Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng Cúc Phương có nhiều nỗ lực trong cứu hộ, bảo tồn và phát triển các loài linh trưởng quý hiếm đang bị đe dọa nguy cấp ở Việt Nam.
Nằm trong khu vực rừng quốc gia Cúc Phương thuộc địa phận huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình), Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng Cúc Phương được thành lập vào tháng 1/1993 là trung tâm cứu hộ động vật hoang dã đầu tiên ở Việt Nam và cũng là nơi có số lượng các loài linh trưởng lớn nhất ở Đông Nam Á.
Từ khi ra đời, Trung tâm đã có nhiều nỗ lực trong cứu hộ, bảo tồn và phát triển các loài linh trưởng quý hiếm đang bị đe dọa nguy cấp ở Việt Nam.
Hiện nay, Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng Cúc Phương đang cứu hộ, nhận nuôi và chăm sóc 16 loài linh trưởng với số lượng 179 cá thể, trong đó nhiều nhất là Voọc mông trắng, Voọc Hà Tĩnh, Voọc đen tuyền, Voọc Lào, Voọc Cát Bà và Voọc chà vá chân xám. Đây phần lớn là những loài linh trưởng có nguy cơ bị đe dọa và đều có tên trong Sách Đỏ của Việt Nam và thế giới.
Với diện tích 3,5ha, Trung tâm có khoảng 50 chuồng trại nuôi nhốt rộng rãi, thoáng mát và gần gũi với thiên nhiên.
Phần lớn các loài linh trưởng ở đây đều là tang vật của những vụ buôn bán động vật hoang dã bị lực lượng kiểm lâm phát hiện, bắt giữ, trong đó có nhiều loài nguy cơ tuyệt chủng cao như Voọc Cát Bà, Voọc mông trắng, Voọc chà vá chân xám…
Nhiều cá thể được chuyển đến Trung tâm trong tình trạng nhiều thương tích và sức khỏe rất yếu.
Tại đây, các loài linh trưởng này được quản lý và chăm sóc bởi hơn 20 nhân viên, cán bộ kỹ thuật và chuyên gia nghiên cứu người nước ngoài.
Ngoài ra, Trung tâm có khu nuôi thả bán tự nhiên gồm 7ha diện tích đồi rừng nhằm giúp các cá thể linh trưởng thích nghi với môi trường sống tự nhiên trước khi được tái thả.
Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng Cúc Phương là cơ sở duy nhất trên thế giới đang cứu hộ và chăm sóc trong điều kiện nuôi nhốt cho 3 loài linh trưởng trong nhóm Ngũ sắc là Voọc chà vá chân nâu, Voọc chà vá chân xám và Voọc chà vá chân đen với tổng số 28 cá thể.
Anh Trần Quang Phương – điều phối viên Dự án bảo tồn linh trưởng quý hiếm của Việt Nam tại Vườn quốc gia Cúc Phương cho biết, Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng Cúc Phương được thành lập với mục đích cứu hộ, bảo tồn và phát triển các loài linh trưởng hoang dã quý hiếm đang bị đe dọa nguy cấp ở Việt Nam, đồng thời lưu giữ, bảo tồn nguồn gene và chăm sóc, tái thả các loài này trở về với môi trường sống tự nhiên.
Trong những năm đầu hoạt động, Trung tâm luôn bị quá tải do số lượng cá thể của các loài linh trưởng từ các đơn vị kiểm lâm tịch thu, bắt giữ chuyển về khá lớn.
Những năm gần đây, chính quyền các địa phương cùng lực lượng kiểm lâm trên cả nước đã đẩy mạnh việc quản lý, bảo vệ các loài động vật tự nhiên, quý hiếm nên hạn chế được tình trạng khai thác, buôn bán, sử dụng trái phép động vật hoang dã, do đó số lượng linh trưởng được cứu hộ về Trung tâm đã giảm đáng kể.
Bên cạnh công tác cứu hộ, chăm sóc, Trung tâm còn tổ chức tái thả động vật về với tự nhiên. Để đảm bảo thành công, trước khi tái thả, các chuyên gia tiến hành khảo sát, lựa chọn địa điểm thả phù hợp, theo dõi môi trường sinh thái trong khu vực, điều tra về mức độ đa dạng, trữ lượng thức ăn và đào tạo nguồn nhân lực để quản lý, theo dõi thời gian đầu khi mới tái thả. Đến nay, Trung tâm đã tiến hành tái thả thành công 71 cá thể của 6 loài linh trưởng ra tự nhiên.
Không chỉ bảo vệ và chăm sóc các loài linh trưởng quý hiếm, trong môi trường bán hoang dã tại Trung tâm, nhiều linh trưởng con đã chào đời.
Hiện Trung tâm đã cho sinh sản thành công 10 loài với 155 cá thể, trong đó có 19 cá thể Vọoc Hà Tĩnh, 15 cá thể Vọoc chà vá chân xám và 7 cá thể Cu li nhỏ…
Đáng chú ý, trong số đó có 3 loài lần đầu tiên được sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt trên thế giới là Voọc mông trắng, Voọc Hà Tĩnh và Voọc chà vá chân xám.
Những cá thể được sinh ra từ quần thể nuôi nhốt này đã được tái hòa nhập vào Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, huyện Gia Viễn vào các năm 2011, 2012.
Điều này không chỉ minh chứng cho thấy điều kiện môi trường sống của các loài linh trưởng ở đây rất gần với môi trường sống tự nhiên và rất an toàn mà qua đó còn thể hiện sự đóng góp quan trọng vào công tác bảo tồn nguồn gene các loài động vật hoang dã quý hiếm, phục vụ cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học.
Ông Đỗ Văn Lập – Phó Giám đốc Vườn quốc gia Cúc Phương, Giám đốc Dự án bảo tồn linh trưởng quý hiếm của Việt Nam tại Vườn quốc gia Cúc Phương nhấn mạnh trung tâm cứu hộ thú linh trưởng Cúc Phương là một trong bốn trung tâm cứu hộ động vật hoang dã có uy tín, hoạt động hiệu quả cao tại Việt Nam và nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế.
Trong thời gian tới, để tăng cường công tác bảo tồn và phát triển các loài linh trưởng nói riêng, Ban Quản lý Vườn quốc gia Cúc Phương cùng Trung tâm tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, Chi cục Kiểm lâm trên cả nước tổ chức cứu hộ, tiếp nhận các loài động vật hoang dã bị săn bắn, buôn bán trái phép để chăm sóc và tái thả trong tự nhiên.
Đồng thời, Trung tâm cũng phối hợp với các chuyên gia người nước ngoài đẩy mạnh đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác bảo tồn, nâng cao khả năng giám sát đa dạng sinh học nói chung, các loài nguy cấp nói riêng; tiến hành nghiên cứu về quần thể một số loài có nguy cơ bị tuyệt chủng, phạm vi phân bố, số lượng để đề xuất phương án bảo vệ tốt nhất.