Nhiều ý kiến của giới chuyên gia, nhà khoa học cho rằng để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, các tỉnh trong vùng cần gác lại “tư duy nhiệm kỳ” hay “lợi ích cục bộ địa phương.”
Bài 4: Xoay trục phát triển Đồng bằng sông Cửu Long – Cần ‘đồng tâm hiệp lực’
Trước dự báo, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới còn diễn biến phức tạp, tại cuộc họp với các địa phương vùng hạn mặn, tổ chức mới đây ở tỉnh Tiền Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Phải có quy hoạch tổng thể vùng Đồng bằng sông Cửu Long để có tầm nhìn dài hạn hơn chứ không phải nóng đâu phủi đó, đối phó từng năm.”
Nhiều ý kiến của giới chuyên gia, nhà khoa học cũng cho rằng để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, các tỉnh trong vùng cần gác lại “tư duy nhiệm kỳ” hay “lợi ích cục bộ địa phương.” Thay vào đó, các tỉnh cần “đồng tâm hiệp lực” để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thành điển hình mẫu mực về quy hoạch vùng trên cả nước.
Những chuyển biến bước đầu từ bộ ba chính sách
Trước hàng loạt thách thức, nguy cơ của biến đổi khí hậu, báo động tốc độ di cư, từ năm 2016 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặc biệt quan tâm tới vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nổi bật là quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế-xã hội vùng; đặc biệt là việc ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu – thường được gọi với cái tên là Nghị quyết “thuận thiên” theo một tư tưởng chủ đạo, xuyên suốt.
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết, hệ thống cơ chế, chính sách bước đầu được hoàn thiện, tập trung thúc đẩy phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững; phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, ổn định dân cư; gắn kết các quy hoạch phát triển; hoạt động hợp tác quốc tế cũng đã được thúc đẩy góp phần thu hút nguồn lực, tri thức cho đồng bằng.
Tổng vốn đầu tư cho Đồng bằng sông Cửu Long so với cả nước tăng từ 12,2% (giai đoạn 2011-2015) lên 16,53% (2016-2020); đầu tư qua địa phương đạt khoảng 200.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương gần 90.000 tỷ đồng; đầu tư qua Bộ, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn 28.200 tỷ đồng, giao thông vận tải 32.961 tỷ đồng, y tế 947,5 tỷ đồng…
Quốc hội, Chính phủ cũng đã bố trí kinh phí để triển khai các dự án: Cầu Mỹ Thuận 2 trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông, tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận và Mỹ Thuận-Cần Thơ, Quốc lộ 57 Bến Tre-Vĩnh Long, Quốc lộ 53 Trà Vinh-Long Toàn, Quốc lộ 30 Cao Lãnh-Hồng Ngự. Các dự án trọng điểm kết nối hạ tầng cơ sở gồm: đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn-Đất Mũi, cầu Long Bình, luồng tàu biển lớn vào sông Hậu, Dự án kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long…
Mới đây, vào tháng 6/2020, Thủ tướng cũng đã quyết định thành lập Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020-2025, do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm trưởng ban. Và theo chỉ đạo của Thủ tướng, quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được xây dựng và sớm được ban hành, sẽ là quy hoạch vùng đầu tiên được triển khai theo Luật Quy hoạch, kỳ vọng sẽ trở thành điển hình mẫu mực về quy hoạch vùng.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, bộ ba chính sách trên (Luật Quy hoạch, Nghị quyết “thuận thiên” và việc thành lập Hội đồng điều phối vùng) chính là “cơ hội vàng” cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Nhìn nhận ở góc độ nghiên cứu, ông Tăng Thế Cường – Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh từ khi Nghị quyết “thuận thiên” được ban hành, lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc, cùng với sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhờ đó, việc thực hiện Nghị quyết đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như: hệ thống cơ chế, chính sách bước đầu được hoàn thiện, tập trung thúc đẩy phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững; phát triển nông nghiệp công nghệ cao và phát triển hạ tầng giao thông, đô thị cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ổn định dân cư; gắn kết các quy hoạch phát triển; hoạt động hợp tác quốc tế được thúc đẩy, góp phần thu hút nguồn lực, tri thức, công nghệ cho Đồng bằng sông Cửu Long…
Hiện nay, Chính phủ cũng đang xem xét thông qua Chương trình hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu với số vốn 1,05 tỷ USD (tương đương 24.302 tỷ đồng). Riêng Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất chủ trương đầu tư 38 dự án cho vùng này với số vốn 94.500 tỷ đồng cho giai đoạn 2021-2025.
