 3DExperience trong các lĩnh vực chuyển đổi công nghiệp (VinFast, VinSmart) và chuyển đổi xây dựng (Vinhomes). Nhưng hầu hết mối quan tâm của doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới tập trung vào cải cách quy trình kinh doanh trên nền tảng số hóa chứ chưa có nhiều hợp tác về bảo vệ và sử dụng hiệu quả nguồn nước.
Đứng ở góc độ quốc gia, duy trì sự bền vững cho nguồn nước ngọt của Việt Nam nói riêng và khu vực sông Mê Kông nói chung đang trở thành vấn đề vô cùng cấp bách. Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), chia sẻ: “Năm 2019 đã đánh dấu một bước ngoặt đối với dòng sông Mê Kông, khi mực nước sông ở mức thấp kỷ lục do gia tăng số lượng đập có quy mô lớn trên dòng chính và các phụ lưu đi vào vận hành, khiến dòng sông và người dân trên lưu vực đối mặt với một tương lai bất định”.
Báo cáo của Ủy ban Sông Mê Kông (MRC) trong tháng 11.2020 cho biết, có tới 509 đập được quy hoạch hoặc đang xây dựng trong diện tích các khu bảo tồn xung quanh lưu vực sông. Xây đập không đúng chỗ có thể thay đổi dòng chảy của sông và gây tắc nghẽn. Các loài di chuyển để tìm thức ăn, sinh sản hoặc tìm kiếm môi trường sống mới khi mùa thay đổi, như cá hồi hoặc cá heo sông, không còn có thể làm như vậy. Điều này đe dọa các hệ sinh thái nước ngọt quan trọng, động vật hoang dã và hàng triệu con người đang phụ thuộc vào sông để sinh tồn.
Tăng cường chia sẻ dữ liệu và tính minh bạch giữa các nước thành viên và các đối tác đối thoại là Trung Quốc và Myanmar để xây dựng một nền tảng tương tự 3DExperience cho sông Mê Kông, tập trung cải thiện quy trình vận hành nguồn nước và cơ sở hạ tầng có liên quan, là điều không chỉ MRC mà cả các tổ chức bảo tồn nguồn tài nguyên nước đều kỳ vọng sẽ sớm được thực hiện.