Liên kết sản xuất trong nông nghiệp theo hướng xây dựng chuỗi giá trị được xem là hướng đi đúng đắn bởi không chỉ giúp người dân nâng cao giá trị nông sản một cách bền vững mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động được nguồn tư liệu sản xuất, đặc biệt là về nhân lực và đất đai, từ đó tạo dựng được vùng nguyên liệu phục vụ cho việc sản xuất ổn định. Đây cũng là chính sách được cụ thể hóa tại Nghị định 98/2018/NĐ-CP về việc khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương thực hiện giao, khoán rừng cho cộng đồng, nhóm hộ rất tích cực. Tính đến năm 2018, toàn tỉnh đã giao 29.023,7 ha cho 88 cộng đồng và 13.205 ha cho 225 nhóm hộ. Tuy nhiên rừng giao cho các cộng đồng phần lớn là rừng tự nhiên sản xuất với trạng thái từ nghèo đến trung bình nên việc đầu tư và hưởng lợi từ rừng rất hạn chế. Hiện tại, nguồn thu chính từ rừng của các cộng đồng chủ yếu vẫn là từ nguồn Chi trả dịch vụ môi trường rừng (PFES). Trong quá trình thực hiện giao rừng, một số dự án cũng hỗ trợ các cộng đồng nơi đây đầu tư phát triển các loài lâm sản ngoài gỗ như cây gỗ bản địa, mây, ba kích…, song đến nay, các mô hình chưa cho thấy sự hiệu quả vì thời gian sinh trưởng của cây tương đối dài.
Hiện nay, nhiều cộng đồng không đầu tư phát triển các loại cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng do các loài cây này có chu kỳ khai thác dài, khó đem lại lợi nhuận và thị trường bấp bênh. Trong khi đó, phần lớn cộng đồng nhận rừng tự nhiên lại là người dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế khó khăn, cần hướng đến các mô hình sinh kế sớm mang lại nguồn thu nhập .
Nhận thấy tiềm năng phát triển cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên tại một số huyện thuộc Thừa Thiên Huế, đặc biệt là khu vực vùng đệm Khu Bảo tồn Sao La, Công ty Liên Minh Xanh, đơn vị thành lập năm 2016, trụ sở tại Huế, đã tăng cường phát triển các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với người dân và cộng đồng được giao rừng tự nhiên ở hai huyện Nam Đông và A Lưới, trước mắt là góp phần tạo thu nhập cho 5 cộng đồng được giao rừng và xa hơn là toàn bộ diện tích rừng giao cho cộng đồng tại Thừa Thiên Huế.
Mục tiêu mà Liên Minh Xanh hướng tới là tạo ra các sản phẩm tinh dầu có chất lượng cao, chứa đựng những giá trị tự nhiên và văn hóa đặc trưng của vùng núi Trường sơn. Trong số nhiều thảo dược tại khu vực này, Liên Minh Xanh đã nghiên cứu và chọn ra loài cây Thiên niên kiện để phát triển dưới tán rừng tự nhiên. Thiên niên kiện là loài cây dược liệu có giá trị, được dùng chữa phong thấp, khớp xương đau nhức, co quắp, tê bại. Hiện thiên niên kiện là một vị thuốc được nhân dân dùng chữa tê thấp, bổ gân cốt, giảm đau nhức. Cây này cũng là thành phần chính trong một số sản phẩm như Cốt thoái vương, Hoàn nguyên cốt… Đây là một loài cây phù hợp để phát triển dưới sinh cảnh rừng tự nhiên, có thời gian sinh trưởng ngắn.
