Hành lang đa dạng sinh học (ĐDSH) đóng vai trò duy trì sự tồn tại các quần thể động, thực vật trong tự nhiên bằng cách giúp chúng khỏi bị tiêu diệt bởi các yếu tố ngẫu nhiên, tăng tính đa dạng di truyền và giữ lại các chu trình quan trọng trong hệ sinh thái (Hess và Fischer, 2001). Hiện nay, các hành lang ĐDSH trên thế giới đã khẳng định được vai trò quan trọng đối với việc tạo sự ổn định về mặt sinh thái, đặc biệt là cầu nối cho nhiều loài động vật như hổ, báo và chim di cư sử dụng để di chuyển giữa các khu bảo tồn nằm trong phạm vi phân bố của chúng, giúp tăng cường cơ hội tương tác của loài với nhau, giảm sự chia cắt sinh cảnh và các hệ sinh thái tự nhiên. Bên cạnh đó, hành lang ĐDSH còn tạo hành lang xanh với chức năng giải trí, thẩm mỹ, kết nối cộng đồng, văn hóa, góp phần cải thiện sinh kế cộng đồng và tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tại. Những chức năng này được công nhận một cách rộng rãi và đưa vào tài liệu Quy hoạch hành lang sinh học của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, hành lang ĐDSH mới đóng vai trò là nơi di chuyển cho các loài động, thực vật – theo đúng khái niệm “Hành lang ĐDSH là khu vực nối liền các vùng sinh thái tự nhiên để cho phép các loài sinh vật sống trong các vùng sinh thái đó có thể liên hệ với nhau” được quy định tại Luật ĐDSH 2008.
Hành lang ĐDSH ra đời từ những năm 1940 nhằm hỗ trợ việc di chuyển cho các loài động vật trong quản lý các loài được phép săn bắn tại Hoa Kỳ (Harris, 1984). Đến những năm 1980, hành lang ĐDSH được coi là một thành phần cơ bản trong quy hoạch cảnh quan thuộc lĩnh vực Sinh thái cảnh quan khi Forman và Godron (1981; 1986) sử dụng lần đầu ở vùng Bắc Mỹ. Theo hệ thống mới này, cảnh quan (landscape) bao gồm các vùng sinh cảnh sống có kích thước khác nhau (patches) và hành lang ĐDSH là các cấu trúc dạng đường thẳng nối liền các vùng. Hiện trên thế giới có một số hành lang ĐDSH quan trọng và có quy mô lớn như Hành lang ĐDSH ở Trung Mỹ và ở Bhutan.
Tại Trung Mỹ, 7 quốc gia gồm Mexico, Costa Rica, El Salvador, Guatemala, Honduras, Belize, Nicaragua đã cùng ký một Công ước chung tại Hội nghị thượng đỉnh năm 1997 nhằm chính thức thành lập hành lang ĐDSH lớn nhất thế giới nối liền các khu vực rừng tự nhiên từ phía Nam Mexico tới tất cả vùng Trung Mỹ và kết thúc tại kênh đào Panama. Hành lang này là cầu nối sinh học giữa hai lục địa, và hiện đã có một số thành công trong việc phục hồi vài quần thể động vật cũng như tăng số lượng cá thể một số loài quan trọng.
Đối với Bhutan, quốc gia này cũng thiết lập được một hệ thống khu bảo tồn rộng lớn đặc trưng cho nhiều vùng sinh thái khác nhau, từ cận nhiệt đới tới ôn đới với tổng diện tích chiếm 26% diện tích cả nước. Năm 1999, Chính phủ Bhutan thành lập một hệ thống 12 hành lang ĐDSH có tổng diện tích 16.000km2, chiếm 9% diện tích cả nước nhằm nối liền các khu bảo tồn với nhau.
