Một hợp đồng cho thuê lại tại Khu bảo tồn động vật hoang dã quốc gia Bắc Cực (ANWR) ở Alaska được ấn định vào ngày 6/1/2021. Nhưng những người đề xuất khoan dầu đang phải đối mặt với khó khăn kinh tế.
Được thành lập năm 1960 dưới thời Tổng thống Dwight D. Eisenhower và được mở rộng năm 1980 dưới thời Tổng thống Jimmy Carter, ANWR là hệ sinh thái hoang dã nguyên sơ lớn nhất ở Hoa Kỳ. Cuộc chiến kéo dài 40 năm qua diễn ra trên vùng đồng bằng ven biển, nơi có thể chứa hàng tỷ thùng dầu nhưng cũng là vùng giới ủng hộ môi trường gọi là “trái tim sinh học” của khu bảo tồn, là nơi sinh sản của tuần lộc, gấu Bắc Cực và là sinh cảnh quan trọng của nhiều loài hơn 200 loài khác bao gồm ngỗng tuyết và nhiều loài chim di cư.
Hiện giới chức Hoa Kỳ đang cố gắng cho phép khoan dầu trên vùng đồng bằng ven biển này. Thử nghiệm địa chấn có thể bắt đầu từ ngày 21/1/2021 – vào giữa mùa sinh sản của quần thể gấu Bắc Cực bị đe dọa cao nhất ở Bắc Cực. Thử nghiệm sẽ gồm một đội xe tải hạng nặng băng qua vùng lãnh nguyên mong manh, làm rung lắc mặt đất để tạo ra sóng địa chấn tìm kiếm dầu mỏ.
Tuy nhiên, có lý do chính đáng để nghi ngờ việc khoan dầu ở ANWR có thể diễn ra sớm bởi không chỉ vì các thủ tục phức tạp mà quan trọng hơn là tình tình kinh tế đang đi ngược với việc khoan dầu ở Bắc Cực. Giá dầu thấp, chi phí khoan cao và sau một năm với nhiều trận hỏa hoạn, lũ lụt, sóng nhiệt, bão trên khắp thế giới, giới đầu tư lo ngại về rủi ro khí hậu đang gia tăng. Tất cả những điều đó có thể đã thay đổi cách tính toán của các công ty dầu khí.
“Những gì chúng ta làm ở đây gây tác động toàn cầu”, theo Brook Brisson, Luật sư đại diện cho Gwich’in Steering Committee trong các vụ kiện hiện tại. “Các loài chim, kiểu thời tiết, đường bờ biển. Tất cả đều bị biến đổi khí hậu ảnh hưởng trong bốn năm qua. Bảo vệ hệ sinh thái hiện có mang lại giá trị thực sự, đặc biệt là bảo vệ khí hậu”.
Cơ quan phát triển công nghiệp của Alaska lo ngại về việc ngành dầu khí thiếu quan tâm tới ANWR đến nỗi ngay trước Giáng sinh, cơ quan này ủy quyền cho giám đốc chi 20 triệu đô la cho bất kỳ khu vực nào chưa được thuê để đảm bảo tìm được đối tác khoan dầu. Trong một bài bình luận trên Anchorage Daily News, cựu thống đốc kiêm cựu thượng nghị sĩ Frank Murkowski lập luận rằng đây có thể là cơ hội cuối cùng của bang để mở cửa khu bảo tồn cho hoạt động khoan dầu.
Chính trị gặp kinh tế
Trong nhiều thập kỷ, Murkowski và các chính trị gia khác của Alaska coi khu bảo tồn là phần mở rộng của Vịnh Prudhoe – mỏ dầu lớn nhất của Mỹ và là con bò sữa của tiểu bang đã suy giảm đều đặn kể từ năm 1988. Năm 2017, Thượng nghị sĩ Lisa Murkowski (con gái Frank Murkowski) lách quy định để đưa 2 hợp đồng cho thuê lại có diện tích ít nhất 400.000 mẫu Anh mỗi khu tại ANWR vào dự luật cắt giảm thuế liên bang. Theo ước tính, mỏ dầu có thể tạo ra doanh thu 100 tỷ USD cho liên bang.
