Một con hươu cao cổ lùn được các nhà bảo tồn phát hiện ở một vùng hẻo lánh của Uganda cách đây 5 năm.
Theo tờ The Telegraph, con hươu cao cổ mang tên Gimli, có chiều cao 2,9m, được các nhà bảo tồn phát hiện đang đi lang thang quanh công viên quốc gia Thác Murchison ở tây bắc Uganda, thuộc Châu Phi. Con vật sẽ đi vào sử sách tự nhiên không phải vì chiều cao mà vì thiếu đi chiều cao vốn có của loài này, thường đạt tới 4,9m đối với hươu cao cổ Nubian cao nhất thế giới.
Gimli là cá thể đầu tiên được biết đến của một ”loài hươu cao cổ lùn”. Khi những bức ảnh đầu tiên về con vật được ghi lại và chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều người đã không tin và nghĩ rằng đó là sản phẩm của phần mềm photoshop.
Câu chuyện về việc phát hiện ra Gimli lần đầu tiên được tiết lộ vào tháng 12.2020 trên tạp chí BMC Research Notes. Bài viết cũng kể lại về trường hợp của một con hươu cao cổ lùn tương tự tên là Nigel, được tìm thấy ở Namibia.
Các nhà tự nhiên tin rằng, hai sinh vật này là cơ hội hiếm có để nghiên cứu xem bệnh lùn ảnh hưởng như thế nào đến khả năng thích nghi và sinh tồn của chúng.
Mặc dù tình trạng này có thể ảnh hưởng đến động vật nuôi, chẳng hạn như bò và lợn, nhưng là rất hiếm ở các động vật hoang dã và chưa từng được ghi nhận ở hươu cao cổ.
Nguyên nhân chính xác của chứng lùn trong trường hợp Gimli và Nigel vẫn chưa được biết đến, mặc dù nó có thể là do giao phối cận huyết do suy giảm cá thể loài.
Có thời điểm, vào cuối những năm 80, số lượng hươu cao cổ Nubian – loài cao nhất trong số những loài hươu cao cổ – giảm xuống chỉ còn 78 con. Hiện nay, con số này đã tăng trở lại tới hơn 1.500 con. Các chuyên gia cho biết, với hơn một nửa số hươu cao cổ hoang dã chết trước khi chúng trưởng thành, cả Gimli và Nigel đều đã rất may mắn khi có thể trưởng thành.
Tuy nhiên, kích thước nhỏ bé trong một thế giới to lớn thường mang lại rất ít lợi thế. Chiều cao vượt trội của hươu cao cổ thường là một trong những lợi thế cạnh tranh chủ yếu trong tự nhiên, cho phép chúng ăn lá từ những cây cao.
Đôi chân dài của chúng cũng đủ mạnh để giết một con sư tử chỉ bằng một cú đá nếu nó cố gắng tấn công.
“Thật dễ để hình dung, kích thước nhỏ bé có thể khiến hươu cao cổ lùn dễ bị săn mồi hơn vì chúng không có khả năng chạy và đá hiệu quả, đây là hai trong những chiến thuật đối phó động vật ăn thịt hiệu quả nhất của loài hươu cao cổ”, Tiến sĩ Michael Brown, một nhà khoa học bảo tồn, cộng sự của Tổ chức Bảo tồn Hươu cao cổ và Viện Sinh học Bảo tồn Smithsonian, cho biết.