Việt Nam và một số quốc gia trong khu vực đã thí điểm xây dựng một số hành lang quan trọng. Từ năm 2006, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á, Dự án Hành lang ĐDSH tại các nước Tiểu vùng sông Mê Kông đã được xây dựng tại 5 quốc gia gồm Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc. Dự án tiến hành thử nghiệm tại 6 địa điểm gồm: dãy Cardamom, Mondulkiri (Campuchia), Xishuangbanna (Trung Quốc), Xe Pian-Dong Hua Sao-Dong Ampham (Lào), hệ thống rừng phía Tây Tenasserim (Thái Lan) và Ngọc Linh – Xê Sáp (Việt Nam). Ngoài mục tiêu khôi phục và duy trì tính kết nối của hệ sinh thái, Dự án còn hướng tới xóa đói giảm nghèo thông qua việc sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên và phát triển sinh kế; định nghĩa chính xác về việc sử dụng đất tối ưu và các cơ chế quản lý đất hài hòa; xây dựng năng lực trong các cộng đồng địa phương và cán bộ nhà nước; và có các cơ chế, cấu trúc tự chi trả bền vững lồng ghép với các thủ tục về quy hoạch và đưa vào ngân sách của chính phủ.
Bên cạnh đó, Dự án cũng hỗ trợ việc hình thành Hành lang nối các khu bảo tồn ở Quảng Nam, Kon Tum với Lào thông qua hệ thống Sông Thanh – Ngọc Linh – Xê Sáp. Riêng ở Việt Nam, Dự án xây dựng hệ thống kết nối các khu bảo tồn tại ba tỉnh Quảng Nam – Thừa Thiên Huế – Quảng Trị với 6 hành lang ĐDSH có tổng diện tích khoảng 130.000 ha. Trong giai đoạn 2004 – 2008, Tổ chức WWF đã thực hiện Dự án hành lang xanh giữa VQG Bạch Mã và Khu BTTN Phong Điền với nhiều hoạt động khảo sát ĐDSH được thực hiện. Giai đoạn 2 được thực hiện từ năm 2012 tại Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Riêng ở Quảng Trị, tính đến tháng 12/2018, Dự án đã đạt được những kết quả nhất định theo từng hợp phần, trong đó đã lập hồ sơ giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp cho 10 thôn với tổng diện tích hơn 3.300 ha, đồng thời tổ chức xây dựng kế hoạch quản lý rừng 5 năm cho các thôn điểm. Tại Quảng Nam, Dự án bắt đầu triển khai từ năm 2018.
Hiện Việt Nam có 168 vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên và theo Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 08/01/2014, mục tiêu Quy hoạch tổng thể đa dạng sinh học cả nước đến năm 2020 sẽ nâng tổng diện tích hệ thống khu bảo tồn đạt 2.940.000 ha, đến năm 2030 đạt 3.067.000 ha với tổng số 219 khu bảo tồn. So với tổng số diện tích đất có rừng hiện nay của nước ta là trên 14,6 triệu ha thì diện tích các khu bảo tồn vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ. Cũng theo Quyết định này, đến năm 2020, cả nước sẽ có 04 hành lang đa dạng sinh học vùng Đông Bắc và Nam Trung Bộ với tổng diện tích 120.000 ha, và đạt 445.000 ha trong 21 hành lang ĐDSH tính đến 2030.
Mặc dù được coi là một trong những công cụ hiệu quả giúp bảo tồn ĐDSH trên quy mô lớn, nhiều dự án xây dựng hành lang ĐDSH gần đây lại quan tâm nhiều hơn đến cấu trúc của hành lang mà không hoặc ít chú trọng đến chức năng của chúng. Bên cạnh đó, việc thử nghiệm tại một số quốc gia cũng gặp những thách thức nhất định, đơn cử như vùng Cardamom ở Campuchia có nhiều dự án thủy điện đang được quy hoạch và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái cũng như cuộc sống của người dân trong vùng. Riêng ở Việt Nam, vùng thử nghiệm của Dự án Hành lang ĐDSH tại Quảng Nam và Quảng Trị gặp nhiều thách thức như phát triển cơ sở hạ tầng và xây dựng thủy điện. Nhiều đường sá trong khu vực được xây dựng hoặc mở rộng như đường mòn Hồ Chí Minh, quốc lộ 14D, 14B và một số tuyến đường khác khiến các vùng sinh thái tự nhiên bị chia cắt. Nhiều dự án thủy điện cũng đang được quy hoạch và xây dựng, tác động lớn lên hệ sinh thái và các điều kiện kinh tế – xã hội của người dân sống trong khu vực. Ngoài ra, các hoạt động khai thác vàng, gỗ, buôn bán động vật hoang và săn bắn trái phép… cũng tác động không nhỏ tới các hệ sinh thái này.
