Mới đây, qua kiểm đếm bằng máy, Trung tâm Kiến thức bản địa và phát triển ghi nhận đàn voọc quý này đã có 22 đàn với 156 cá thể, đặc biệt có 15 con non
Cận Tết, tôi cùng anh Nguyễn Tiến Thái và Nguyễn Thanh Tú đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Hồng ở thôn Thiết Sơn, xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Các con đi học xa, vợ đau cột sống đang nằm ở bệnh viện nhưng Hồng vẫn không quên việc chăm sóc, bảo vệ đàn voọc trên núi.
Hiểu voọc như hiểu người
Gặp Hồng, tôi nhắc chuyện cũ, là chuyện hồi trước Hồng chuyên sống bằng nghề săn bắt voọc.
Hồng thổ lộ: “Nhà em sát chân núi. Ngày nào cũng thấy voọc chạy xuống sát nhà đùa giỡn, tưởng vượn nên đặt bẫy và vào tận hang để bắt về bán, trang trải chi phí cho gia đình. Sau khi được anh Tú nói rõ đây là loài linh trưởng quý hiếm trong Sách đỏ, em mới biết và bỏ nghề luôn”.
Anh em chúng tôi lên đường, hướng thẳng dãy núi đá vôi sau nhà Hồng. Trên đường đi, Hồng hồ hởi: “Giờ này đàn voọc đang từ đỉnh núi di chuyển xuống tầng lá thấp đó anh”.
Tôi cười: “Sao chú biết?”. Hồng chỉ tay lên dãy núi đá vôi: “Dạ, khi di chuyển chúng hay gọi nhau bằng tiếng ọc… ọc. Buổi sáng, phía Tây rừng râm mát, voọc sang đó; chiều, phía Đông mát, voọc lại qua phía Đông”.
Đến nơi, tôi thấy rất rõ 5 con voọc đang thoăn thoắt chuyền cành. Hồng nói: “Hôm nay nắng gắt, voọc ít ra. Đa số nằm trong hang”. Rồi Hồng dẫn tôi trèo lên các tảng đá.
Lên độ cao khoảng 100 m thì tôi vã mồ hôi, khó thở. Nhìn lên vẫn còn thăm thẳm. Đá tiếp đá, dựng đứng.
Hồng bước thoăn thoắt trên các mỏm đá rồi ngoái đầu gọi: “Anh lên nổi không? Trong hang này voọc nhiều lắm”. Tôi ra hiệu không lên được. Hồng lại nhảy qua mấy mỏm đá, thoắt cái đã đến chỗ tôi, rồi giải thích: “Đơn giản anh à. Em thấy trước hang đá có nước vàng ố, là nước đái của voọc vừa chảy thấm ra”.
Tú tiếp lời: “Đàn voọc thấy hai ông không mang súng nên đến gần nó vẫn không chạy”. Hóa ra, họ hiểu voọc như hiểu người.
Kiên trì đi vận động
Tháng 5-2012, trung tá Bộ đội Biên phòng Nguyễn Thanh Tú khi tham gia làm nương rẫy giúp dân đã phát hiện mấy con vật này nên lần theo, thấy bẫy thú rừng giăng đầy và sau đó biết nhiều người dân địa phương vẫn ăn thịt chúng.
Qua tìm hiểu, Tú bất ngờ khi đây là loài động vật nguy cấp cần bảo vệ. Biết ở xã Đồng Hóa có anh Hồng là thợ săn, Tú gặp rồi kiên trì thuyết phục cùng mình tự nguyện bảo vệ đàn voọc. Rồi Tú vận động tiếp được 3 người nữa cùng tham gia. Tuy “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, chịu nhiều điều tiếng nhưng nhóm các anh vẫn kiên trì đi vận động từng hộ dân chung tay bảo vệ đàn voọc, ngày ngày leo núi tháo dỡ bẫy.
Đầu năm 2015, Tú báo với lực lượng kiểm lâm. Ông Phạm Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, đã trực tiếp về xác minh và công nhận dãy núi đá vôi này có đàn voọc đen gáy trắng sinh sống, nên đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về nghiên cứu, kiểm đếm được 86 con.
Cũng dịp này, TS Lê Trọng Trải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt, biết chuyện nên ghé về, tặng anh Tú chiếc ống nhòm để quan sát voọc.
Huyện, xã cùng vào cuộc
Công việc tiến triển hơn sau dịp ông Trần Công Thuật – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình, trực tiếp thị sát, đồng thời chỉ đạo bảo vệ và phát triển đàn voọc.
Rồi các cơ quan chuyên ngành, cả huyện và xã cùng vào cuộc. Phấn khởi nhất là việc Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển (CIRD) đồng ý hỗ trợ tài chính, xây dựng đề án bảo tồn.
“Xã chúng tôi đã thành lập tổ cộng đồng bảo vệ đàn voọc gồm 10 người, do một phó chủ tịch xã làm tổ trưởng, tổ phó là trưởng công an và xã đội trưởng. Xã tổ chức nhiều hội thảo bàn cơ chế bảo vệ voọc rồi tham mưu quy hoạch được 2.000 m2 đất để xây trụ sở cho cộng đồng bảo vệ đàn voọc, đồng thời kiến nghị cấp trên xây dựng chòi quan sát, ngắm voọc phục vụ du khách” – anh Phạm Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Hóa, hồ hởi nói.
“Chúng tôi rất vui khi đàn voọc ngày càng sinh sôi và phát triển. Mới đây, chúng tôi đã kiểm đếm bằng máy, phát hiện có 22 đàn với 156 cá thể. Đặc biệt, có 15 con non, trong đó có 2 con sơ sinh” – ông Ngô Văn Hồng, Giám đốc CIRD, thông báo.
Tạm biệt những người tâm huyết với đàn voọc, lòng tôi tràn ngập niềm vui Xuân, nhất là biết CIRD đã đề nghị vinh danh anh Nguyễn Thanh Tú tại hội nghị vinh danh tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn loài động vật hoang dã từ năm 2010-2020, sẽ tổ chức vào quý II/2021, tại TP Hà Nội.
Phải tạo cơ chế hoạt động Ông Cao Xuân Tín, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tuyên Hóa, tâm sự: “Tỉnh đã có quy hoạch điều chỉnh và phát triển 3 loại rừng. Trong đó có hơn 500 ha rừng đặc dụng của huyện Tuyên Hóa thuộc 4 xã: Thạch Hóa, Đồng Hóa, Sơn Hóa và Thuận Hóa. Vì thực tế đàn voọc di chuyển, sinh sống trong phạm vi trên. Điều này cũng đặt ra yêu cầu phải tạo cơ chế hoạt động cho các tổ cộng đồng tự quản bảo vệ đàn voọc. Hiện họ chưa được bảo đảm các quyền lợi và các điều kiện cần thiết trong việc bảo vệ đàn voọc”. |