Ngoài ra, Nghị quyết 120 cũng đã thúc đẩy chuyển đổi quy mô lớn theo cơ cấu kinh tế và theo lãnh thổ trên cơ sở phát huy tiềm năng thế mạnh của vùng và từng tiểu vùng; xung đột giữa các mô hình kinh tế đã và đang được giải quyết; kết nối liên vùng đang được thúc đẩy thông qua kết nối kinh tế, kết nối hạ tầng nội vùng và với Thành phố Hồ Chí Minh; khắc phục sụt lún, sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội đang được triển khai thực hiện tập trung vào những vấn đề cấp bách; công tác điều tra cơ bản, quan trắc được tăng cường…
Với những kết quả nêu trên, ông Cường khẳng định Nghị quyết “thuận thiên” là chủ trương có tính đột phá về phát triển để kiến tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và an toàn, thịnh vượng.
Trong đó, phương châm “thuận thiên” đã được quán triệt thực hiện, qua đó giúp Đồng bằng sông Cửu Long chủ động thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, “sống chung” với lũ và coi lũ, nước mặn, nước lợ là tài nguyên để phát triển kinh tế với phân vùng hợp lý trên cơ sở phân bổ tài nguyên nước toàn vùng.
Vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” đáng lưu tâm
Mặc dù đã có những chuyển biến mạnh mẽ nhờ việc ban hành và triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP, song theo đánh giá của giới chuyên gia, Đồng bằng sông Cửu Long hiện vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, như: thiếu sự chủ động, liên kết trong việc triển khai Nghị quyết của các bộ, ngành, địa phương; khó khăn khi huy động nguồn lực, chuyển đổi sản xuất thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thẳng thắn nhìn nhận thực tế trên, giáo sư tiến sỹ Trần Thục – Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về Biến đổi khí hậu, cho rằng điều kiện tại Đồng bằng sông Cửu Long không còn những ưu đãi như trước; biến đổi khí hậu làm cho tình hình khó khăn hơn. Mặc dù, hiện nay vùng này vẫn còn nhiều nước, nhưng nước sạch cho nuôi trồng thủy sản thì không nhiều. Về giống, chúng ta có giống lúa rất tốt, giống cây ăn quả nhiều nhưng giống của thủy sản thì chưa nhiều.
Tương tự, đối với thủy sản, cây ăn trái, nếu không bán được chắc chắn sẽ bị hỏng.
Cũng theo ông Thục, mặc dù Đồng bằng sông Cửu Long đã hướng tới việc liên kết liên vùng với Thành phố Hồ Chí Minh, với khu vực Đông Nam Bộ – qua đó kỳ vọng sẽ góp phần mở ra cơ hội cho vùng trao đổi được về vốn, con người và công nghệ. Tuy nhiên liên kết với các khu vực này vẫn chưa đủ với Đồng bằng sông Cửu Long, bởi vùng này vẫn chưa có một trung tâm để thu hút, phát triển cho cả vùng.
“Cái khó ở Đồng bằng sông Cửu Long là giống nhau nhiều mặt. Lúa, thủy sản, cây ăn trái các tỉnh đều giống nhau, nên trong quy hoạch cần xác định rõ những nơi nào có thế mạnh hơn để phát triển kinh tế và liên kết tốt hơn,” ông Thục chia sẻ.
Ngoài ra, việc hoàn thiện thể chế, chính sách triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết “thuận thiên” vẫn còn chậm; một số chính sách đã được ban hành nhưng chưa đi vào cuộc sống vì chưa đồng bộ với nguồn lực thực hiện, như Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; dẫn đến hiệu quả chính sách không cao.
Có chung quan điểm, ông Trần Công Thắng – Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, cho rằng Nghị định 57/2018/NĐ-CP là một trong những Nghị định có nhiều điểm đổi mới. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn còn chậm. Nguyên nhân là bởi nguồn lực triển khai từ ngân sách Trung ương và địa phương, nhưng các tỉnh dựa vào nông nghiệp nhiều, ngân sách địa phương để ưu tiên cho đầu tư cũng còn hạn chế, nên tuy đã triển khai nhưng chưa nhiều.
Bên cạnh đó, quá trình làm chính sách để ra Nghị định dù nhanh, nhưng để hướng dẫn, đưa tới cho các doanh nghiệp để doanh nghiệp hiểu hết và làm các thủ tục, phải mất khoảng 6-7 tháng; trong quá trình triển khai có rất nhiều vướng mắc khác cần có sự trao đổi giữa tác nhân được hưởng thụ với cơ quan quản lý ở địa phương và Trung ương. Những điều này làm hạn chế hiệu quả triển khai chính sách.