Để khuyến khích các cộng đồng mạnh dạn đầu tư phát triển cây Thiên niên kiện, Công ty Liên Minh Xanh đã thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Không chỉ hỗ trợ kỹ thuật cho các cộng đồng từ khâu làm giống, trồng, chăm sóc và khai thác bền vững, Công ty còn thu mua nguyên liệu để người dân yên tâm sản xuất. Hiện Công ty đã ký kết 05 Thỏa thuận hợp tác thu mua nguyên liệu với cộng đồng tại 4 xã vùng đệm của Khu bảo tồn Sao la là xã A Roàng, Hương Nguyên (huyện A Lưới); xã Thượng Long, Thượng Quảng (huyện Nam Đông). Bên cạnh đó, Công ty còn huy động được một số nguồn lực để phát triển diện tích Thiên niên kiện dưới tán rừng tự nhiên. Tính đến nay, tổng diện tích Thiên niên kiện được trồng là khoảng 34 ha, trong đó, 4 ha do Dự án Trường Sơn Xanh hỗ trợ và 30 ha do Ủy ban nhân dân huyện Nam Đông đầu tư phát triển.
Bên cạnh việc được hỗ trợ kỹ thuật trồng cây, các cộng đồng còn tiến hành khai thác củ Thiên niên kiện có sẵn ở các khu rừng tự nhiên theo hướng bền vững dưới sự giám sát của Công ty Liên Minh Xanh. Trong năm 2018 – 2019, Công ty đã thu mua 7 tấn Thiên niên kiện, tạo thu nhập gần 50 triệu đồng cho hơn 50 người dân tộc thiểu số hai huyện Nam Đông và A Lưới.
Ngoài giá trị kinh tế, việc phát triển Thiên niên kiện dưới tán rừng còn góp phần làm tăng tính đa dạng sinh học và bảo vệ rừng hiệu quả hơn, việc trồng cây giúp đa dạng tầng tán ở rừng tự nhiên. Ngoài ra, việc khai thác Thiên niên kiện còn tạo động lực cho người dân thường xuyên đi rừng kết hợp tuần tra bảo vệ rừng.
Tuy đạt được một số kết quả ban đầu, song mô hình liên kết giữa Liên Minh Xanh và các hộ dân cũng gặp nhiều thách thức. Thứ nhất, việc liên kết phát triển dược liệu dưới tán rừng tự nhiên cần thời gian dài, cần nhiều tác động kỹ thuật để cây có thể sinh trưởng và phát triển tốt, vì vậy, doanh nghiệp phải tốn nhiều chi phí, thời gian để xây dựng vùng nguyên liệu. Thứ hai, phần lớn người dân nhận rừng là người dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế khó khăn và trình độ còn hạn chế nên ban đầu, doanh nghiệp phải tốn nhiều thời gian động viên, khuyến khích người dân phát triển cây Thiên niên kiện dưới tán rừng. Thứ ba, hiện chỉ có chính sách khuyến khích trong việc liên kết sản xuất nông nghiệp nói chung chứ chưa có chính sách khuyến khích đặc thù cho liên kết sản xuất trong ngành lâm nghiệp, vì vậy, ít doanh nghiệp chú trọng đến lĩnh vực này.
Nhằm thúc đẩy các mô hình liên kết trong sản xuất nông lâm nghiệp, đặc biệt là sản xuất các sản phẩm dược liệu theo chuỗi thị trường, Nhà nước cần ban hành một số chính sách đặc thù để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào rừng tự nhiên, trong đó chú trọng các chính sách về tài chính vì đầu tư vào ngành lâm nghiệp tương đối khó khăn và cần thời gian dài. Đối với các cơ quan ban ngành và chính quyền địa phương, cần lồng ghép các chương trình phát triển lâm sản ngoài gỗ, các loài cây dược liệu vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, đặc biệt, cần huy động sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện để xây dựng các chương trình phù hợp, khả thi.
“Từ trước đến nay, việc tuần tra rừng phần lớn do đàn ông thực hiện. Nhưng khi trồng và khai thác Thiên niên kiện bán cho Công ty Liên Minh Xanh, chị em cũng phấn khởi. Việc đi khai thác Thiên niên kiện cũng nhẹ nhàng, phù hợp với chị em phụ nữ. Khi chúng tôi đi khai thác cũng vừa kiếm được tiền, vừa tranh thủ tuần tra, bảo vệ rừng luôn”, chị Hồ Thị Sơn, cộng đồng thôn Ka rôn – A Ho, xã A Roàng, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. |
Phan Trọng Trí, Công ty Liên Minh Xanh