Hàng nghìn người tại các quốc gia châu Mỹ phải rời bỏ quê hương mỗi năm, mạo hiểm tính mạng để kiếm tìm cuộc sống tốt đẹp hơn nơi “miền đất hứa”. Dòng người di cư tự do từ Trung Mỹ cũng là bài toán hóc búa với chính phủ các quốc gia Bắc Mỹ trong suốt nhiều năm liền.
Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) mới đây đưa ra thống kê, năm 2020, tại châu Mỹ có 669 trường hợp, chiếm hơn 21% trong tổng số 3.174 người chết và mất tích do di cư trên toàn thế giới. Ðáng chú ý, có tới 381 người chết và mất tích do di cư trái phép tại biên giới Mỹ – Mê-hi-cô, cũng là điểm trung chuyển chính của những người di cư ở khu vực Trung Mỹ. Theo người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) P.Gơ-ran-đi và Tổng Thư ký Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) L.An-ma-gơ-rô, dịch Covid-19 và các cơn bão mạnh gần đây đã làm gia tăng những thách thức chung của khu vực, như bạo lực giữa các băng nhóm tội phạm và tình trạng thiếu việc làm, khiến hàng nghìn người phải rời bỏ quê hương.
Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), việc đóng cửa biên giới và siết chặt các biện pháp y tế nhằm đối phó dịch Covid-19 thời gian qua tại các quốc gia Trung Mỹ đã hạn chế đáng kể tình trạng di cư, nhưng khiến tình trạng bạo lực và nghèo đói thêm trầm trọng. Số lượng người di cư giảm mạnh từ tháng 3 đến tháng 9 nhưng tăng nhanh trở lại từ tháng 10-2020, sau khi các quốc gia trong khu vực nới lỏng các biện pháp y tế kiểm dịch. Mỗi năm, hàng nghìn người ở khu vực Tam giác Bắc Trung Mỹ, gồm ba nước En Xan-va-đo, Goa-tê-ma-la và On-đu-rát, tìm đường vượt Mê-hi-cô để thực hiện “giấc mơ Mỹ”.
Một trong những hình thức di cư phổ biến nhất tại khu vực Trung Mỹ là “ca-ra-van”, đoàn người tập trung tự phát với khoảng vài trăm thành viên, dần phát triển thành những nhóm hàng nghìn người trong những năm gần đây. Dòng người bộ hành đông đảo tạo áp lực rất lớn, buộc chính quyền Mỹ và Mê-hi-cô phải siết chặt quy định về người nhập cư cũng như đưa ra nhiều biện pháp cứng rắn với chính phủ “các quốc gia đầu nguồn”.
Ðể giải quyết vấn đề người di cư từ Trung Mỹ dai dẳng nhiều năm qua, Mỹ và Mê-hi-cô đang phối hợp triển khai cách tiếp cận mới đối với vấn đề di cư nhằm bảo đảm an ninh khu vực. Tổng thống đắc cử Mỹ G.Bai-đơn cam kết xây dựng hạ tầng khu vực và biên giới, tăng cường năng lực nhằm đưa ra cách tiếp cận nhân đạo và có trật tự hơn, trên cơ sở tôn trọng các quy định quốc tế về xem xét đơn xin tị nạn, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khôi phục hợp tác Mỹ – Mê-hi-cô trong vấn đề di cư và đẩy lùi dịch Covid-19. Tổng thống Mê-hi-cô L.Ô-bra-đô kêu gọi Chính phủ Mỹ đầu tư vào các vùng nghèo ở miền nam Mê-hi-cô và Trung Mỹ, song song việc triển khai hàng nghìn binh sĩ tại biên giới phía nam để ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp.
UNICEF kêu gọi cộng đồng quốc tế, nhất là chính phủ các quốc gia trong khu vực, chung tay đầu tư và phát triển kinh tế – xã hội nhằm giải quyết tận gốc tình trạng di cư. Chính quyền các quốc gia Trung Mỹ đã giải tán đoàn di cư gồm hàng trăm người On-đu-rát tìm đường tới Mỹ sau tác động nặng nề của hai cơn bão Ê-ta và I-ô-ta. Tại Goa-tê-ma-la, cơ quan quản lý nhập cư nước này cảnh báo người di cư On-đu-rát phải có hộ chiếu và chứng nhận xét nghiệm âm tính với Covid-19. Không chỉ ba nước tại Tam giác Bắc Trung Mỹ, chính quyền các quốc gia khác trong khu vực như Bê-li-dê, Cô-xta Ri-ca hay Pa-na-ma, đều cam kết phối hợp nhằm giải quyết tình trạng buộc phải di dời của người dân do tác động của dịch bệnh, thiên tai, bạo lực và đói nghèo.
Dữ liệu của UNHCR cho thấy, trong nhiều năm qua, nước Mỹ đã tiếp nhận người tị nạn nhiều nhất thế giới. Xu hướng này phần nào giảm đi sau nhiều quyết sách cứng rắn, cũng như tác động của dịch Covid-19. Vấn đề người di cư từ Trung Mỹ tiếp tục là bài toán khó với chính quyền mới của Mỹ tới đây.