Cần cơ chế đặc thù để “xoay trục” phát triển vùng
Để khắc phục những “điểm nghẽn” trên, giáo sư tiến sỹ Trần Thục – Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về Biến đổi khí hậu, cho rằng với điều kiện địa hình của Đồng bằng sông Cửu Long rất bằng phẳng và hệ thống kênh rạch chằng chịt, vùng này nên được xem là một tổng thể.
“Một hoạt động của một địa phương này có thể tác động tốt hoặc tác động xấu đến những vùng khác. Vì thế, theo tôi cần có quy hoạch tổng thể của Đồng bằng sông Cửu Long, không xét đến ngành, không xét đến địa giới hành chính. Có được quy hoạch như thế sẽ tạo được điều kiện của các bên tham gia thực hiện, đặc biệt là chính quyền địa phương và người dân, cộng đồng,” ông Thục nhấn mạnh.
Vị chuyên gia của Ủy ban quốc gia về Biến đổi khí hậu cũng lưu ý trong quy hoạch tổng thể vùng cần có mốc thời gian đủ dài. Thực tế cho thấy một Nghị quyết “ra đời” trong vòng 1 năm sẽ không thể kỳ vọng mang lại tác động nhanh được mà phải có quy luật thời gian. Bên cạnh đó cần xem xét quy mô về không gian và cần phải xem những kịch bản về rủi ro đối với việc thực hiện quy hoạch này.
“Tôi rất kỳ vọng quy hoạch tổng thể đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng sẽ mang lại lợi ích và tháo gỡ các điểm nghẽn trên,” ông Thục nói và tin tưởng rằng các địa phương sử dụng kiến thức của người dân địa phương, áp dụng những kiến thức, kinh nghiệm nhỏ lẻ của họ sẽ biến thành kinh nghiệm lớn cho toàn vùng.
Ông Trần Công Thắng – Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, cũng khẳng định Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm của nông nghiệp. Mặc dù việc đầu tư của các doanh nghiệp vào vùng này chưa được nhiều, nhưng với những hợp lý về chính sách sẽ thu hút được thêm các nhà đầu tư – đầu tầu kéo theo việc sản xuất chuỗi. “Nếu làm tốt trong thời gian tới, sự ‘xoay trục’ sẽ còn nâng cao được hiệu quả hơn nữa,” ông Thắng nhấn mạnh.
Có chung quan điểm, ông Tăng Thế Cường – Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, cho rằng để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long cần phải có một cơ chế đặc thù, song cũng phải đặt chung trong bối cảnh quốc gia và cân đối với các vùng, miền.
Thực tế cho thấy từ năm 2016 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 cơ chế lớn cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Mặc dù, các cơ chế này vẫn chủ yếu về tăng cường trao đổi ở cấp độ chính sách về liên kết vùng nhưng đã hình thành các Tổ điều phối cấp Bộ, cấp tỉnh; Tổ chuyên gia tư vấn để giúp Hội đồng hoạt động hiệu quả, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ những cơ chế, chính sách đặc thù, các chiến lược, quy hoạch, chương trình, dự án quy mô vùng, liên vùng để phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
“Đây là nền móng ban đầu cho việc hình thành và thực hiện các cơ chế chính sách phù hợp hơn với đặc điểm tự nhiên, điều kiện kinh tế-xã hội của Đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó tháo gỡ được những rào cản và giải phóng hiệu quả nguồn lực cho phát triển bền vững vùng trong thời gian tới,” ông Cường chia sẻ.
Tại Hội nghị báo cáo và tham vấn Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng nhận định mặc dù còn khá nhiều thách thức, song vùng vẫn có rất nhiều lợi thế, cơ hội phát triển.
Theo ông Dũng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí địa lý chiến lược, nằm ở trung tâm khu vực ASEAN, là cửa ngõ kết nối của các hành lang kinh tế tiểu vùng MeKong mở rộng (GMS), có nhiều lợi thế phát triển kinh tế biển, biên mậu, giao thương quốc tế; nguồn nhân lực còn rất nhiều dư địa để phát triển và cải thiện chất lượng, trong đó, các địa phương trong vùng vẫn đang trong thời kỳ dân số vàng.
Đặc biệt, nền nông nghiệp của vùng hiện vẫn đang nắm giữ rất nhiều sản phẩm ưa chuộng của thị trường thế giới với nhu cầu ngày càng tăng, như nông sản hữu cơ, tôm, cá tra, trái cây, lúa gạo; Đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế đặc biệt về các nguồn năng lượng tái tạo, bao gồm năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh khối, năng lượng từ sóng biển và thủy triều…
“Do vậy, định hướng phát triển năng lượng tái tạo ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long có thể xem là một chiến lược biến nguy cơ, thách thức của biến đổi khí hậu thành lợi thế, cơ hội phát triển,” ông Dũng nhấn mạnh.