Cú đòn giáng vào Ant Group xói mòn niềm tin của nhà đầu tư ngoại. Làn sóng nợ xấu và tình trạng bất bình đẳng cản trở quá trình phục hồi nền kinh tế Trung Quốc sau dịch Covid-19.
Chưa đầy một năm sau khi dịch Covid-19 bùng phát, cuộc sống của người dân Trung Quốc gần như trở lại bình thường. Trong khi đó, Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu vẫn chật vật đối phó với đại dịch có nguồn gốc từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc).
“Có nhiều điều tốt đẹp để nói về nền kinh tế Trung Quốc trong năm nay. Nhưng vẫn luôn có điều cần được cải thiện. Trong số 1.000 quyết định đúng trong năm nay, Trung Quốc đã làm sai 3 điều quan trọng”, Bloomberg phân tích.
Chỉ vài tháng sau khi dịch Covid-19 bùng phát, thế giới đã nhận ra tác động nghiêm trọng của dịch bệnh đến tình trạng bất bình đẳng thu nhập. Các đại gia công nghệ toàn cầu và nhân sự cấp cao thoải mái làm việc từ xa, rủng tỉnh tiền mặt. Trong khi đó, hàng loạt doanh nghiệp nhỏ trượt đến bờ vực phá sản.
Phục hồi hình chữ K
Đến tháng 4, chính quyền Bắc Kinh nới lỏng lệnh hạn chế, giúp các nhà hàng nhỏ mở cửa trở lại. Tuy nhiên, nhiều nhà hàng lên tiếng phàn nàn về việc những siêu ứng dụng giao đồ ăn nắm thế độc quyền, buộc họ phải hợp tác với mức chi phí cắt cổ.
Chính các siêu ứng dụng này bị coi là mối đe dọa đối với đà phục hồi của ngành khách sạn, ăn uống, cũng như sinh kế của người lao động Trung Quốc. Tuy nhiên, phải tới giữa tháng 11, chính quyền Trung Quốc mới bắt đầu vào cuộc. Bắc Kinh công bố một dự thảo quy định chống độc quyền dài 22 trang, nhắm vào các đại gia công nghệ nước này.
Alibaba của tỷ phú Jack Ma bị cáo buộc ép người bán hàng bán sản phẩm độc quyền trên nền tảng của tập đoàn này. Lập tức, giá cổ phiếu của Alibaba lao dốc 28% so với mức cao hồi tháng 10.
Sự phục hồi hình chữ K (các ông chủ giàu lên nhanh chóng, còn doanh nghiệp nhỏ và người lao động cấp thấp rơi vào cảnh khốn cùng) thực tế không phải tình trạng đáng ngạc nhiên. Theo các số liệu thống kê, hoạt động sản xuất bật tăng nhanh chóng. Trong khi đó, doanh số bán lẻ – thước đo niềm tin của người tiêu dùng – vẫn thấp trong nhiều tháng.
Các mặt hàng xa xỉ bán chạy. Doanh thu xe hơi cao cấp tăng, những sản phẩm cao cấp của Chanel và Louis Vuitton cũng tăng giá. Tại Mỹ và các quốc gia khác, niềm tin của người tiêu dùng được nâng đỡ một phần bởi những gói kích thích kinh tế và trợ cấp thất nghiệp. Còn Trung Quốc vực dậy nền kinh tế bằng cách xây dựng các dự án tàu cao tốc mới và trạm phát 5G.
Tại Trung Quốc, hơn 170 triệu người lao động từ quê lên các thành phố lớn, làm việc chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất và dịch vụ. Dịch Covid-19 khiến họ mất việc làm. Tuy nhiên, họ không được nhận trợ cấp thất nghiệp mà về quê làm nông.
Trung Quốc tham vọng chuyển đổi sang xã hội tiêu dùng. Bởi nền kinh tế phụ thuộc vào sản xuất công nghệ vốn dễ tổn thương bởi các chu kỳ kinh doanh toàn cầu. “Tuy nhiên, thiếu sót của mạng lưới an sinh xã hội có thể triệt tiêu niềm tin của người tiêu dùng vĩnh viễn”, Bloomberg nhận định.
Theo giới phân tích, chính các biện pháp kích thích kinh tế lỗi thời sẽ làm chậm lại mục tiêu kinh tế của Trung Quốc.
Sự cố Ant Group
“Khi người Mỹ tập trung vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, Trung Quốc vẫn có cách để chiếm sự chú ý”, Bloomberg viết. Hôm 3/11, các quan chức Trung Quốc ra lệnh hoãn đợt IPO (phát hành cổ phiếura công chúng lần đầu) trị giá 35 tỷ USD của tập đoàn fintech (công nghệ tài chính) Ant của ông Ma.
