Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận cho biết, tỉnh này có đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu đầy đủ, cập nhật, bổ sung các dự án năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió đất liền, điện gió biển) của tỉnh vào Quy hoạch điện VIII với tổng công suất trên 17.000MW.
Tiềm lực năng lượng tái tạo lớn
Tại hội nghị Tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Ban Kinh tế Trung ương diễn ra sáng nay (5.1), ông Trần Quốc Nam – Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận đã có những chia sẻ về sự phát triển của năng lượng tái tạo trong thời gian vừa qua, nhất là khi Ban Kinh tế Trung ương trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11.2.2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo ông Nam, Ninh Thuận được lựa chọn địa điểm thực hiện 2 dự án Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của quốc gia. Quá trình triển khai, người dân vùng dự án phải dừng sản xuất để phục vụ dự án. Đến năm 2016, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 31/2016/QH14 dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Điều này dẫn đến các tính toán trong định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp việc đầu tư hạ tầng.
Sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31.8.2018 về một số cơ chế đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế – xã hội, ổn định đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023. Và định hướng xây dựng Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, phát triển tổ hợp điện khí, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).
Tính đến cuối năm 2020, Ninh Thuận có 36 dự án với tổng công suất khoảng 2.700 MW vận hành thương mại, phát điện trên 4 tỉ kWh. Hiện Ninh Thuận đang triển khai lập Đề án xây dựng trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước theo chủ trương của Chính phủ.
Trong đó, tiềm lực về năng lượng tái tạo, năng lượng sạch là rất lớn với tổng quy mô công suất dự kiến phát triển khoảng 17.170 MW; với 4 loại năng lượng cơ bản là điện gió, điện mặt trời, điện khí và thủy điện tích năng.
Đề xuất chuyển quy hoạch 4.600MW điện hạt nhân sang làm điện khí
Tuy nhiên, ông Nam cho biết, mặc dù có nhiều tiềm năng, nhưng Ninh Thuận cũng nhận diện một số vấn đề là lực cản trong phát triển năng lượng, đó là hạ tầng lưới điện truyền tải đầu tư rất lớn; sự bất cập, thiếu đồng bộ giữa các quy hoạch liên quan; cơ chế chính sách.
Do đó, để phát triển năng lượng trong thời gian tới, tỉnh đề nghị Ban Kinh tế trung ương cùng một số bộ ngành tiếp tục nghiên cứu, sớm tham mưu các cơ chế, chính sách, quy định về phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo theo hình thức cạnh tranh giá điện; phát triển các dự án điện mặt trời trên đất nông nghiệp hiện đang diễn ra khá nóng, nhất là các địa phương có nhiều tiềm năng phát triển loại hình này để thống nhất trong công tác quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, để khai thác, phát huy tối đa, hiệu quả hạ tầng của chuỗi tổ hợp dự án: Cảng tổng hợp Cà Ná-Trung tâm điện lực LNG Cà Ná và Khu công nghiệp Cà Ná, thì quy mô Trung tâm điện lực Cà Ná phải phát triển khoảng 6.000MW mới phát huy hiệu quả.
Do đó tỉnh kiến nghị cho phép Ninh Thuận được thay thế quy mô công suất 4.600 MW nguồn điện hạt nhân trong quy hoạch điện VII điều chỉnh bằng nguồn điện khí LNG và cập nhật, bổ sung vào Quy hoạch điện VIII để phát triển quy mô Trung tâm điện lực Cà Ná đạt công suất khoảng 6.000MW.
Đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu đầy đủ, cập nhật, bổ sung các dự án năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió đất liền, điện gió biển) của tỉnh vào Quy hoạch điện VIII với tổng công suất trên 17.000MW.