Địa phương phát triển công nghiệp, phát thải CO2 lớn, phải mua chỉ số môi trường rừng, trồng rừng để bù đắp những thiệt hại gây ra cho môi trường.
Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế áp dụng chỉ số môi trường rừng, chỉ số CO2 theo nguyên tắc địa phương phát triển công nghiệp, phát thải CO2 phải mua chỉ số môi trường rừng, chỉ số CO2 để thúc đẩy các địa phương trồng rừng, người dân sống tốt hơn bằng nghề rừng. GS.TS Bảo Huy, Đại học Tây Nguyên đánh giá, đây là một đề xuất tốt. Theo nguyên tắc được áp dụng trên thế giới, rừng hấp thụ khí CO2 và khí nhà kính. Người ta sẽ tính toán chỗ nào phát triển công nghiệp mà phát thải CO2 nhiều quá, vượt ngưỡng cho phép thì phải mua lại tín chỉ carbon.
Có hai cách để giảm phát thải: Một là buộc phải thay đổi công nghệ; hai là trong trường hợp không thay đổi công nghệ thì phải mua lại carbon của các khu rừng hấp thụ chúng, bù lại phần phát thải của khu vực đó, quốc gia đó. Ở đây, người ta sẽ xác định một ngưỡng carbon mà một quốc gia hay một khu vực với diện tích, dân số nhất định được phát thải, nếu việc phát thải vượt ngưỡng đó thì quốc gia đó, khu vực đó phải trả tiền phát thải.
Tuy vậy, trồng rừng hấp thụ carbon không quan trọng bằng việc quản lý bền vững rừng tự nhiên. Nếu cứ chặt rừng tự nhiên rồi nói trồng rừng hấp thụ carbon để trả là sai hoàn toàn. Ngay cơ chế REDD+ Giảm phát thải khí nhà kính từ phá rừng và suy thoái rừng, vai trò của bảo tồn, quản lý bền vững rừng và tăng cường trữ lượng carbon rừng ở các nước đang phát triển cũng đã xác định: phải cố gắng bảo vệ các khu rừng tự nhiên, giảm mất rừng tự nhiên để từ đó rừng tự nhiên được phục hồi, hấp thụ carbon. Rừng tự nhiên không chỉ hấp thụ carbon mà còn bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, do đó không thể lấy rừng trồng để thay thế cho rừng tự nhiên trong câu chuyện carbon này.