Những tính toán đó giả định có ít nhất 7 tỷ thùng dầu ở ANWR với mức giá hơn 78 USD/thùng. Giá hiện tại là 47 đô la và không ai thực sự biết có bao nhiêu dầu nằm dưới vùng đồng bằng ven biển đó.
Dựa trên một cuộc khảo sát địa chấn duy nhất được thực hiện vào giữa những năm 1980 và kết quả từ các giếng khoan bên ngoài khu bảo tồn, Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ ước tính nơi này có trữ lượng từ 4,3 tỷ đến 11,8 tỷ thùng dầu “có thể thu hồi về mặt kỹ thuật”. Tuy nhiên, bao nhiêu trong số này có thể thu hồi được về mặt kinh tế lại là một vấn đề khác.
Tại Hội nghị tài nguyên Alaska thường niên được tổ chức trực tuyến vào tháng 11/2020, Chủ tịch ConocoPhillips Alaska Joe Marushack thông báo rằng lần đầu tiên không có giàn khoan nào đang hoạt động trên North Slope trong suốt lịch sử 60 năm. ConocoPhillips là công ty dầu mỏ lớn nhất ở Alaska, nắm nhiều cổ phần ở Prudhoe và trong National Petroleum Reserve -Alaska (NPR-A).
“Sẽ vẫn tiếp tục có nhu cầu thăm dò và phát triển dầu khí ở North Slope”, Giám đốc điều hành ExxonMobil Alaska Darlene Gates trấn an. “Điều quan trọng là không từ bỏ tư duy phát triển”. Nhưng sau đó Darlene Gates đưa ra biểu đồ so sánh lợi nhuận ước tính từ đầu tư vào các mỏ dầu trên khắp thế giới: Vịnh Mexico, Biển Bắc, Angola rồi North Slope. Dầu Alaska cho đến nay ít sinh lời nhất do chi phí sản xuất cao.
Gates hỏi: “Với tư cách là nhà đầu tư, bạn sẽ đặt tiền của mình vào đâu?”.
BP trả lời câu hỏi đó vào mùa hè 2020 bằng việc bán sạch tài sản ở Alaska – sau 60 năm ở bang này – cho công ty tư nhân Hilcorp, Inc., có trụ sở tại Houston, chuyên khai thác những mỏ dầu đang cạn kiệt. Trong số những tài sản đó có các hợp đồng thuê đất nằm trong ANWR nhưng thuộc sở hữu bản địa của Tập đoàn Kaktovik Inupiat.
Giếng thử nghiệm duy nhất từng được khoan ở khu bảo tồn (từ đầu những năm 1980) là một trong những hợp đồng đó, và kết quả được coi là bí mật được bảo vệ chặt chẽ nhất trong ngành dầu mỏ. Năm 2006, dựa trên nhiều nguồn có quyền truy cập vào dữ liệu của giếng dầu, báo chí điều tra được rằng giếng này là một “giếng khô”. Các giám đốc điều hành của BP chắc chắn biết rõ tình hình giếng dầu và đang trên đà phát triển hợp đồng thuê đất ở đó lần đầu tiên sau 40 năm, và họ đã bỏ đi.
Phó giáo sư kinh tế Mouhcine Guettabi thuộc Đại học Alaska thẳng thắn: “Nếu ai đó đang vì lợi ích tốt nhất của chính mình thì sẽ phải tự hỏi điều gì diễn ra ở đó, nhất là khi không có sự chắc chắn nào về lượng dầu”.
Thậm chí còn bất định hơn là làm cách nào các công ty dầu mỏ có đủ tài chính cho dự án phát triển trị giá hàng tỷ đô la ở ANWR – nơi không có cơ sở hạ tầng hoặc đường ống dẫn dầu ra khỏi khu bảo tồn. Hơn 60 định chế tài chính trên khắp thế giới đã cam kết hạn chế hoặc ngừng tài trợ cho hoạt động thăm dò dầu khí ở Bắc Cực, trong đó bao gồm 5 ngân hàng lớn nhất Hoa Kỳ. Một trong số đó là Goldman-Sachs và một nhà phân tích năng lượng cấp cao của ngân hàng này nói với CNBC vào năm 2017 rằng “chúng tôi nghĩ rằng hầu như không có lý do hợp lý cho việc thăm dò dầu khí ở Bắc Cực”.
