Theo bản tin dự báo của Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, Trung Quốc giảm xả nước từ thủy điện xuống hạ lưu từ ngày 5- 24/1/2021 để bảo trì lưới điện, lưu lượng xả ra từ thủy điện Cảnh Hồng xuống hạ lưu sẽ giảm xuống còn khoảng 1000 m3/s, giảm 904 m3/s so với trước đó.
Đây được xem là yếu tố bất lợi cho sản xuất trên ĐBSCL khi lượng trữ trong Biển Hồ (Tonle Sap) và dòng chảy đến trạm Kratie (Campuchia)- đầu châu thổ Mekong đang giảm nhanh.
Tại đầu nguồn ĐBSCL, mực nước lớn nhất ngày 7/1 tại trạm Tân Châu đạt 1,65m (cao hơn 0,52m so với năm 2016 và cao hơn 0,55m so với năm 2020). Tại Châu Đốc đạt 1,78m (cao hơn 0,55m so với năm 2016 và cao hơn 0,54m so với năm 2020).
Dự báo, nguồn nước mùa khô năm 2020- 2021 về vùng ĐBSCL qua trạm Kratie xấp xỉ so với trung bình 10 năm gần đây, lưu lượng bình quân tháng 1/2021 cao hơn so với năm 2016 và tháng 2 thấp hơn so với năm 2016.
Việc giảm xả thủy điện Trung Quốc với thời gian kéo dài 20 ngày ở tháng 1, sẽ ảnh hưởng đến ĐBSCL vào cuối tháng 1 và đầu tháng 2, dự báo hết ảnh hưởng ra đến biển tới 25/2/2021 và mặn lên cao nhất từ ngày 8- 16/2/2021, đúng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu. Độ mặn 4g/l có thể xâm nhập vào sâu trên dòng chính, các cửa sông Cửu Long từ 50- 70km và từ 85- 95km trên sông Vàm Cỏ.
Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam khuyến cáo, các địa phương vùng ĐBSCL cần chủ động các biện pháp phòng chống hạn mặn này từ bây giờ, như: vận hành hệ thống công trình hợp lý, tăng cường khả năng lấy nước ngay khi có thể, hạn chế tiêu thoát, đảm bảo tích trữ nước trước khi các ảnh hưởng gia tăng từ thượng nguồn về; đồng thời giám sát chặt chẽ, thường xuyên xâm nhập mặn để điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với các diễn biến nguồn nước.
Việc tăng cường các giải pháp tích nước vào hệ thống kinh, mương, ao, các dụng cụ trữ khác ngay từ bây giờ đến 7/2/2021 rất cần thiết, góp phần hạn chế thiệt hại do đợt mặn tăng cao từ ảnh hưởng của giảm xả nước hồ chứa phía thượng lưu.