Tỉnh Quảng Nam vừa chỉ đạo các đơn vị chức năng xây dựng kế hoạch đánh sập các hầm vàng trong phạm vi Vườn quốc gia Sông Thanh nhằm bảo vệ cảnh quan, tài nguyên rừng, khôi phục đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên.
Sáng 8.1, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh vừa ký văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng xây dựng kế hoạch đánh sập các hầm vàng trong phạm vi Vườn quốc gia Sông Thanh.
Theo đó, để bảo vệ cảnh quan, tài nguyên rừng, phục hồi các hệ sinh thái rừng, khôi phục đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh trật tự khu vực Vườn quốc gia Sông Thanh cần phải đánh sập các hầm vàng tại đây.
Do đó, tỉnh Quảng Nam yêu cầu Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh chủ trì phối hợp với lực lượng biên phòng, quân sự, công an, chính quyền hai huyện Nam Giang và Phước Sơn xây dựng kế hoạch, phương án phù hợp, đánh sập các hầm vàng trong phạm vi Vườn quốc gia Sông Thanh và có báo cáo với UBND tỉnh trước ngày 23.1.
Trước đó, ngày 23.12.2020, tỉnh Quảng Nam công bố quyết định thành lập Vườn quốc gia Sông Thanh, phạm vi nằm trên 12 xã của huyện Phước Sơn và Nam Giang, có tổng diện tích tự nhiên 76.670ha trong đó 58.220ha nằm trong phạm vi bảo vệ nghiêm ngặt, nguyên vẹn toàn bộ tài nguyên rừng và đất rừng.
Hơn 18.360ha thuộc phân khu phục hồi sinh thái với chức năng bảo vệ cảnh quan, tài nguyên rừng được Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh quản lý, điều hành và tổ chức hoạt động.
Vườn quốc gia Sông Thanh được công nhận là vùng đa dạng sinh học trọng yếu toàn cầu, đồng thời là hành lang bảo tồn quan trọng toàn cầu bởi tầm quan trọng của quần thể động vật có vú nơi đây.
Tại đây hiện có 23 loài đặc hữu, 49 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam, hệ động vật rất đa dạng, gồm 68 loài thú, 130 loài chim, 168 loài bò sát, lưỡng cư và 899 loài thực vật.
Việc thành lập Vườn quốc gia Sông Thanh nhằm bảo tồn và phát triển giá trị đa dạng các hệ sinh thái đặc trưng trong khu vực với chỉ tiêu cụ thể là bảo vệ nguyên vẹn gần 50.000ha diện tích rừng nhiệt đới lá rộng thường xanh vùng thấp và núi thấp, đặc biệt là bảo tồn được hàng ngàn héc-ta rừng Lim xanh và rừng Pơ mu đặc trưng trong các hệ sinh thái này.
Bên cạnh đó, Quảng Nam còn có điều kiện bảo tồn và phát triển các giá trị đa dạng động vật, thực vật nói chung, đồng thời bảo tồn các loài đặc hữu, các loài nguy cấp, quý, hiếm, với mục tiêu cuối cùng là ổn định thành phần loài, tăng số lượng cá thể và quần thể, với chỉ tiêu tăng số lượng đàn Chà vá chân xám lên 150%, đồng thời bảo tồn các loài linh trưởng, các loài đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm khác…