Băng vĩnh cửu tan và đô la cũng… tan chảy
Những thách thức về tài chính đối với việc khoan dầu tại bất kỳ nơi nào ở Bắc Cực bắt nguồn từ những thách thức mang tính vật lý ngày càng tăng do sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Bắc Cực đang nóng lên nhanh gấp đôi so với phần còn lại của hành tinh, biến lớp vùng đất toàn băng vĩnh cửu cứng như đá thành nơi đầy hồ, hố phễu và đầm lầy than bùn vào mùa hè. Tháng 6/2020, sau nhiều tuần nhiệt độ cao kỷ lục lên tới hơn 38oC, một bể chứa nhiên liệu diesel khổng lồ ở thành phố Norilsk thuộc Siberi chìm xuống lãnh nguyên và bị vỡ, làm tràn 21.000 tấn nhiên liệu (gần bằng 1/2 lượng nhiên liệu do tàu chở dầu Exxon Valdez làm tràn ra ngoài khơi Alaska năm 1989) và gây ra vụ tràn dầu lớn nhất trong lịch sử hiện đại của Nga.
Hầu hết cơ sở hạ tầng dầu khí ở Bắc Cực thuộc Nga, chẳng hạn như mỏ khí đốt Bovanenkova khổng lồ trên bán đảo Yamal được xây dựng trên đỉnh lớp băng vĩnh cửu giống như ở North Slope thuộc Alaska. Nhà nghiên cứu về băng vĩnh cửu Vladimir Romanovsky thuộc Đại học Alaska Fairbanks cho biết: “Nếu lớp băng này tan ra, cảnh quan sẽ thay đổi đáng kể. Sẽ có sụt lún nghiêm trọng, từ 10 mét trở lên trên Bán đảo Yamal. Tất cả các tòa nhà lớn ở Bovanenkova đều được xây dựng trên một hệ thống lạnh gồm các đường ống nằm ngang giúp mặt đất đóng băng. Việc đó thực sự tốn kém. ANWR có cùng kiểu địa chất”.
Cách đây vài năm, một nhóm nghiên cứu khí hậu đã cố gắng mô hình hóa xem chúng ta phải không đốt cháy bao nhiêu lượng dự trữ nhiên liệu hóa thạch trên thế giới để giữ cho toàn cầu nóng lên dưới 2°C – ngưỡng biến đổi khí hậu nguy hiểm được chấp nhận rộng rãi. Họ kết luận rằng phải giữ lại 80% lượng than còn lại của thế giới, 1/2 khí đốt tự nhiên và 1/3 trữ lượng dầu hiện tại nằm trong lòng đất. Theo giải pháp tối ưu về mặt kinh tế, điều này sẽ bao gồm toàn bộ dầu khí siêu đắt đỏ ở Bắc Cực. Hầu hết những nước tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch lớn nhất thế giới đã cam kết cắt giảm sâu việc sử dụng theo Thỏa thuận khí hậu Paris, vì thế nhu cầu dài hạn về dầu bị nghi ngờ.
Tuy nhiên, quốc gia thu được một phần khá lớn GDP và ảnh hưởng quốc tế từ các nguồn năng lượng ở Bắc Cực là Nga đang đi theo hướng ngược lại.
Cựu quan chức quốc phòng cấp cao Sherri Goodman và hiện là thành viên cấp cao tại Viện Bắc Cực thuộc Trung tâm Wilson cho biết: “Trong kỷ nguyên khí hậu mới, ngày càng nhiều quốc gia đặt ra mục tiêu rút khỏi khai thác dầu khí. Nếu là một nhà hoạch định năng lượng của Nga đang nhìn vào viễn cảnh nhu cầu ít hơn trong những thập kỷ tới, bạn sẽ thúc đẩy sử dụng khí đốt để sản xuất càng nhiều càng tốt nhằm không bị mắc kẹt tài sản ở Bắc Cực”.