Nhằm khắc phục những thách thức nêu trên, đồng thời thúc đẩy việc thành lập và đưa vào vận hành các danh mục hành lang ĐDSH đã được xác định tại Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 08/01/2014, cần ưu tiên thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, cần đẩy mạnh điều tra đa dạng sinh học tại các hành lang ĐDSH đã được đề xuất. Việt Nam hiện đang thiếu trầm trọng thông tin, hiện trạng đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn mà một trong những nguyên nhân chính yếu là do rừng tại các khu hành lang thường bị nhận định sai lầm rằng chúng nghèo nàn, đa dạng sinh học không cao, không còn các loài quý, hiếm; đa phần chúng thuộc loại rừng sản xuất, rừng phòng hộ. Trong khi trên thực tế có nhiều hành lang ĐDSH có tính đa dạng sinh học cao, lưu giữ nhiều loài động, thực vật quý, hiếm, rất cần ưu tiên bảo vệ. Hành lang ĐDSH giữa VQG Kon Ka Kinh với Khu BTTN Kon Chư Răng là một ví dụ, mặc dù chỉ qua khảo sát nhanh trong năm 2017, 2018, song Trung tâm GreenViet đã ghi nhận được những kết quả rất tích cực. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học tại các hành lang không chỉ có ý nghĩa để chúng ta biết được tầm quan trọng của nó mà còn cho chúng ta biết còn lại những gì để bảo vệ, để chủ rừng thiết lập phương án tuần tra, giám sát bảo tồn và phát triển bền vững cũng như đảm bảo quyền tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên của cộng đồng một cách phù hợp.
Thứ hai, cần áp dụng phương pháp tiếp cận hệ sinh thái trong quản lý đa dạng sinh học – đây là giải pháp quản lý tổng hợp các hợp phần trong hệ sinh thái bao gồm đất, nước và các tài nguyên sinh học cũng như các mối quan hệ qua lại giữa chúng với nhau nhằm thúc đẩy bảo tồn, sử dụng bền vững, chia sẻ công bằng lợi ích có được từ các nguồn tài nguyên và dịch vụ có được từ hệ sinh thái. Cách tiếp cận này cũng thể hiện chúng ta thực hiện nghiêm túc Công ước đa dạng sinh học mà Việt Nam là một thành viên, đồng thời giúp mở rộng quy mô bảo tồn ra khỏi các vùng lõi phải bảo vệ nghiêm ngặt tại vườn quốc gia, khu bảo tồn.
Thứ ba, cần đẩy mạnh thực thi chính sách về quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học. Theo Quy hoạch tổng thể ĐDSH cả nước đến năm 2030, chúng ta thành lập 21 hành lang ĐDSH. Đây là một tầm nhìn chiến lược quan trọng mà Việt Nam chỉ còn hơn 10 năm để hoàn thành. Trong quá trình triển khai sẽ gặp không ít những khó khăn trở ngại từ nguồn lực đến thể chế và thực tiễn, do đó, cần đẩy mạnh ngay từ bây giờ để năm 2030 đạt mục tiêu 445.000 ha tổng diện tích hành lang đa dạng sinh học (gấp hơn 10 lần diện tích Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, Gia Lai). Đặc biệt, không chỉ thực thi Quyết định số 45/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ mà còn cần mở rộng quy mô về diện tích của các hành lang ĐDSH nói chung, hành lang Kon Ka Kinh – Kon Chư Răng nói riêng bởi đây là khu vực lưu trữ đa dạng sinh học quan trọng của đất nước, nơi các mảnh rừng ngày càng bị chia cắt mạnh, đồng thời góp phần tạo sự kết nối toàn vẹn hệ sinh thái Trung Trường Sơn, Việt Nam.
