Các chuyên gia, nhà khoa học đề xuất nhiều giải pháp giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do thiên tai, lũ quét, sạt lở đất gây ra tại miền Trung về trước mắt và lâu dài.
Tập trung trồng cây gây rừng
Ông Nguyễn Văn Quang, Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai chia sẻ: Trong năm vừa qua chúng ta đã chứng kiến những trận lũ quét, sạt lở đất rất khốc liệt tại miền Trung, ảnh hưởng nặng nề đến tính mạng và nhà cửa của đồng bào. Tuy nhiên phòng chống loại hình thiên tai này là một vấn đề nan giải đối với Việt Nam và các nước tiên tiến trên thế giới. Khó khăn ở cả 3 giai đoạn: Cảnh báo, ứng phó và khắc phục.
Về giải pháp, ông Quang cho rằng tùy điều kiện cụ thể tại địa phương mà đưa ra giải pháp đồng bộ phù hợp, kể cả biện pháp công trình và phi công trình, ứng dụng khoa học công nghệ, đồng thời nâng cao sự chủ động ứng phó, nhận thức của người dân và cộng đồng trong công tác phòng chống lũ quét, sạt lở núi; phát triển lực lượng xung kích phòng chống thiên tai ở cơ sở bảo đảm hiệu quả, phát hiện và ứng phó kịp thời các tình huống trước khi có lực lượng chi viện đến.
Liên quan đến vấn đề này, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam chia sẻ, tại buổi làm việc với lãnh đạo Hội ngày 27/10 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định “quy hoạch phải luôn đi trước một bước, từ đô thị đến nông thôn, miền núi. Quy hoạch không thể theo cảm tính”, cho thấy Thủ tướng rất quan tâm đến công tác quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, quy hoạch các khu dân cư đô thị, nông thôn và miền núi.
Theo Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, biến đổi khí hậu, lũ quét, sạt lở đất không thể lường trước được, vì vậy công tác quy hoạch là rất quan trọng. Chúng ta cần thận trọng lựa chọn địa điểm xây dựng khu dân từ đô thị đến nông thôn và miền núi, phải bảo đảm người dân từ vùng núi đến đồng bằng có nơi ở an toàn, yên ổn, cuộc sống và tài sản của mình được bảo đảm. Trước mắt, các cơ quan Trung ương và địa phương cần chỉ đạo, rà soát tất cả các khu dân cư ở miền núi hẻo lánh để có thể đưa ra những cảnh báo về những khu vực có thể xảy ra biến động về địa chất, thủy văn, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất…
“Về lâu dài, các địa phương cần có giải pháp hạn chế tối đa các tác động làm thay đổi trạng thái cân bằng tự nhiên của đồi, núi, sông, suối; hạn chế tự do nương rẫy, chặt phá cây và duy trì thảm thực vật, tán rừng. Vừa rồi Thủ tướng đưa ra giải pháp trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm, cho thấy Thủ tướng rất quan tâm đến vấn đề thảm thực vật. Một tỷ cây xanh ở đây không chỉ khu vực đô thị mà phải tập trung trồng cây gây rừng ở vùng núi.
Bên cạnh đó, khi triển khai các công trình như thủy điện, khu du lịch ở miền núi thì phải nghĩ đến lợi ích đồng bào và bảo đảm được sự toàn vẹn về vấn đề biến đổi khí hậu để giảm thiểu rủi ro, nếu không làm như thế thì chúng ta sẽ làm tăng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất”, ông Chính nói thêm.
Xây dựng bản đồ cảnh báo thiên tai
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, đại diện các địa phương Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Lâm Đồng và Quảng Ngãi đều cho rằng lũ quét, sạt lở đất là loại hình thiên tai xảy ra đột ngột thì giải pháp cơ bản và quan trọng là xây dựng bản đồ cảnh báo thiên tai phù hợp với đặc điểm thiên tai, điều kiện từng vùng, miền; xây dựng, lập bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, lũ ống với tỉ lệ phù hợp là cơ sở quy hoạch, bố trí dân cư, chủ động di dời, tái định cư.
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt sạt lở đất cần đạt được các mục tiêu: Vị trí có nguy cơ sạt lở, dự kiến quy mô, thời điểm có thể xảy ra sạt lở và triển khai cắm mốc cảnh báo cho chính quyền địa phương và người dân biết cùng thực hiện.
Nhằm nâng cao năng lực cảnh báo, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đề nghị cần tăng cường ứng các công nghệ tiên tiến dự báo lũ quét và sạt lở đất như công nghệ thông tin địa lý (GIS) và trí tuệ nhân tạo để dự báo sạt lở đất; công nghệ vệ tinh, không ảnh kết hợp trí tuệ nhân tạo trong theo dõi, giám sát và phòng chống lũ quét, sạt lở đất theo thời gian thực, giúp các địa phương miền Trung chủ động hơn trong phòng chống thiên tai, sạt lở đất.
Theo Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, biến đổi khí hậu, thiên tai, sạt lở đất ngày càng khốc liệt. Đây là thách thức đặt ra đối với các địa phương và các chuyên gia, nhà khoa học. Năm 2020 mưa lũ xảy ra với mức độ dị thường như vậy, liệu năm 2021 có tiếp tục hay không và xảy ra ở khu vực nào, mức độ ra sao?
Ở góc độ nhà quản lý, chúng tôi lo lắng và mong các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan Trung ương tiếp tục xem xét, tính toán giúp cho các địa phương sớm có giải pháp trước mắt và lâu dài mang tính bền vững để ngăn ngừa, giảm thiểu thiệt hại do thiên và phù hợp với đặc điểm cụ thể của từng địa phương, nhất là lối sống của đồng bào dân tộc thiểu số từng khu vực miền núi – ông Lê Trí Thanh nói.