Đề tài “Phục hồi và bảo tồn rùa biển tại Khu Bảo tồn biển (BTB) Cù Lao Chàm” mở ra cơ hội phục hồi và bảo tồn rùa biển Cù Lao Chàm, đóng góp vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học biển.
Nỗ lực phục hồi, bảo tồn
Qua 3 năm (2017 – 2020) triển khai đề tài “Phục hồi và bảo tồn rùa biển tại Khu BTB Cù Lao Chàm”, nhóm nghiên cứu đã đánh giá khảo sát tổng hợp các yếu tố liên quan tới rùa biển; xây dựng các giải pháp phục hồi, bảo tồn rùa biển Cù Lao Chàm… Nhóm đã thực hiện 6 đợt “chuyển vị” trứng rùa biển từ Vườn quốc gia Côn Đảo về bãi ấp nở tại Cù Lao Chàm. Có 36 tổ trứng (1.900 trứng) được “chuyển vị” tới Cù Lao Chàm. Trứng “chuyển vị” và tổ trứng làm đối chứng (22 tổ) được theo dõi các chỉ số: nhiệt độ, thời gian ấp, số trứng nở, trứng hỏng… Các đợt thả rùa con sau ấp nở, chăm sóc về với biển đã rất thành công.
Theo kỹ sư Nguyễn Văn Vũ (chủ nhiệm đề tài), rùa biển là động vật quý hiếm, có tên trong sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN). Rùa biển (vích và đồi mồi) được ghi nhận xuất hiện ở những bãi cát như: bãi Ông, bãi Bắc, bãi Bìm, bãi Chồng… của Cù Lao Chàm. Giai đoạn 2004 – 2010, mỗi năm có cả nghìn cá thể rùa bị khai thác bất hợp pháp. Số lượng lớn rùa biển bị mắc lưới, chủ yếu là lưới kéo, câu vàng, một số ít ở nghề lưới vây kết hợp ánh sáng khi rùa biển săn mồi bị vướng phải. Với nghề lưới rê 3 lớp, có hàng chục cá thể rùa bị mắc lưới mỗi năm và có xu hướng ngày càng tăng.
“Bên cạnh nâng cao nhận thức cho ngư dân, du khách và người dân về bảo vệ rùa biển, không săn bắt, tiêu thụ rùa biển, công tác cứu hộ rùa biển cần được chú trọng” – kỹ sư Vũ nói.
Kỹ sư Nguyễn Văn Vũ kiến nghị, tỉnh Quảng Nam và TP. Hội An cần điều chỉnh phân vùng, sửa đổi Quy chế Khu BTB Cù Lao Chàm có tính đến yếu tố bảo vệ rùa biển, điều chỉnh hoạt động của các khu du lịch trên bãi biển; hạn chế ngư cụ lưới 3 lớp hoạt động trong khu BTB, bảo vệ hệ sinh thái thảm cỏ biển, bảo vệ bãi đẻ rùa biển… Cần duy trì mạng lưới tình nguyện viên, đề xuất xây dựng mô hình trạm cứu hộ đặt tại khu vực Bãi Bắc, đảo Hòn Lao để cứu hộ rùa biển. |
Chính phủ đã ban hành chính sách và chương trình hành động bảo vệ rùa biển như: Kế hoạch hành động bảo tồn rùa biển Việt Nam giai đoạn 2016 – 2025 được ban hành theo Quyết định số 811/QĐ-BNN-TCTS năm 2016 của Bộ NN&PTNT. TP.Hội An cũng đã ban hành Kế hoạch số 2536/KH-UBND năm 2016 về hành động phục hồi và bảo tồn rùa biển tại Khu BTB Cù Lao Chàm giai đoạn 2016 – 2025, tầm nhìn 2040 với mục tiêu chủ yếu là bảo tồn “nguyên vị” và “chuyển vị” các loài rùa biển tại Cù Lao Chàm. Trong đó, nội dung “chuyển vị” trứng rùa biển từ Vườn quốc gia Côn Đảo về Khu BTB Cù Lao Chàm bổ sung nguồn giống ban đầu là nhiệm vụ trong kế hoạch.
“Chúng tôi đã tích cực đề xuất các giải pháp về điều chỉnh phân vùng, sửa đổi, bổ sung Quy chế Khu BTB Cù Lao Chàm; thiết lập, vận hành mạng lưới tình nguyện viên bảo vệ rùa biển; xác định khu vực làm bãi đẻ; nâng cao năng lực bảo tồn rùa biển cho cộng đồng; đề xuất xây dựng trung tâm ứng cứu rùa biển. Đây là cơ sở, nền tảng phục hồi, bảo tồn rùa biển” – kỹ sư Vũ nói.
Vào cuộc mạnh mẽ
Nhóm nghiên cứu chỉ ra, ngoài việc bị săn bắt trái phép, tình trạng rùa biển bị mắc lưới không được cứu hộ kịp thời là tác nhân khiến đàn suy giảm. Số lượng phương tiện hoạt động trong vùng BTB Cù Lao Chàm rất lớn (737 phương tiện), tập trung ở 16 xã ven biển (609 phương tiện) và 128 phương tiện hoạt động nghề giã cào. Tác động từ hoạt động du lịch ở các bãi cát Cù Lao Chàm đến rùa biển cũng rất lớn. Có khoảng 87% diện tích ở bãi cát Cù Lao Chàm đã bị tác động bởi con người, còn 13% diện tích giữ được bãi cát hoang sơ phù hợp cho rùa đẻ trứng (bãi Bắc)…
“Cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm đối với phương tiện hoạt động nghề lưới kéo, lưới vây xung quanh vùng biển Cù Lao Chàm mở đường cho rùa biển quay về. Cần có kế hoạch di dời, thu hồi dự án đầu tư du lịch tại bãi Bắc để quy hoạch cho khu vực bảo tồn rùa biển, vì nơi đây hội đủ điều kiện và còn sót lại khu vực đủ điều kiện làm bãi đẻ cho rùa biển trong tự nhiên” – kỹ sư Vũ nói.
Bà Lê Thủy Trinh – Phó Giám đốc Sở KH-CN ghi nhận, nỗ lực của nhóm nghiên cứu trong công tác “chuyển vị” rùa biển, ấp nở, đưa rùa con về với biển rất lớn và có thể nói quá thành công. Cần tiếp tục đầu tư, duy trì các chương trình, dự án tiếp theo. Với giải pháp xây trạm cứu hộ rùa biển hay tạo bãi đẻ của rùa, nhóm nghiên cứu cần hoàn thiện, đảm bảo tính khoa học với những tiêu chí cụ thể, rõ ràng để đề xuất tỉnh. Hoàn thiện quy trình “chuyển vị” rùa biển, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ về quy trình. Kêu gọi thành lập quỹ bảo tồn rùa và các sinh vật biển, có cơ chế khen thưởng, động viên người dân, tổ chức làm tốt việc tham gia công tác cứu hộ rùa biển và nhiều động vật quý hiếm khác.