Từ kết quả làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, Nhóm nghiên cứu của Vụ Pháp chế – Bộ Tài nguyên và Môi trường và Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra giải pháp hiệu quả trong đề xuất quy trình, cơ chế phối hợp tiếp nhận, xử lý kiến nghị từ cử tri, địa phương, doanh nghiệp và người dân về chính sách, pháp luật tài nguyên và môi trường.
Yêu cầu thực tiễn
Những năm qua, Bộ TN&MT luôn là một trong 3 Bộ, cơ quan ngang Bộ nhận được nhiều kiến nghị của cử tri nhất vì quản lý các lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm, trực tiếp tác động đến người dân như: đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước, biển và hải đảo, biến đổi khí hậu…
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Bộ nhận được hơn 1.500 kiến nghị của cử tri, trong đó, lĩnh vực đất đai chiếm khoảng 55%, môi trường chiếm 30% trong tổng số các kiến nghị, còn lại là các lĩnh vực khác như: tài nguyên nước, địa chất và khoáng sản, biển và hải đảo, biến đổi khí hậu, khí tượng thủy văn… Trong đó, 90% nội dung trả lời là cung cấp, giải trình thông tin, 8% là đã được giải quyết; khoảng 2% là đang giải quyết (tính theo từng kỳ họp Quốc hội).
Mặc dù, những năm qua, công tác tiếp nhận, trả lời kiến nghị của cử tri tại Bộ ngày càng được chuyên môn hóa và chất lượng được nâng cao, các kiến nghị của cử tri gửi đến Bộ đều được trả lời, tuy vậy, công tác này còn một số hạn chế, khó khăn dẫn tới chậm tiến độ.
Xuất phát tư thực tiễn công việc phải tiếp nhận và xử lý khối lượng văn bản rất lớn, nhóm tác giả từ Vụ Pháp chế – Bộ Tài nguyên và Môi trường và Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường đã quyết định nghiên cứu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở: “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn đề xuất quy trình và cơ chế phối hợp trong tiếp nhận, xử lý kiến nghị từ cử tri, địa phương, doanh nghiệp và người dân về chính sách, pháp luật tài nguyên và môi trường”. Sản phẩm đầu ra của đề tài là đề xuất xây dựng nội dung quy trình và cơ chế phối hợp trong tiếp nhận, xử lý kiến nghị từ cử tri, địa phương, doanh nghiệp và người dân về chính sách, pháp luật và các lĩnh vực quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường.
Tính ứng dụng cao
Xuất phát từ mục tiêu đề ra, đề tài đã tập trung nghiên cứu, thực hiện nhiều nội dung công việc. Trước tiên là nghiên cứu tổng quan các vấn đề lý luận trong đường lối, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước và tình hình tiếp nhận, xử lý kiến nghị từ cử tri, địa phương, doanh nghiệp và người dân tại một số Bộ, ngành, địa phương.
Tiếp đó, nhóm nghiên cứu đã phân tích, đánh giá tổng quan thực tiễn quy trình và cơ chế phối hợp trong tiếp nhận, xử lý kiến nghị từ cử tri, địa phương, doanh nghiệp và người dân về chính sách, pháp luật và các lĩnh vực quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường.
Đồng thời, đề xuất xây dựng nội dung của quy trình và cơ chế phối hợp trong tiếp nhận, xử lý kiến nghị từ cử tri, địa phương, doanh nghiệp và người dân về chính sách, pháp luật tài nguyên và môi trường.
Theo đánh giá, kết quả của đề tài sẽ có tính ứng dụng cao bởi cung cấp các thông tin nhanh chóng, chính xác và cần thiết phục vụ việc tiếp nhận, xử lý kiến nghị từ cử tri, địa phương, doanh nghiệp và người dân về chính sách, pháp luật tài nguyên và môi trường,
Theo nhóm nghiên cứu, để triển khai thực hiện tốt, có hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý kiến nghị của cử tri, địa phương, doanh nghiệp và người dân về tài nguyên và môi trường, đề tài cũng đề xuất tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin cho công tác này thông qua việc xây dựng một Trang thông tin điện tử về trả lời kiến nghị tài nguyên và môi trường, trong đó, tích hợp đầy đủ các trang hiện đang có vào một trang duy nhất để dễ quản lý và thực hiện.
Tại trang web: traloikiennghi.monre.gov.vn sẽ có nội dung để người dân, doanh nghiệp truy cập đặt các câu hỏi thắc mắc về chính sách, pháp luật ngành Tài nguyên và Môi trường. Đồng thời, có thể tra cứu các câu hỏi tương tự, các vấn đề, hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường về các vấn đề về tài nguyên và môi trường; đặc biệt theo dõi việc thực hiện trả lời các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp của các đơn vị trực thuộc Bộ, có hệ thống thống kê báo cáo tự động, trên cơ sở đó, giảm áp lực phải báo cáo của các đơn vị và của Bộ.
Đây sẽ là chuyên trang tích hợp toàn bộ các nội dung về trả lời kiến nghị của cử tri, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về tài nguyên và môi trường, link giữa trang và Cổng Dịch vụ công quốc gia để thực hiện trả lời các kiến nghị của người dân, doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị trực thuộc Bộ chỉ cần trả lời tại 1 chuyên trang duy nhất.
Chuyên trang sẽ cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời, chính xác góp phần tăng cường hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các cấp, tổ chức và cá nhân trong và ngoài Bộ; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính ngành Tài nguyên và Môi trường. Đây là một bước đi thể hiện quyết tâm cao của lãnh đạo và tập thể các cán bộ, công chức Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc đồng hành với người dân, doanh nghiệp để giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.