Bất cập chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng

Tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã góp phần hỗ trợ cho chủ rừng có kinh phí quản lý bảo vệ rừng; hỗ trợ các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng khi dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên và hỗ trợ kịp thời cho người dân.

Lợi ích thấy rõ

Mường Tè là huyện có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất tỉnh Lai Châu với hơn 173.600ha, do đó, công tác bảo vệ rừng luôn được huyện chú trọng. Chính sách chi trả DVMTR được huyện triển khai giúp người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập từ rừng.

Chính sách chi trả DVMTR đúng đắn xuất phát từ thực tiễn giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng. Người dân trong bản không còn chặt phá rừng làm nương rẫy, lấy củi tươi, không đốt rừng… Nhờ rừng, đời sống bà con càng được cải thiện và từ đó ý thức bảo vệ rừng nâng cao.

Số tiền chi trả DVMTR cho các hộ dân ở huyện Mường Tè hàng năm đều tăng lên. Như xã Tà Tổng hơn 14 tỷ đồng, Pa Vệ Sử 11 tỷ đồng, Mù Cả hơn 22 tỷ đồng, xã Pa Ủ gần 13 tỷ đồng… Từ việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã tác động tích cực đến bảo vệ và phát triển rừng. Trong năm 2019 đã trồng mới được hơn 227ha và khoanh nuôi tái sinh được hơn 6.600ha.

Điện Biên là tỉnh đứng thứ ba toàn quốc về nguồn thu từ chi trả DVMTR. Đến nay, Điện Biên đã giao khoán bảo vệ rừng cho hơn 4.000 nhóm hộ, hộ gia đình, cá nhân của 80 cộng đồng dân cư thôn, bản vùng đệm, với tổng diện tích rừng tự nhiên trên 39.000ha.

Theo lãnh đạo tỉnh Điện Biên, Từ khi chính sách chi trả DVMTR theo Nghị định 99/ND-CP của Chính phủ được triển khai, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Điện Biên có nhiều chuyển biến rõ nét; bà con có thu nhập ổn định (trung bình 3 triệu đồng/hộ/năm), góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Theo báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF), năm 2020, tổng diện tích rừng được hỗ trợ quản lý bằng tiền DVMTR là 6,5 triệu ha, chiếm 44% tổng diện tích rừng toàn quốc, trong đó 2,7 triệu ha của chủ rừng là tổ chức khoán quản lý bảo vệ cho 30.233 cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng, nhóm hộ và tổ chức khác.

(Ảnh minh họa: TNN)

Về kết quả thu chi tiền trồng rừng thay thế, từ năm 2015 đến nay, VNFF đã tiếp nhận 11,5 tỷ đồng tiền trồng rừng thay thế các tỉnh Bình Dương, Hà Nam để ủy thác trồng rừng tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang và Bắc Kạn.

Luật Lâm nghiệp quy định các loại DVMTR bao gồm: Bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối; điều tiết, duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội; hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh; bảo vệ, duy trì vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng cho kinh doanh dịch vụ du lịch; cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn, con giống tự nhiên, nguồn nước từ rừng và các yếu tố từ môi trường, hệ sinh thái rừng để nuôi trồng thủy sản. Nhưng thực tế nguồn thu của các loại hình dịch vụ này mới tập trung chủ yếu vào hai loại chính là thủy điện và du lịch. Hai loại DVMTR mới là cơ sở sản xuất công nghiệp và dịch vụ nuôi trồng thủy sản thì mới được áp dụng để triển khai rộng rãi trên phạm vi toàn quốc.

 

Khó khăn nhiều

Tuy vậy, theo phản ánh của ngành lâm nghiệp các địa phương, hiện nay, tại nhiều nơi, công tác thu phí DVMTR để chi trả cho các hộ nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể như việc áp dụng cách thanh toán tiền dịch vụ môi trường rừng theo lưu vực các thủy điện chứ không theo hình thức chi trả theo lưu vực sông như trước kia đang tạo ra sự chênh lệnh khá lớn giữa các khu vực. Cụ thể, số tiền chi trả cho 1 ha cao nhất là 2.738.700đ/ha, thấp nhất là 1.650đ/ha, mức chênh lệch lên đến gần 1.660 lần. Chính điều này đã tạo nhiều sự so sánh giữa nhân dân từng khu vực.

Bên cạnh đó, năng lực sử dụng DVMTR của ngành thủy điện vẫn là chủ yếu, trong khi tại nhiều địa phương có rừng, do không có doanh nghiệp thủy điện sử dụng dịch vụ nên không có khoản thu. Mặt khác, ngoài số ít địa phương có các doanh nghiệp thủy điện lớn, thì còn lại hầu hết là nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, công suất thấp nên tiền đóng góp cho DVMTR không nhiều.

Để đẩy mạnh công tác trồng rừng sản xuất, nhiều hộ gia đình phải vay vốn ngân hàng, trong khi việc thu hồi vốn đối với rừng sản xuất khá lâu, có khi còn gặp rủi ro do thiên tai, cháy rừng…

Bên cạnh đó, tình trạng nợ đọng của nhiều đơn vị sử dụng môi trường rừng. Như tại Sơn La có 60 đơn vị sử dụng môi trường rừng, trong đó có 58 nhà máy thủy điện, 2 cơ sở cung ứng nước sạch, tuy nhiên số lượng nợ đọng lên đến 1/3, điều này gây nhiều khó khăn cho việc đảm bảo nguồn quỹ chi trả dịch vụ môi trường rừng hàng năm.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng Đặng Hùng Chương, hiện tỉnh có hơn 670.000ha rừng, trong đó có 218.000ha rừng sản xuất, chủ yếu được giao cho các hộ dân và cộng đồng dân cư. Toàn tỉnh chỉ có hơn 10 tỷ đồng mỗi năm từ Quỹ DVMTR, cho nên với việc chi trả mức nhận khoán khoảng 400.000đ/ha/năm đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của người dân nếu họ không có thêm nghề phụ.

Do đó, các tỉnh đã phải chỉ đạo các địa phương có rừng, tập trung tạo nguồn giống cây có chất lượng, năng suất cao để phục vụ công tác trồng rừng mới và trồng rừng thay thế.

Sau lệnh đóng cửa rừng tự nhiên của Chính phủ, một số nơi, từ tập quán vào rừng khai thác gỗ làm củi, cây thuốc nam để tăng thu nhập, nay đã chuyển sang chăm sóc, bảo vệ rừng, nuôi gia súc, gia cầm dưới tán cây rừng và trồng xen canh cây dược liệu.

Cũng như tỉnh Cao Bằng, hiện nhiều địa phương khác như Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hà Giang… cũng gặp khó khăn tương tự. Các hộ gia đình nhận khoán bước đầu đã phát triển thêm các nghề phụ như trồng cây dược liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm… trong khu vực rừng nhận khoán để nâng cao thu nhập.