Các resort này nằm trên các đảo thuộc vịnh Lan Hạ được đầu tư theo hình thức liên kết giữa các doanh nghiệp với Trung tâm Dịch vụ du lịch và giáo dục môi trường của Vườn quốc gia Cát Bà từ nhiều năm trước.
Ngày 11-1, Thanh tra Sở Xây dựng TP Hải Phòng cho biết đã tiến hành kiểm tra, thiết lập hồ sơ vi phạm để xử lý phá dỡ các công trình du lịch của bảy doanh nghiệp (DN) đầu tư trên các hòn đảo thuộc địa phận Vườn quốc gia Cát Bà.
Những resort trên vịnh Lan Hạ
Nằm trên vòng cung mặt sau Đảo Khỉ, cách Bến Bèo chừng hơn chục phút đi xuồng, khu resort Monkey Island nhiều năm nay đã khá nổi tiếng. Khu du lịch (KDL) này được Công ty cổ phần Du lịch Đảo Cát Dứa đầu tư thí điểm trên cơ sở liên kết với Trung tâm Dịch vụ du lịch và giáo dục môi trường của Vườn quốc gia Cát Bà tại mặt sau Đảo Khỉ thuộc phân khu phục hồi sinh thái Vườn quốc gia Cát Bà từ năm 2009. Trải qua gần chục năm đầu tư xây dựng, khu hoang đảo đã biến thành khu resort trải rộng trên diện tích 100 ha với một nhà sàn, 29 phòng nghỉ kiểu bungalow thu hút được khá nhiều du khách quốc tế.
Cùng trên Đảo Khỉ, tại bãi Cát Dứa 1, Công ty cổ phần Du lịch Đảo Cát Bà cũng đã liên kết đầu tư các công trình phục vụ du lịch. DN này đã sử dụng khoảng 100 ha đất, trong đó xây dựng các công trình trên diện tích 5.000 m2 với một nhà sàn, quầy bar, nhà vệ sinh, nhà tắm tráng, kè bãi biển, phục vụ khách du lịch từ năm 2012.
Tại bãi Tai Kéo trên vịnh Lan Hạ, từ năm 2010, Trung tâm du lịch Vườn quốc gia Cát Bà đã cho Công ty TNHH Đảo Cát đầu tư xây dựng KDL sinh thái nhằm ngăn chặn tình trạng người dân xây dựng khu chế biến sứa, nơi thờ cúng trái phép. Công ty TNHH Đảo Cát xây dựng mô hình du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn trên diện tích khoảng 45 ha, tới năm 2017 đã đón khách tham quan.
Ngoài ra, trên vịnh Lan Hạ còn có ba DN khác đầu tư xây dựng các KDL như KDL nghỉ dưỡng Nam Cát (đảo Nam Cát), KDL bãi Tháp Nghiêng (Hòn Ba Cát Bằng), KDL Vạn Bội (đảo Vạn Bội). Ngoài ra, tại khu Vườn Vải thuộc phân khu hành chính, Vườn quốc gia Cát Bà cũng đã liên kết cho Công ty cổ phần Thương mại Thanh Bình xây dựng hàng loạt công trình nhà sàn, phòng nghỉ.
Trên các trang web du lịch, các địa danh Vạn Bội, Đảo khỉ, Tháp Nghiêng là những khu resort tạo điểm nhấn cho vịnh Lan Hạ thu hút du khách quốc tế.
Tiêu điểm
Liên quan tới sai phạm trong liên kết đầu tư, theo UBND TP Hải Phòng, từ tháng 8-2019, Cơ quan CSĐT Công an TP Hải Phòng đã khởi tố vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ xảy ra tại Vườn quốc gia Cát Bà. Nguyên giám đốc, phó giám đốc vườn quốc gia liên quan tới các sai phạm này đã bị bố trí công tác khác để phục vụ điều tra. |
Tháo dỡ vì đầu tư khi chưa được phê duyệt
Ông Phạm Văn Thương, nguyên Phó Giám đốc Vườn quốc gia Cát Bà, cho rằng nhờ có các điểm du lịch thí điểm này mà vịnh Lan Hạ của Cát Bà từ chỗ không mấy người biết đến đã nổi danh trên bản đồ du lịch quốc tế.
