Với chiều dài bờ biển 192 km, tỉnh Bình Thuận thường xuyên hứng trực tiếp gió mùa Đông Bắc rất mạnh, gây sạt lở nghiêm trọng nên đầu tư xây dựng kè chống sạt lở được xem là vấn đề cấp bách
Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2015 đến nay, tỉnh Bình Thuận đã phải di dời trên 400 hộ dân ở huyện Tuy Phong, TP Phan Thiết, thị xã La Gi… do tình trạng nước biển xâm thực. Hàng trăm căn nhà cùng nhiều tài sản của người dân đã bị cuốn ra biển.
Biển ngoạm vào nhà
Do địa hình tỉnh Bình Thuận theo hướng Đông Bắc – Tây Nam nên thường hứng trực tiếp gió mùa Đông Bắc rất mạnh kết hợp với biến đổi khí hậu gia tăng dễ gây sạt lở. Chỉ trong một thời gian ngắn vừa qua, khoảng 22 km bờ biển bị sạt lở, nhiều đoạn biển ăn sâu vào đất liền từ 80-200 m.
Bà Huỳnh Thị Phương (ngụ xã Tiến Thành, TP Phan Thiết) – người có 27 năm chống chọi với các đợt triều cường gây sạt lở – chỉ tay lên những vết nứt đến gần 5 cm trên vách nhà than thở khi gió bấc bắt đầu thổi mạnh. Trước đây, phía sau nhà bà Phương còn đến 2 dãy nhà khác. Mỗi lần triều cường vào, do có nền nhà của những hộ phía trước nên căn nhà của bà ít bị ảnh hưởng. Nay các dãy nhà kia đều bị sóng cuốn trôi khiến căn nhà của bà từng ngày bị sóng bào vào chân kiềng. “Càng vào những tháng cuối năm càng sợ vì sóng đánh dữ lắm. Ban ngày nhìn bình thường vậy chứ khuya là sóng đánh ầm ầm cả đêm, không dám ngủ vì sợ nước cuốn nhà trôi lúc nào không hay” – bà Phương lo lắng.
Giữa tháng 12-2020, công trình kè biển chống xâm thực 350 m, kéo dài từ thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành đến khu phố 5, phường Đức Long, TP Phan Thiết hoàn thành, đưa vào sử dụng giúp hàng trăm hộ dân có nhà ven biển an tâm khi mùa gió bấc đang đến. Công trình có vốn 30 tỉ đồng được nhà nước đầu tư, kết hợp đoạn kè dài 550 m do vốn tư nhân xây dựng đã cơ bản giải quyết tình trạng xói lở bờ biển nơi đây.
“Trước đây, khu vực này có hơn 200 hộ sinh sống nhưng do sạt lở nên nhiều căn nhà đã bị sóng cuốn trôi, hiện chỉ còn gần 30 hộ. Năm nay, nhờ có công trình kè lấn biển nên tình trạng sạt lở do sóng biển đã giảm đáng kể” – ông Lê Ngọc Thu (Trưởng thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành) nói.
Uy hiếp “thủ phủ resort”
Ngoài công trình kè biển chống xâm thực dài 350 m nói trên, UBND tỉnh Bình Thuận cũng vừa kịp thời hoàn thành 3 công trình kè biển khác và bàn giao cho địa phương quản lý ngay khi chuẩn bị kết thúc năm 2020. Đó là các công trình kè dài 450 m tại thị trấn Liên Hương (huyện Tuy Phong), dự án kè bảo vệ khu dân cư phường Phước Lộc (thị xã La Gi) dài 500 m và dự án kè biển phường Hàm Tiến (TP Phan Thiết) dài 500 m.
Trong số trên, tuyến kè biển trị giá 40 tỉ đồng tại khu phố 3, phường Hàm Tiến có ý nghĩa quan trọng, giúp địa phương có hàng trăm resort, khách sạn, nhà nghỉ ven biển này bảo đảm an toàn trước sóng biển. “Có được công trình này, người dân và chính quyền địa phương rất vui mừng. Tình trạng xói lở tại khu phố 3 lâu nay rất nghiêm trọng, đặc biệt là vào mùa gió bấc hằng năm. Mỗi mùa mưa bão lại nơm nớp lo, chẳng biết nhà bị cuốn đi lúc nào” – ông Ngô Ngọc Dũng, Chủ tịch UBND phường Hàm Tiến (TP Phan Thiết), cho biết.
Bốn công trình kè biển vừa hoàn thành từ nguồn vốn 180 tỉ đồng do trung ương hỗ trợ (theo chủ trương hỗ trợ các dự án khẩn cấp khắc phục sạt lở bờ biển và bồi lắp cửa sông khu vực miền Trung) có tổng chiều dài 1,8 km. Các công trình này kết hợp với hơn 21 km kè đã được xây dựng trong giai đoạn 1997-2018 giúp tỉnh Bình Thuận khắc phục cơ bản những điểm xung yếu ven biển.
Bên cạnh nguồn vốn nhà nước, nhiều doanh nghiệp du lịch khai thác bờ biển tại Bình Thuận đã và đang “xắn tay” ngăn chặn xâm thực, sạt lở. Tại “thủ phủ resort” cả nước là khu vực Hàm Tiến – Mũi Né hiện có 11 cơ sở du lịch làm kè tạm bằng túi cát. Một số cơ sở du lịch khác cũng đầu tư xây dựng kè mỏ hàng để tạo bãi bồi. Một số khu du lịch khác tại các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Tân đã xây dựng kè biển để chống xói lở. Các công trình kè biển được đầu tư ngoài ngân sách này góp phần quan trọng cùng những dự án do nhà nước đầu tư bảo vệ bờ biển trước tình trạng nước biển xâm thực, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. “Dự kiến đến năm 2023, chúng tôi sẽ hoàn thành 6 dự án kè biển từ nguồn vốn đã được trung ương, tỉnh bố trí với tổng chiều dài hơn 6 km. Bên cạnh đó, chúng tôi cố gắng đầu tư xây dựng 5 dự án kè biển khác trong giai đoạn 2021-2025 với tổng chiều dài hơn 5,7 km để giải quyết những vị trí bờ biển có nguy cơ sạt lở cao” – ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, thông tin.
Khôi phục cung bờ biển Mũi Né – đá Ông Địa
UBND tỉnh Bình Thuận đã đồng ý lập đề án “Nghiên cứu đánh giá thực trạng xói bồi, dự báo xu thế và đề xuất giải pháp tổng thể chống xói lở, khôi phục bãi cho cung bờ biển Mũi Né – đá Ông Địa”. Đề án này dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2019-2020 nhưng do khó khăn về vốn và ảnh hưởng của dịch Covid-19 (có sự tham gia của tư vấn viên nước ngoài) nên chưa triển khai. Cung bờ biển Mũi Né – đá Ông Địa có vị trí đặc biệt quan trọng đối với ngành du lịch Bình Thuận khi có hàng trăm resort, nhà hàng, khách sạn ở khu vực này. Từ năm 2018 đến nay, hàng chục khu du lịch tại cung bờ biển này bị nước biển xâm thực, gây sạt lở nghiêm trọng. Có nơi, biển đã ăn sâu vào từ 5-10 m. |