Du lịch cộng đồng là hình thức kinh doanh du lịch dựa trên tài nguyên thiên nhiên, đặc điểm văn hóa địa phương để phát triển du lịch. Trong đó đề cao vai trò của người dân bản địa tham gia kinh doanh, quảng bá hình ảnh điểm đến, cung cấp dịch vụ du lịch mang tính đặc trưng.
Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, truyền thống lịch sử, văn hóa phong phú, tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ). Qua đó, đưa tỉnh trở thành một điểm đến thêm hấp dẫn với đa dạng các loại hình du lịch, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của du khách.
Trong những năm qua, các mô hình DLCĐ trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm của chính quyền, người dân các địa phương và sự phối hợp tích cực từ du khách. Song trên thực tế, sự phát triển còn manh mún, chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng do nhiều nguyên nhân.
Nhằm phát huy lợi thế DLCĐ, cuối năm 2020, UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt Đề án phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn.
Mục tiêu của đề án hướng đến phát triển DLCĐ bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, nhất là bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số… góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần, vật chất của người dân đồng thời thay đổi nhận thức về sinh kế để giảm nghèo bền vững.
Trên cơ sở đánh giá, phân tích toàn diện các mặt, tỉnh Quảng Ninh xác định không gian DLCĐ với 3 phân khu chính. Trong đó, không gian phía đông phát triển dựa trên giá trị văn hoá bản địa vùng miền núi và sinh thái khu vực ven biển phía đông (tập trung ở Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà, Móng Cái). Không gian phía tây phát triển dựa vào sự kết hợp du lịch nông nghiệp, làng nghề truyền thống, du lịch tâm linh, sinh thái (tập trung ở Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, Hạ Long). Không gian trung tâm bao gồm TP. Hạ Long và huyện Vân Đồn với mục tiêu thu hút khách du lịch, là địa điểm kết nối với các địa phương.
Để việc phát triển các điểm DLCĐ khả thi, tránh trùng lặp, tăng sự kết nối với các địa bàn trung tâm du lịch, đề án cũng đã xác định 9 khu vực ưu tiên tại các huyện Bình Liêu, Tiên Yên, Móng Cái, Vân Đồn, Ba Chẽ, thị xã Quảng Yên.
Để loại hình du lịch này phát triển đúng định hướng, Sở Du lịch tham mưu cho tỉnh ban hành các chính sách như hỗ trợ quy hoạch, đầu tư hạ tầng; hỗ trợ xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch cùng như xúc tiến, quảng bá du lịch…
Là địa phương lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số, tại Kon Tum, DLCĐ được lựa chọn phát triển do mang lại lợi ích thiết thực về phát triển kinh tế bền vững; giúp người dân bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái; bảo tồn, phát huy giá trị những nét văn hóa độc đáo.
Hoạt động DLCĐ thời gian qua trên địa bàn tỉnh Kon Tum có sức lan tỏa, tạo được sự đồng thuận trong người dân tham gia làm du lịch, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần ổn định đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn
Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Kon Pring (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông) là một thí dụ.
Được UBND tỉnh công nhận là làng văn hóa du lịch cộng đồng từ tháng 11/2018, đến nay, Kon Pring trở thành địa điểm thu hút đông đảo du khách. Làng có 76 hộ dân với 215 nhân khẩu, được chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng nhà sàn truyền thống theo hình thức homestay cho 3 hộ dân. Du khách khi đến với Kon Pring thường tham quan, trải nghiệm cùng ăn, cùng ở với người bản địa; hòa mình vào những màn diễn xướng, cồng chiêng truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo Sở VHTT&DL tỉnh Kon Tum, trên địa bàn tỉnh hiện có 4 làng DLCĐ được UBND tỉnh công nhận, gồm: Làng Kon K’tu, làng Kon Klor (TP. Kon Tum), làng Kon Trang Long Loi (huyện Đắk Hà) và làng Kon Pring (huyện Kon Plông). Ngoài ra, ở các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch phát triển các điểm, làng DLCĐ để hỗ trợ, hướng dẫn người dân xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch.
Tại Hà Nội, theo Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030 trên địa bàn, DLCĐ là một trong những mũi nhọn được tập trung đầu tư để tăng tính hấp dẫn cho du lịch Thủ đô.
Hà Nội là một trong những địa bàn có tiềm năng lớn để phát triển DLCĐ, trong đó có những điểm đến nổi tiếng như làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây), làng gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm), làng rối nước Đào Thục (Đông Anh), làng nhiếp ảnh Lai Xá (Hoài Ðức), làng thuốc nam người Dao (Ba Vì)…
Mặc dù đã đạt được những thành công nhất định, song DLCĐ tại Hà Nội vẫn thể hiện tính tự phát, chủ yếu là người dân tự làm, thiếu sự đồng bộ, chất lượng dịch vụ còn hạn chế.
Vì vậy, thời gian tới, Sở Du lịch sẽ tổ chức nhiều đoàn khảo sát với sự tham gia của các đơn vị lữ hành nhằm giúp các địa phương xây dựng sản phẩm phù hợp nhu cầu của du khách, từ đó tăng tính kết nối tour, tuyến du lịch, khai thác được thế mạnh của DLCĐ, góp phần giúp du lịch Thủ đô phát triển chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.