Theo ông Thương, các KDL này được hình thành theo chủ trương cho thuê môi trường rừng của UBND TP Hải Phòng từ năm 2009. Cán bộ Vườn quốc gia Cát Bà phải chạy đôn chạy đáo tìm đối tác ra xây dựng KDL ở các hoang đảo để có được các khu nghỉ dưỡng hiện nay. Các hoạt động liên kết này đều được Sở NN&PTNT TP Hải Phòng có ý kiến chấp thuận cho thí điểm.
Tuy nhiên, theo UBND TP Hải Phòng, từ cuối năm 2016, TP đã có văn bản chỉ đạo Vườn quốc gia Cát Bà dừng các hoạt động liên doanh liên kết này. Sau đó, Vườn quốc gia Cát Bà đã có thông báo và làm thủ tục chấm dứt liên kết nhưng các DN vẫn tiếp tục hoạt động. Cơ quan chức năng của TP Hải Phòng đã vào cuộc xác minh, xác định các hoạt động liên doanh liên kết này có dấu hiệu sai phạm.
Cụ thể, các DN liên kết đầu tư khi chưa có dự án được được cấp có thẩm quyền quyết định chấp thuận đầu tư là trái với quy định về quản lý đầu tư xây dựng công trình. Việc đầu tư xây dựng không được cấp phép xây dựng, không có hồ sơ pháp lý về dự án đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng. Các DN còn xây dựng thêm các hạng mục không có trong cam kết liên kết, xây dựng công trình bằng vật liệu bê tông cốt thép…
Bên cạnh đó, Vườn quốc gia Cát Bà đã không lập dự án đầu tư, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt khi tổ chức du lịch sinh thái là trái với pháp luật bảo vệ rừng. Sở NN&PTNT đã không báo cáo UBND TP mà đã có văn bản nhất trí cho thực hiện thí điểm là trái thẩm quyền.
Trước đề nghị muốn được hoàn thiện thủ tục dự án đầu tư của các DN, ngày 18-12-2020, UBND TP Hải Phòng đã có văn bản nêu rõ việc xây dựng các công trình tại Vườn quốc gia Cát Bà là vi phạm pháp luật, không phù hợp quy hoạch nên không xem xét đề nghị này.
Theo chỉ đạo của UBND TP, Thanh tra Sở Xây dựng, Sở NN&PTNT, UBND huyện Cát Hải đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với bảy KDL này về hành vi xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng và khởi công khi chưa đủ điều kiện. Tuy nhiên, hành vi này đã hết thời hiệu nên cơ quan chức năng ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, yêu cầu các DN tự tháo dỡ, nếu không sẽ cưỡng chế.
Sẵn sàng thực hiện theo yêu cầu của TP
Trao đổi với PV, ông Nguyễn An Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Thanh Bình, chủ đầu tư khu Vườn Vải, cho biết có DN thực hiện liên kết liên doanh với vườn quốc gia làm các điểm du lịch 10-20 năm. Tới năm 2017, TP có quyết định cho thuê môi trường rừng để làm du lịch nhưng sau đó TP lại thu hồi quyết định. Theo ông Bình, nhiều chuyên gia đã ra tận nơi và đánh giá việc làm KDL ở đây không phá hủy môi trường mà thậm chí còn được tôn tạo đẹp hơn. Một số khu còn được giải vàng quốc tế. “TP nói thu hồi để trồng cây, trong khi các điểm DN chúng tôi làm đều đã được quy hoạch từ những năm 2012 của TP. Quan điểm của DN chúng tôi là nếu TP tháo dỡ phục vụ vào một mục đích nào chính đáng thì chúng tôi sẵn sàng. Nếu lấy cho DN khác thì phải cho hai bên gặp gỡ trao đổi. Còn nếu có các tiêu chí làm đẹp hơn thì chúng tôi sẵn sàng làm theo yêu cầu của TP” – ông Bình nói. |