Bang thứ 50 cũng gặp vấn đề tương tự.
Mắc kẹt ở Alaska
Ở Alaska, tiểu bang duy nhất không có thuế thu nhập cũng như thuế bán hàng, ngân sách tiểu bang phụ thuộc rất nhiều vào thuế dầu mỏ. Khi giá dầu bắt đầu trượt dốc vào năm 2014, Alaska rơi vào cuộc suy thoái dài nhất trong lịch sử, theo Guettabi. Trong sáu năm qua, tiểu bang gần như cạn kiệt “quỹ dự phòng” và buộc phải cắt giảm các dịch vụ công cũng như cắt giảm các khoản chi phiếu hàng năm mà người Alaska nhận được từ Quỹ Permanent Fund trị giá 71 tỷ đô la – cũng bắt nguồn từ dầu mỏ.
Trong khi đó, các công ty dầu mỏ cắt giảm hơn một nửa lao động ở Alaska, từ 15.000 người năm 2015 xuống còn 6.900 năm 2019. Và đó là trước khi đại dịch xảy ra, đẩy thêm 40.000 người Alaska mất việc làm. Mặc dù trải qua nhiều thăng trầm kể từ khi dầu bắt đầu chảy xuống Đường ống xuyên Alaska năm 1977, tiểu bang này chưa thể dứt khỏi dầu mỏ.
Theo cựu giám đốc Citigroup Tim Buckley và hiện thuộc Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính, nếu tiểu bang chi 20 triệu đô la để mua lại các hợp đồng thuê ANWR – về cơ bản là cho hoạt động kinh doanh dầu mỏ – thì đó sẽ là một khoản đầu tư kém hiệu quả.
Buckley theo dõi các công ty đầu tư – tài chính cam kết chấm dứt đầu tư vào các dự án dầu khí ở Bắc Cực và trong một báo cáo đưa ra gần đây đã tính toán rằng quản lý quỹ lớn nhất thế giới với tài sản hơn 7 nghìn tỷ đô la Blackrock mất 90 tỷ đô la từ các khoản đầu tư vào dầu khí. Tháng 11/2020, Giám đốc điều hành của Blackrock Larry Fink dự đoán về một “cơn sóng thần thay đổi” trong tái phân bổ tài sản khi các nhà đầu tư bỏ chạy khỏi nhiên liệu hóa thạch.
“Kinh tế học đang minh chứng rõ điều này. Giá cổ phiếu Exxon giảm 40% trong lúc thị trường nói chung tăng 15% và năng lượng tái tạo tăng 8%. Khi giá dầu chạm mức 0 đô la vào tháng 4, họ mất 1/2 giá trị vốn hóa thị trường chỉ trong 4 tháng. Và đó không chỉ là Exxon. Đó là BP, Total, Chevron. Khả năng sinh lời bốc hơi tại một loạt các công ty năng lượng”.
Buckly cho biết một phần nhu cầu đó sẽ trở lại sau đại dịch nhưng tin rằng tương lai cho nhiên liệu hóa thạch và đặc biệt là dầu khí ở Bắc Cực không mấy sáng sủa. Họa vô đơn chí, công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới Lloyd’s cũng mới cam kết sẽ ngừng bảo hiểm cho bất kỳ dự án năng lượng mới nào ở Bắc Cực từ tháng 1/2022 và chấm dứt tất cả các chính sách tương tự vào năm 2030. Điều đó sẽ khiến việc cấp vốn cho những cam kết này thậm chí còn khó khăn hơn.
Buckley phân tích: “Thị trường tài chính rất giỏi trong việc đánh giá rủi ro. Và những gì họ đang nói với chúng tôi là bạn sẽ mất tiền khi đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch. Bạn mất một số tiền rất lớn. Vậy tại sao với tư cách là một nhà đầu tư khôn ngoan, bạn lại làm điều đó? Chúng ta đang ở giai đoạn cuối của nhiên liệu hóa thạch”.
Nhật Anh (Theo National Geographic)