Sức mạnh đồng USD sa sút vốn giúp đồng NDT trở nên hấp dẫn hơn, chênh lệch lãi suất trái phiếu chính phủ đạt mức cao kỷ lục, tạo làn sóng IPO của các kỳ lân (startup được định giá trên 1 tỷ USD) tại Trung Quốc. Tuy nhiên, vụ việc của Ant Group buộc giới đầu tư phải cân nhắc lại.
Sàn giao dịch chứng khoán thành phố Thượng Hải cho biết có sự “thay đổi đáng kể” trong môi trường pháp lý và cung cấp một số chi tiết bổ sung về lý do các nhà chức trách hủy niêm yết. Theo đó, Ant cần thêm vốn và giấy phép mới để tuân thủ những quy định dành cho các tập đoàn tài chính. Những quy định này bắt đầu có hiệu lực vào tháng 11.
Trong thời dịch Covid-19, ngành công nghiệp tín dụng tiêu dùng Trung Quốc tăng trưởng thần tốc.. Hôm 27/12, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tuyên bố Ant có “rất ít nhận thức về pháp lý” và yêu cầu gã khổng lồ fintech tập trung vào mảng kinh doanh thanh toán kỹ thuật số cốt lõi, ít sinh lời.
Tuy nhiên, điều khiến giới đầu tư toàn cầu lo ngại là Bắc Kinh yêu cầu Ant hoãn IPO không phải vì vấn đề quy định. Thay vào đó, nguyên nhân thực sự là bài phát biểu của tỷ phú Jack Ma tại sự kiện ở Thượng Hải hồi cuối tháng 10.
Tại đó, nhà sáng lập Alibaba thẳng thừng chỉ trích hệ thống ngân hàng Trung Quốc chẳng khác gì “tiệm cầm đồ”. Bởi các nhà băng đòi tài sản thế chấp thay vì sử dụng dữ liệu và công cụ công nghệ cao nhằm đánh giá rủi ro tín dụng.
Ông còn gọi Hiệp ước Basel của hệ thống ngân hàng toàn cầu là “câu lạc bộ của những người già”. Theo Jack Ma, không phải “rủi ro hệ thống”, việc “thiếu một hệ sinh thái tài chính” mới là vấn đề của đất nước tỷ dân. Tờ Wall Street Journal dẫn một số nguồn tin từ Bắc Kinh cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rất tức giận với phát ngôn của tỷ phú Jack Ma.
Những nhận xét thẳng thắn của ông Ma khá nhạy cảm. Nhưng trên thực tế, cụm từ “tiệm cầm đồ” cũng không do ông Ma phát minh ra. Một số quan chức tại Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã từng sử dụng những từ ngữ tương tự.
Giới quan sát cho rằng tham vọng lôi kéo tiền đầu tư nước ngoài để bù đắp thâm hụt tài khóa của Trung Quốc có thể gặp rủi ro từ chính cú đón giáng vào Ant Group.
Làn sóng nợ xấu
Bloomberg cho rằng có một nhận thức đã được hình thành từ lâu tại Trung Quốc. Theo đó, các doanh nghiệp tư nhân có thể bị chính quyền triệu tập và gây khó dễ bất cứ lúc nào. Trường hợp của Jack Ma là minh chứng điển hình. Trong khi đó, những doanh nghiệp quốc doanh thoải mái hơn nhiều với nguồn lực dồi dào từ các địa phương.
Do đó, khi nền kinh tế thứ hai thế giới phục hồi từ cuộc khủng hoảng dịch Covid-19, làn sóng vỡ nợ của các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc khiến thị trường chao đảo. Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, một doanh nghiệp ôtô lớn ở tỉnh Liêu Ninh, một công ty khai thác than tại tỉnh Hà Nam và một nhà sản xuất chip đã chuyển cổ phiếu của các công ty con ra ngoài trước khi vỡ nợ.
Trong nhiều năm qua, Bắc Kinh nỗ lực xóa đi những định kiến về việc đảm bảo ngầm. Theo đó, giới đầu tư tin rằng chính phủ sẽ can thiệp để cứu trợ bất cứ doanh nghiệp quốc doanh nào.
Khi một nhà phát triển bất động sản tư nhân vỡ nợ, các chủ nợ có thể thu quỹ đất. Nhưng liệu nhà đầu tư có khả năng đòi tài sản từ doanh nghiệp quốc doanh sau khi họ phá sản hay không?Như vậy, dù có khả năng vỡ nợ thấp hơn, các doanh nghiệp quốc doanh có thể bảo vệ tài sản cốt lõi khỏi chủ nợ sau khi vỡ nợ.
Thống kê của Fitch Ratings cho thấy các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc vỡ nợ trái phiếu 6,1 tỷ USD từ tháng 1 đến tháng 10, tương đương con số tổng của 2 năm trước.
Nợ Trung Quốc tăng 20%/năm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, tỷ lệ vượt xa mức tăng trưởng kinh tế. Hậu quả là tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc tăng từ 178% hồi năm 2010 lên 275% trong quý I/2020.