“Một tuần để hòa mình với thiên nhiên, để quên đi cái tôi nhỏ bé, quên đi khái niệm ngày tháng, chỉ có núi rừng, những loài động vật hoang dã và những con người mới lạ nhưng lại có cảm giác rất đỗi thân quen. Đó là những trải nghiệm đáng nhớ tôi đã có sau khi đăng ký và trở thành tình nguyện viên bảo vệ động vật hoang dã tại vườn quốc gia Bù Gia Mập”.Những dòng trên là chia sẻ của cô gái trẻ Đinh Thị Minh Xuân – “nick name” là Xuân Xuân (quê Lào Cai, hiện đang sinh sống và làm việc tại TPHCM) về chuyến tình nguyện đáng nhớ của mình. Xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết dưới đây của cô, như một cách lan tỏa thêm tình yêu thiên nhiên, môi trường:
Vốn có niềm đam mê du lịch, thích hòa mình vào thiên nhiên, tôi như “bắt được vàng” khi đọc được bài viết của một bạn tình nguyện viên tham gia bảo tồn rùa biển tại vườn quốc gia (VQG) Núi Chúa (Ninh Thuận). Tôi cảm thấy việc kết hợp du lịch với làm tình nguyện thực sự là một trải nghiệm thú vị, nên đã quyết định đăng ký làm tình nguyện viên bảo vệ động vật hoang dã tại VQG Bù Gia Mập (Bình Phước).
Đoàn chúng tôi có 3 người, và tôi là nữ duy nhất, chúng tôi may mắn là những tình nguyện viên đầu tiên đặt chân đến Hero House Bù Gia Mập, ngôi nhà dành cho những người yêu thiên nhiên, được phục dựng từ nhà truyền thống 40 năm của đồng bào S’tiêng. Ngôi nhà được các nhà tài trợ, các nhà hảo tâm đóng góp từ bản thiết kế, các vật liệu xây dựng, đến những trang bị vật dụng sinh hoạt và dụng cụ làm vườn… Đặc biệt, Hero House Bù Gia Mập được thiết kế với rất nhiều khung cửa sổ, trông tựa như những bức tranh trong nhà, đồng thời đề cao sự gần gũi với nắng và gió của thiên nhiên hoang dã.
Đắm chìm vào thiên nhiên hoang dã
Mỗi ngày của tôi bắt đầu từ 5:00 sáng, trong cái se se lạnh của núi rừng Bù Gia Mập, tôi rảo bước quanh ngôi nhà Hero House và cảm nhận thiên nhiên núi rừng. Tôi say mê với các hàng cây ẩn mình trong tiết trời ban sớm, có chút sương mai, say mê cả những âm thanh vượn hú, chim hót, tiếng lá khô xào xạc trong gió… và cả mùi hương dịu nhẹ toả ra từ những loài cỏ dại.
Và cứ đều đặn ngày hai lần sáng và chiều, chúng tôi cùng các chú, các anh bên trung tâm chuẩn bị thức ăn, thu dọn chuồng trại, chăm sóc các loài động vật hoang dã tại đây như cheo cheo, lợn rừng, hươu, nai, khỉ, vượn, chà vá…
Khi tiếp xúc, tôi cảm thấy các loài động vật hoang dã vô cùng hiền lành, chúng cũng như những đứa trẻ cần bảo vệ và quan tâm. Ở đây, tôi đã được tận mắt chứng kiến những loài thú quý hiếm mà trước giờ chỉ thấy trên ti vi, thấy cách chúng ăn uống, sinh hoạt, và những tập tính đặc trưng của chúng. Tôi còn nhớ có bạn vượn cái rất thích gãi lưng, cứ thấy có người đến gần liền tiến lại, đưa lưng cọ cọ vào chuồng.
Đoàn chúng tôi còn may mắn được chứng kiến loài vượn đen má vàng sinh con, thấy sự chăm sóc và bảo vệ con tỉ mỉ sau sinh, vượn mẹ cũng che giấu con mình rất cẩn thận như để tránh người săn bắt theo thói quen khi còn ở ngoài tự nhiên, khoảnh khắc đó vô cùng xúc động.
Ngoài chăm sóc động vật hoang dã, chúng tôi còn giúp VQG tái tạo cảnh quan khu vực cổng cạnh bờ sông, trồng sài đất trên ta-luy đất đỏ, sườn dốc, tưới nước chăm cây, trồng hoa ti gôn và cỏ lạc, trồng rau trong khuôn viên Hero House. Trong thời gian rảnh, tôi còn được đi tham quan các địa danh khác tại Bình Phước như thác Đắk Mai, ngầm 79, bãi đá voi… Cùng đoàn học sinh và phụ huynh, tôi có cơ hội được tìm hiểu tập tính các loài động thực vật dễ bắt gặp một cách trực quan và sinh động. Trong bất giác, tôi nhận ra chưa bao giờ mình gần gũi với thiên nhiên đến như vậy.
Biết nhiều thêm văn hóa vùng miền
Đến đây, chúng tôi sẽ tự lên thực đơn cho bữa ăn của mình và tự đi chợ. Lần đầu tiên tôi được trải nghiệm chợ trên rừng, chỉ mới 8:00 sáng là chợ bắt đầu thưa khách, còn buổi chiều tầm năm giờ trời đã tối mịt và đóng cửa gần hết. Ở chợ, bạn sẽ bắt gặp những đồ ăn đặc trưng của núi rừng vừa lạ mắt vừa lạ miệng như lá nhíp, lá điều, măng lồ ô… Bản thân tôi thì đặc biệt mê cơm lam, loại cơm được nấu bằng ống lồ ô, cơm lam nấu với đậu xanh hoặc chuối chín, vừa thơm lại vừa dẻo.
Bình Phước là tỉnh có tới 42 dân tộc anh em sinh sống. Trong đó, đồng bào S’tiêng và M’nông chúng tôi gặp nhiều hơn cả, họ rất gần gũi dù là người mới gặp lần đầu. Ngữ điệu phát âm của họ nghe rất lạ tai vì vốn tiếng Kinh của họ cũng chưa giỏi cho lắm. Tuy vậy, tôi vẫn cảm nhận được sự chân chất trong từng câu nói, từng lời chào, cái gật đầu đồng ý khi chúng tôi ngỏ lời thăm nhà, mời vào nhà uống nước, tặng sách, mời nhậu, mỗi lần tôi đi ngang qua.
Có lần, trong trải nghiệm cùng đoàn phụ huynh, học sinh của nhóm “Gia đình em yêu thiên nhiên Việt Nam” đến Bình Phước thăm thú, giao lưu, đồng bào S’tiêng mặc trang phục dân tộc và dạy mấy em nhỏ cách nhảy sạp hay dạy dạy đánh cồng chiêng, với nữ dạy sàng, sảy, giã gạo.
Và nếu đã đặt chân lên Bù Gia Mập, tôi nghĩ bạn không nên bỏ qua cơ hội thăm rẫy điều. Sau khi đi rẫy về, tôi mới hiểu tại sao người ta hay gọi những người ở đây là “tay lái Trường Sơn”. Con đường đất lên rẫy rất ngoằn nghoèo, đồi nối đồi, dốc tiếp dốc, vừa hay lên được một con dốc chưa kịp thở phào đã tiếp tục phải đổ con dốc cao không kém. Độ này, Bù Gia Mập bắt đầu có thêm gió làm đường chạy lên rẫy gặp rất nhiều cản trở. Chiếc “chiến mã” của đồng bào cũng rất thô sơ, cái thì thiếu đèn, cái thì thiếu biển số, cái thì không có còi, nhưng bù lại xe gầm cao, máy của xe khoẻ, với cả lúc nào cũng có dây xích gắn xung quanh vỏ bánh xe để chống trơn trượt. Một mẹo nhỏ chạy xe của họ là khi xuống dốc, để giảm tốc độ, họ sẽ trả về số thấp chứ ít sử dụng đến thắng (phanh) trên xe.
Những người lạ bỗng chốc trở nên quen thuộc
Một trong những lý do giúp tôi có những kỷ niệm đẹp sau chuyến đi lần này là những người bạn chưa hề quen biết nhưng lại thân thiết như người thân. Chúng tôi, mỗi người một công việc khác nhau, người kinh doanh, người tư vấn bất động sản, người tư vấn kỹ năng mềm… Điểm chung duy nhất của chúng tôi là đều là người Bắc, cùng thích du lịch và yêu thiên nhiên, mong muốn làm tình nguyện viên để chuyến du lịch của mình càng thêm ý nghĩa.
Có lẽ vì điểm chung ấy mà chúng tôi dễ dàng làm quen với nhau. Chúng tôi liên hệ với nhau để sắp xếp đi chung, chỉ dẫn cho nhau nhiệt tình và cởi mở nên khi gặp thì như thể đã quen biết từ lâu. Mọi người khi bắt đầu công việc, ai nấy đều mang tinh thần chủ động, học hỏi, không ngại khó khăn và sẵn sàng tương trợ nhau lúc cần thiết. Việc nhà thì mọi người chia nhau, tôi sẽ nấu cơm trưa tối, hai bạn nam quét nhà, lau sàn, rửa bát và chuẩn bị bữa sáng. Mỗi bữa ăn đều tràn ngập niềm vui, vừa ăn cả nhóm vừa tấm tắc trò chuyện. Có hôm, chúng tôi còn cùng nhau đi dạo trong vườn, thăm thú và thăm hoa quả chín, cùng xuýt xoa khi ăn miếng mít thái ngọt sắc, quả mận hiếm hoi, ngắm mấy bạn khỉ, bạn vượn xoè tay nhận rau và trái cây.
Nhớ nhất là khi chúng tôi được cùng nhau đi xe máy trong rẫy. Lần đầu chạy đường rừng, ai cũng lấy làm lạ, bỡ ngỡ, nhưng quen rồi thì chẳng khác nào một trận “đua xe công thức” theo sự chỉ dẫn của em dân tộc M’nông thông thạo. Có lúc chúng tôi còn tự tra bản đồ đi ngắm thác Đăk Mai, cùng nhau bơi thác và chụp ảnh cho nhau lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ.
Cứ tối tối, có thời gian, mọi người sẽ tụ họp lại vui chơi, ca hát cho nhau nghe. Có hôm thì chúng tôi lại cùng nhau ngồi lại lên kế hoạch ngày mai ăn gì, làm gì, cùng nhau tâm sự những khó khăn, hay chia sẻ kinh nghiệm ngày hôm nay đã đúc kết được.
Một tuần trôi qua nhanh chóng, chúng tôi kết thúc chuyến đi của mình trong niềm hân hoan với nhiều trải nghiệm mới lạ, pha lẫn sự tiếc nuối. Một tuần không phải là khoảng thời gian quá dài để tôi có thể hiểu hết được về mảnh đất và con người nơi đây, nhưng khoảng thời gian này sẽ là hành trang quý giá để tôi tiếp tục những chuyến hành trình của mình, đồng thời, đây sẽ là một trang ký ức đẹp của tôi về Bù Gia Mập và Bình Phước.