Thứ tư, cần chia sẻ lợi ích, phát triển sinh kế cộng đồng vùng đệm gắn với nâng cao nhận thức. Áp lực lớn và thường xuyên đến công tác quản lý và bảo vệ hành lang là cộng đồng dân cư. Vì vậy, cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống cho cộng đồng rất quan trọng. Sinh kế của người dân cần tiếp cận theo hai hướng gồm nâng cao năng suất trồng trọt, chăn nuôi trên diện tích rẫy của cộng đồng đang có, và chia sẻ lợi ích, quyền tiếp cận sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý, bền vững. Những lâm sản ngoài gỗ hay mô hình sinh kế dưới tán rừng, và kể cả một phần kinh phí cộng đồng nhận dược từ dịch vụ chi trả môi trường rừng đều có thể sử dụng và khai thác theo hướng bền vững. Song song với đó, cần nâng cao nhận thức cho cộng đồng, đặc biệt cần thúc đẩy tuyên truyền về pháp luật, vai trò và giá trị của đa dạng sinh học đối với cộng đồng kết hợp xử lý nghiêm minh và có tính răn đe cao đối với các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học tại hành lang.
Thứ năm, tăng cường cải thiện năng lực quản lý hành lang ĐDSH; tiếp tục cải thiện việc phối hợp giữa các ngành, các bên liên quan, đặc biệt giữa chủ rừng với cộng đồng để huy động nguồn nhân lực cho quản lý và bảo vệ và phát triển rừng bền vững là giải pháp không thể thiếu. Dự án “Quản trị nguồn tài nguyên nước” đã thúc đẩy thành lập thí điểm 03 Tổ lâm nghiệp cộng đồng tại 03 thôn mục tiêu, bước đầu ghi nhận có những chuyển biến tích cực của cộng đồng đối với trách nhiệm bảo vệ rừng như: nhận thức được nâng lên, cộng đồng chủ động hơn trong tuần tra, bảo vệ rừng, có động lực hỗ trợ nhau trong cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống, tạo việc làm, tăng thu nhập để giảm việc tác động vào rừng, giảm phá rừng làm nương rẫy.
Theo Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 08/01/2014 về phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong giai đoạn 2014 – 2020, cả nước sẽ ưu tiên thành lập và đi vào hoạt động 04 trong tổng số 21 hành lang ĐDSH gồm: Hành lang nối giữa Khu Bảo tồn thiên nhiên Na Hang và Vườn quốc gia Ba Bể với tổng diện tích khoảng 506 ha; nối Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh và Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Sao La, Quảng Nam với tổng diện tích 76.579 ha; nối Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Sao La, Huế với Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền với tổng diện tích 26.711 ha; nối Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông và Bắc Hướng Hóa, Quảng Trị với tổng diện tích 15.451 ha.
Có thể thấy hành lang ĐDSH Kon Ka Kinh – Kon Chư Răng là nơi lưu trữ nhiều loài động, thực vật quan trọng, có ý nghĩa bảo tồn và giá trị khoa học. Khu vực này có vai trò làm vùng đệm kết nối sinh cảnh, tạo cơ hội cho một số loài động vật qua lại giữa vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên như quần thể Chà vá chân xám – loài đặc hữu của Việt Nam, chỉ phân bố ở miền Trung và Tây Nguyên đang ở tình trạng cực kỳ nguy cấp. Song song với các chức năng đa dạng sinh học, hành lang còn là nơi sinh sống và cải thiện một phần sinh kế cho cộng đồng người Ba Na, và là đầu nguồn của khu vực các con sông lớn như Sông Ba, Sông Kôn. Đặc biệt, hiện khu vực này đang được UBND tỉnh Gia Lai xây dựng Đề án thành lập Khu sinh quyển Kon Hà Nừng để trình UNESCO công nhận là khu sinh quyển thế giới. Tuy nhiên, hiện sinh cảnh này đang đối mặt với nhiều mối đe dọa từ các hoạt động săn bắn, bẫy bắt, buôn bán trái phép các loài động, vật hoang dã; khai thác các loài cây gỗ quý, hiếm; lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy; chăn thả gia súc; khai thác lâm sản ngoài gỗ; xây dựng đường giao thông; và sự hình thành hệ thống các đập thủy điện. Do đó, Dự án Quản trị Tài nguyên nước đã thúc đẩy thành lập Tổ Lâm nghiệp cộng đồng tại một số thôn thuộc xã Đắk Roong, huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai – khu vực nằm trọn trong vùng hành lang, đồng thời hỗ trợ một số mô hình sinh kế nhằm tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, giảm áp lực khai thác lên tài nguyên rừng. |
Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet)