Cái giá phải trả cho tương lai xanh hơn

Giới khoa học cảnh báo rằng chính nhiệm vụ tạo ra cuộc sống xanh hơn từ việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên sẽ gây ra tác hại môi trường quy mô lớn.

Đào cô ban ở CHDC Congo – nơi chiếm 60% chuỗi cung ứng của thế giới. (Ảnh: Sebastian Meyer/Corbis/Getty Images)

Cuộc chiến ngăn chặn khủng hoảng khí hậu bùng phát trên trái đất đang thúc đẩy các kỹ sư phát triển những công nghệ xanh mới. Các nhà máy năng lượng gió và mặt trời được xây dựng để thay thế điện than và khí đốt trong khi ô tô điện loại bỏ các phương tiện chạy bằng xăng và dầu diesel khỏi các con đường. Dần dần chúng ta sẽ bớt phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và do đó, làm giảm tình trạng nóng toàn cầu.

Nhưng giới khoa học cảnh báo chúng ta cũng sẽ phải trả giá về môi trường cho nỗ lực tạo ra một thế giới được công nghệ xanh hỗ trợ. Việc tìm kiếm và khai thác vật liệu để chế tạo những thiết bị này có thể gây ra những hậu quả sinh thái rất nghiêm trọng và tác động lớn đến đa dạng sinh học.

GS Richard Herrington, người đứng đầu ngành khoa học trái đất tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London cho biết: “Động thái hướng tới phát thải carbon bằng không sẽ tạo ra những căng thẳng mới trên hành tinh của chúng ta, ít nhất là trong ngắn hạn. Chúng ta sẽ phải học cách cân nhắc lời – lỗ đối với hệ sinh thái giống như xem xét các vấn đề kinh tế”.

Herrington cho biết các kim loại như lithium và cô-ban là ví dụ về những vấn đề khó xử lý. Cả hai nguyên tố này đều cần thiết để chế tạo pin sạc trọng lượng nhẹ cho ô tô điện và để lưu trữ năng lượng từ các nhà máy năng lượng gió và mặt trời. Sản lượng khai thác có thể sẽ tăng đáng kể trong thập kỷ tới và điều đó gây ra những vấn đề sinh thái nghiêm trọng.

Với cô-ban, 60% nguồn cung trên thế giới đến từ CHDC Congo – nơi nhiều mỏ khai thác lậu sử dụng cả trẻ em mới 7 tuổi làm thợ mỏ. Ở đó, trẻ em hít phải bụi đầy coban có thể gây ra bệnh phổi và phải làm việc các đường hầm có thể sập bất cứ lúc nào.

Mark Dummett thuộc Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết: “Đàn ông, phụ nữ và trẻ em phải làm việc mà không có thiết bị bảo hộ cơ bản nhất như găng tay và khẩu trang. Tại một ngôi làng mà chúng tôi đến thăm, người dân cho chúng tôi thấy nước ở con suối họ uống bị ô nhiễm đến thế nào do chất thải xả từ một nhà máy chế biến khoáng sản”.

Rồi đến vấn đề về lithium. Sản lượng khai hác trên thế giới sẽ tăng vọt trong thập kỷ tới. Tuy nhiên, khai khoáng có liên quan đến tất cả các loại vấn đề môi trường. Trong cái gọi là Tam giác Lithium của Nam Mỹ – bao gồm Chile, Argentina và Bolivia – một lượng lớn nước được bơm từ dưới lòng đất để chiết xuất lithium từ quặng và điều này khiến mực nước ngầm bị hạ thấp và tình trạng sa mạc hóa lan rộng. Tương tự ở Tây Tạng, vụ rò rỉ hóa chất độc hại từ mỏ lithium Ganzizhou Rongda làm nhiễm độc sông Lichu vào năm 2016 và gây ra các cuộc biểu tình khắp khu vực.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng những vấn đề sinh thái này sẽ không chỉ xảy ra với các kim loại chuyên dụng mà nhu cầu ngày càng tăng đối với những vật liệu truyền thống như xi măng (để xây dựng các đập thủy điện) hoặc đồng (để sản xuất dây cáp nối các trang trại năng lượng mặt trời với các thành phố và chế tạo ô tô điện) cũng có thể gây ra thiệt hại môi trường trên diện rộng trừ khi được quan tâm.

Xe Volkswagen ID.3 – một phần trong nỗ lực của công ty để chen chân vào lĩnh vực xe điện đang bùng nổ. (Ảnh: Sean Gallup/Getty Images)

Cơn khát với đồng là minh họa nổi bật về những vấn đề này. Cần hàng nghìn tấn để tạo ra các thiết bị năng lượng gió hoặc năng lượng mặt trời trong khi xe điện sử dụng lượng đồng nhiều gấp hai hoặc ba lần xe chạy bằng động cơ diesel hay xăng. Một báo cáo gần đây cho biết nhu cầu sử dụng đồng của thế giới có khả năng tăng hơn 300% vào năm 2050.

GS Herrington phân tích: “Bạn cần thêm hàng chục kg đồng cho một chiếc ô tô điện so với một chiếc ô tô chạy bằng động cơ xăng. Điều đó có nghĩa là nếu bạn muốn biến tất cả 31 triệu xe hơi của chỉ Vương quốc Anh thành xe điện, bạn sẽ cần khoảng 12% tổng sản lượng đồng của toàn thế giới. Đó là một nhu cầu phi thực tế vì chúng ta đang hy vọng có thể sản xuất ô tô điện chỉ trong vòng một thập kỷ nữa thôi”.

Harrington cho biết không thể tránh khỏi việc mở rộng khai mỏ và cung cấp năng lượng để luyện quặng, kết hợp lại sẽ có những tác động thực sự đến môi trường. “Chúng ta sẽ phải làm điều đó theo cách tạo ra lợi nhuận nhưng cũng phục vụ con người và hành tinh”.

Ngoài những vấn đề này, đề xuất mở rộng điện hạt nhân ở Anh – để thỏa mãn nhu cầu các nhà máy than hoặc khí đốt không thể đáp ứng được – có khả năng dẫn đến việc tăng lượng chất thải hạt nhân. Tuy nhiên, Anh vẫn chưa có phương pháp lưu trữ an toàn chất thải hạt nhân dưới lòng đất và phụ thuộc vào việc lưu giữ tàn dư phóng xạ cao từ các hoạt động của nhà máy điện trên mặt đất. Những nơi lưu trữ này có thể phải mở rộng đáng kể trong tương lai.

Một giải pháp được đưa ra cho những vấn đề công nghệ xanh này là hạn chế khai thác tài nguyên trên đất liền mà hướng ra biển để tìm kiếm nguyên liệu chúng ta cần. Một số nguồn đầy hứa hẹn ở biển đã được xác định chính xác, trong đó thu hút chú ý nhiều nhất là các mỏ quặng kim loại nằm rải rác ở một số nơi dưới đáy đại dương. Những khối khoáng chất có kích thước bằng củ khoai tây này rất giàu đồng, coban, mangan và nhiều kim loại khác. Theo Cơ quan Đáy biển Quốc tế, một số mỏ chứa hàng triệu tấn coban, đồng và mangan. Do đó, một số tổ chức hiện đang khảo sát những mỏ tiềm năng nhất trong số này, đặc biệt là Khu vực Clarion-Clipperton ở vùng biển quốc tế Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học biển cũng tiết lộ rằng có rất nhiều sinh vật biển ở độ sâu của Khu vực Clarion-Clipperton. Một cuộc khảo sát vào năm 2017 tìm thấy hơn 30 loài mới, hầu hết là xenophyophores – được coi là sinh vật đơn bào sống lớn nhất thế giới.

Các nhà khoa học biển cảnh báo việc đào các mỏ quặng có thể tàn phá các dạng thức sự sống này. Nhà nghiên cứu sinh thái biển sâu Adrian Glover thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên chỉ rõ: “Hiện tại, chúng ta vẫn chưa có đủ dữ liệu về đáy biển để hiểu rõ về tác động của việc khai thác ở đó. Tuy nhiên, khi chúng ta thực hiện, đó sẽ là một câu hỏi lớn cho xã hội. Nếu đây là những môi trường giàu đa dạng sinh học nhưng dễ bị phá hủy thì việc khai thác sẽ tốt hơn hay tệ hơn khai thác rừng mưa nhiệt đới trên đất liền? Đó có thể là một vấn đề rất khó giải quyết”.

Nhật Anh (Theo Guardian)

Nguồn: