Dỡ đập để trả lại tự do cho các dòng sông ở châu Âu

Trung bình có hơn một rào cản trên mỗi dặm sông ở Châu Âu, làm tắc nghẽn sự sống ở những động mạch quan trọng này. Nhưng cộng đồng đang dấy lên những lời kêu gọi loại bỏ các đập nhỏ, đập tràn và dốc.

Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature cho thấy sông ở châu Âu bị phân mảnh hơn bất kỳ sông ở châu lục nào khác – điều này có nghĩa là dòng chảy tự nhiên bị gián đoạn bởi các rào cản nhân tạo.

Đập Gloriettes ở Gave d’Estaube thuộc tây nam nước Pháp. Đập và các cấu trúc chặn sông ở châu Âu, ảnh hưởng tới sinh thái học của các loài bản địa. (Ảnh: Adia/Getty Images)

Trong một nghiên cứu bốn năm ở 36 nước châu Âu, các nhà khoa học khảo sát gần 1.700 dặm sông bằng và phát hiện ít nhất 1,2 triệu trở ngại ngăn cản sông chảy tự do. Có nghĩa là có tới 0,74 rào cản trên mỗi km sông.

Nhà địa mạo sông Barbara Belletti thuộc Đại học Bách khoa Milan và là người đứng đầu nghiên cứu cho biết: “Con số chúng tôi phát hiện cao hơn dự kiến và cho thấy rằng sông ở châu Âu đã tan nát”.

Rào cản nhân tạo như các con đập là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với hệ sinh thái sông: ngăn dòng chảy tự nhiên của trầm tích và ngăn cản các loài cá di cư hoàn thành vòng đời.

Hàng nghìn đập lớn trên khắp châu Âu đã được lập danh mục trong nghiên cứu. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng ít nhất 85% rào cản trên các con sông ở châu Âu thực sự là các cấu trúc nhỏ hơn như đập, cống, lũy cạn, cống và dốc.

Những rào cản ngắn này, hầu hết có chiều cao dưới 2m, thường bị bỏ qua mặc dù tác động tích lũy của chúng tới kết nối sông có thể rất đáng kể. Trong khi các đập chứa lớn làm thay đổi cách hoạt động của cả một dòng sông thì hầu như tất cả các rào cản, bất kể nhỏ đến mức nào đều có một vài ảnh hưởng nhất định đến đời sống của dòng sông.

Giáo sư khoa học sinh học thủy sinh Carlos Garcia de Leaniz thuộc Đại học Swansea và là điều phối viên dự án AMBER (chương trình Horizon 2020 của Liên minh châu Âu chuyên đưa ra đánh giá đầu tiên ở cấp liên Âu về sự phân mảnh sông) nhận xét: “Cac rào cản nhỏ vì có quá nhiều nên thật ra lại có tác hại lớn hơn”. Tuy nhiên, cũng có một số tin tốt như: “Những nỗ lực bồi hoàn để cải thiện kết nối sông có thể không phức tạp như một số người lo ngại vì nhiều rào cản nhỏ hơn này đã lỗi thời và có thể loại bỏ dễ dàng”.

Tình hình thực tế

Với khoảng 7.000 đập lớn, 13% sản lượng điện của châu Âu là từ thủy điện.

Mặc dù hầu hết các nhà máy thủy điện lớn ở châu Âu được xây dựng sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, phần lớn tình trạng phân mảnh sông lại bắt nguồn từ nhiều thế kỷ trước. Nhiều đập tràn (để điều tiết dòng nước) và các đập thấp được xây dựng trong những ngày đầu của quá trình công nghiệp hóa để hỗ trợ các nhà máy, cối xay gió cũng như nông nghiệp trên khắp lục địa.

Đập Vezins ở Isigny-le-Buat thuộc tây bắc nước Pháp bị dỡ vào 8/8/2019. Phong trào kêu gọi dỡ đập để trả lại dòng chảy cho sông đang tăng mạnh ở châu Âu. (Ảnh: Benoist/Getty Images)

Như giới nghiên cứu sớm phát hiện ra, có rất ít dữ liệu về số lượng và vị trí của các rào chắn, ngoại trừ các đập lớn nhất. Trong khi một số quốc gia, như Pháp, duy trì cơ sở dữ liệu quốc gia tốt về các rào cản sông, đa phần các quốc gia khác thì không.

Các cấu trúc nhỏ thường không thể phát hiện bằng vệ tinh, vì vậy để đánh giá chúng phải dùng tới “phương pháp đi bộ”: khảo sát trực tiếp trên các con sông. Garcia de Leaniz nói: “Chúng tôi bảo nhau hãy ra sông tìm xem có gì ở đó. Không có gì thay thế việc trực tiếp thực địa”.

Các nhà khoa học tỏa đi hơn ba mươi quốc gia châu Âu, khảo sát ở mỗi nước ít nhất 5 dòng sông có chiều dài liên tục 20 trở lên, đồng thời tạo ra một ứng dụng để mỗi công dân có thể ghi lại những rào cản mới.

Trưởng nhóm nghiên cứu Belletti, hiện đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp ở Lyon, là thành viên của nhóm bốn người khảo sát thượng nguồn sông Orco, bắt nguồn từ trong VQG Gran Paradiso trên dãy Alps của Ý. Belletti biết trước về hai con đập lớn trên sông nhưng ngạc nhiên khi phát hiện ra bốn rào chắn nhỏ, tất cả đều dưới 2m, ở trong VQG: “Không ai biết rằng những rào cản đã ở đó”.

Nhóm nghiên cứu đã tạo ra gần 630.000 hồ sơ về các rào cản họ tìm thấy. Nhận thấy có nhiều rào cản hơn mà không thể ghi lại được, họ đã tính toán hệ số điều chỉnh cho mỗi quốc gia, đạt được tổng số 1,2 triệu rào cản.

Các phát hiện cho thấy mật độ rào chắn cao nhất ở những con sông bị biến đổi nặng ở Trung Âu trong khi các dòng sông tương đối không có rào chắn vẫn có thể được tìm thấy ở Balkan, các quốc gia Baltic, một số vùng Scandinavia và Nam Âu.

Dỡ đập

Cá di cư nói riêng bị các đập lớn cản trở tiếp cận khu vực sinh sản mặc dù xây dựng đường cho cá đi qua. Một nghiên cứu công bố đầu năm 2020 cho thấy quần thể cá nước ngọt di cư đã giảm 76% trên toàn cầu kể từ năm 1970, sự sụt giảm ở châu Âu thậm chí còn lớn hơn: 93%.

Herman Wanningen, Giám đốc Tổ chức Di cư Cá Thế giới phân tích: “Điều này là hẹ lụy trực tiếp do phân mảnh sông”.

Trong khi vẫn có kế hoạch xây dựng một chuỗi đập mới ở khu vực Balkan tương đối hoang sơ, một số quốc gia châu Âu khác dường như đang đi theo con đường của Hoa Kỳ: từ vài thập kỷ đã bắt đầu thực hiện nỗ lực quy mô lớn để dỡ đập và khôi phục các con sông trước đây. Tháng 11/2020, bang California và bang Oregon gia hạn kế hoạch dỡ 4 đập thủy điện trên sông Klamath để mở lại hàng trăm dặm đường thủy cho cá hồi – đây được coi là vụ dỡ đập lớn nhất của Hoa Kỳ.

Sông Cogîlnic ở Ukraina nhìn từ trên không sau khi dỡ đập. (Ảnh: Andrey Nekrasov/Getty Images)

Tại Estonia, việc dỡ bỏ Đập Sindi và các rào cản khác dọc theo sông Pärnu dự kiến sẽ giải phóng hơn 3.000 km đường thủy của nước này. Ở Pháp, hai con đập lớn đang được dỡ bỏ trên sông Sélune để nối lại dòng sông với đại dương.

“Khi tính toán tổng chi phí cho việc tái cấp phép, bảo trì và thu nhập từ sản xuất năng lượng, trong nhiều trường hợp, kết luận là dỡ bỏ đập sẽ rẻ hơn và để tính toán các cách sản xuất năng lượng hiệu quả hơn”, theo Wanningen.

Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng nghiên cứu mới sẽ làm tăng sự chú ý đến vai trò quá lớn của các rào cản nhỏ trong việc phá vỡ hệ sinh thái dòng sông.

Đập tràn, dốc và lũy cạn có thể chặn đường đi của mọi thứ từ động vật không xương sống bơi yếu (như tôm càng) đến thực vật thủy sinh, chưa kể đến lượng trầm tích quan trọng mà các con sông vận chuyển. “Đối với nhiều sinh vật, không quan trọng nếu rào chắn cao 1 hay 20m, vì chúng không thể vượt qua”, Garcia de Leaniz nói.

Tập trung nỗ lực dỡ bỏ vào các rào cản nhỏ dễ thực hiện hơn là với một đập lớn. Đồng thời, có lẽ không nên dỡ bỏ một số rào cản vì chúng ngăn cản sự xâm nhập của các loài xâm lấn hoặc che chắn cho lưu vực khỏi bị ô nhiễm. Garcia de Leaniz khẳng định: “Chúng tôi muốn kết nối các sinh cảnh tốt với nhau chứ không phải với sinh cảnh xấu”.

Ở Thụy Điển, giống như hầu hết các nước châu Âu ở điểm hầu như toàn bộ lượng điện được tạo ra từ thủy điện là từ các đập lớn, những nỗ lực dỡ đập đã được nhắm vào các đập và đập tràn quy mô nhỏ. Một quỹ do một số công ty thủy điện lớn nhất trong nước thành lập gần đây nhằm cải thiện tiêu chuẩn môi trường của tất cả các đập, cung cấp cho chủ đất và các nhà điều hành đập quy mô nhỏ nguồn tài chính để di dời công trình.

Christer Borg, Giám đốc tổ chức môi trường Älvräddarna rất có ảnh hưởng ở Thụy Điển cho biết: “Đối với hầu hết mọi người, rất dễ dàng chấp nhận lời đề nghị này… vì những hoạt động này thường hoàn toàn không khả thi về mặt kinh tế”. Borg tin rằng có tới 1.000 đập quy mô nhỏ có thể được phá nhờ chương trình này.

Chiến lược tương tự được thực hiện ở Phần Lan. Các nỗ lực giảm thiểu ban đầu tập trung vào việc loại bỏ các cống ở những con lạch nhỏ trước khi chuyển sang các đập nhỏ hơn đã lỗi thời và trong ba năm đối với các đập thủy điện nhỏ đang còn vận hành.

Một chiến dịch dịch vụ công về dỡ đập đã gây chấn động dư luận Phần Lan bằng cách nêu bật những lợi ích khi người dân liên kết với các dòng sông chảy tự do, bao gồm các hoạt động giải trí đa dạng thay vì tập trung vào việc coi dỡ đập như phá dỡ cơ sở hạ tầng khiến mọi người thấy trừu tượng.

Sampsa Vilhunen, người đứng đầu chương trình nước ngọt và biển thuộc WWF Phần Lan cho biết: “Chúng tôi đã thấy một sự thay đổi thái độ đáng kể về vấn đề này với phần lớn người dân Phần Lan ủng hộ việc dỡ bỏ các đập thủy điện ngay bây giờ”.

Belletti cũng thấy được công chúng trên khắp châu Âu nhận thức nhiều hơn về tầm quan trọng của kết nối sông ngòi, và tin rằng dự án lập bản đồ có thể thông tin về tình hình thực hiện Chiến lược đa dạng sinh học của Liên minh châu Âu, trong đó mục tiêu để kết nối lại 25.000 km các dòng sông của châu Âu vào năm 2030.

Nhật Anh (Theo National Geographic)

Nguồn: